Theo tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trai 5 tuổi, ngụ tại quận 10 (TP.HCM) bị tử vong do hóc dị vật đường thở. Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng tím tái, trụy mạch, dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé trai không qua khỏi.
Nguyên nhân khiến bé tử vong được xác định là do ăn thạch rau câu. Thỏi rau câu lọt vào đường thở, gây suy hô hấp cấp. Rau câu có hình trụ, đàn hồi tốt lại trơn và dễ vỡ nên việc cứu chữa cho nạn nhân bị hóc rất khó khăn.
Chia sẻ với báo chí, người thân nạn nhân cho hay, trong lúc bóp mạnh vỏ nhựa bọc bên ngoài để thỏi rau câu tuột ra, cháu đồng thời hút mạnh. Ngay sau đó, cháu bé ho sặc, tím tái, ôm ngực vật vã, người nhà hoảng hốt đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi bệnh nhi hút rau câu vào miệng, nắp thanh quản sẽ mở ra, khiến thức ăn lọt vào đường thở và lúc này nắp thanh quản đóng lại sẽ khiến đường thở bị tắc nghẽn. Theo đó, khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân. Còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đối mặt với di chứng não.
Theo PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), khi trẻ hóc dị vật đường thở, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
Sơ cứu đúng cách, tận dụng thời gian vàng sẽ giúp nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm. Từ sự việc đau lòng trên, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tập cho con em mình thói quen ăn uống, nhai nuốt an toàn để tránh thức ăn rơi vào đường thở hoặc loại trừ xương thịt - cá, hạt của các loại trái cây. Trong lúc đang ăn tuyệt đối không nô đùa.
Nếu trẻ hóc dị vật, người lớn tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra. Việc làm này chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.
Khi trẻ hóc dị vật, các bậc phụ huynh cần đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ). Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Mỗi phụ huynh cần chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản liên quan đến sơ cấp cứu tại chỗ nói chung và sơ cứu dị vật đường thở nói riêng để kịp thời xử lý trong trường hợp chẳng may bé gặp tai nạn.
Vân An