Nhà tôi nằm trên đại lộ Lenin - đường phố chính của thành phố Magnhitogorsk vùng Ural xa xôi, thành phố có con sông chia đôi hai miền Âu - Á. Hàng ngày, vào giờ này, tiếng xe cộ và mọi âm thanh khác vẫn còn náo nhiệt lắm! Nhưng không hiểu sao hôm nay, mới 2h sáng thôi mà ngoài kia mọi thứ đã im ắng lạ thường?!
Nằm một lúc rồi mà tôi không tài nào ngủ được. Tâm trạng tôi đang rất xáo trộn. Tôi đang nghĩ rất nhiều đến đồng bào tôi những người lao động đang sống ở khắp các thành phố thuộc Liên bang Nga. Chắc giờ này họ cũng như tôi, đang trằn trọc, lo lắng và mong ngóng muốn biết tình hình, chính sách về buôn bán của chợ người Việt và chính sách dành cho người lao động tại Nga.
Hình minh họa
Những cảm xúc trong tôi thật khó tả và tôi chẳng thể nào kiểm soát nổi. Tôi đã bật dậy, mở máy vi tính để vội vã ghi lại như sợ một âm thanh nào đó làm tuột mất đi dòng cảm xúc đang dâng trào. Có lẽ dòng cảm xúc đang trào dâng trong tôi đã bắt đầu từ buổi tối hôm qua, khi mà tôi cùng với vợ và cậu con trai 4 tuổi ngồi xem chương trình "Tôi muốn biết" trên một kênh truyền hình Nga. Chương trình mà khán giả truyền hình gửi những lá thư kèm theo các câu hỏi về những điều mình muốn biết để biên tập viên giải đáp. Cả nhà tôi đã vô cùng xúc động khi nghe biên tập viên đọc lá thư có nội dung như sau: "Xin cho biết bí quyết nào giúp một nước Việt Nam nhỏ bé luôn chiến thắng tất cả mọi kẻ thù xâm lược từ trước tới nay?...".
Thay cho một câu trả lời trực tiếp, tôi đã thật ngạc nhiên khi màn hình hiện lên cảnh biên tập viên xuất hiện tại Việt Nam. Ông đứng trước bụi tre nhỏ, cầm ngọn một cây tre và cố gắng kéo xuống nhưng không thể và ông nói: "Người Việt Nam như những cây tre này: Dẻo dai, cứng cáp, không gì khuất phục nổi". Tiếp đó, một video clip giới thiệu về 200 km địa đạo Củ Chi, với những đường hầm nằm sâu trong lòng đất... và lời dẫn về lòng kiên cường, trí thông minh, sáng tạo; Sự dũng cảm, tinh thần đoàn kết. Tất cả những thứ ấy góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Tôi đã quá ngỡ ngàng khi người phóng viên già biết dùng hình ảnh cây tre để ví với người Việt Nam. Một hình ảnh tượng trưng đầy ý nghĩa và đã trở thành biểu tưởng của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Đó là niềm tự hào về mảnh đất nơi tôi sinh ra, ở đó có những con người thông minh, dũng cảm và luôn thừa lòng nhân ái.
Tôi còn tự hào hơn về những người Việt đang làm việc tại Nga - những người bạn, người đồng chí của tôi đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Họ đã bao nhiêu lần mất ngủ, bao nhiêu lần mất mát cả người và của trên đất khách quê người nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê hương đất nước. Sự đóng góp của mấy chục nghìn người Việt Nam ở Nga với đất nước thật lớn lao bao năm lam lũ, vật lộn trên đất khách, họ đã gửi về quê hương những thành quả rất đáng tự hào.
Tôi bị xúc động bởi lòng nhân ái của người Việt ở Nga và luôn hiện lên trong tâm trí mình hình ảnh mỗi buổi sáng ngủ dậy, những người đi chợ vội vã rang bát cơm nguội cho vào cặp lồng mang đi cho bữa trưa. Và họ luôn tâm niệm một tinh thần tiết kiệm... nhưng lại sẵn sàng bỏ ra vài trăm đô la gửi về nhà khi nghe tin có ai bị ốm đau hay có đứa em, đứa cháu nào cần mua máy vi tính để học. Rồi còn những người mẹ, người chị chẳng bao giờ dám ăn cái kẹo ngon, nhưng mỗi lần về phép lại đi khắp các cửa hàng tìm mua những gói kẹo, chai rượu ngon nhất, đẹp nhất làm quà cho người thân ở quê hương.
Tôi còn khâm phục bởi sự năng động, sáng tạo của người Việt ở đất Nga. Có thể nói rằng, người Việt Nam mình là những người đi đầu trong ngành buôn bán lẻ ở Nga. Vào những năm cuối của thập kỷ 80, những sinh viên, công nhân Việt Nam đã bắt đầu biết cách buôn bán từ những thỏi son, những chiếc áo phông cành mai, chiếc quần bò nối gối... Họ đã "đặt viên gạch" đầu tiên xây nền móng cho các trung tâm buôn bán lớn ở Nga bây giờ.
Niềm tự hào ấy, cùng những nỗi buồn đã và sắp xảy ra đã khiến tôi, một con người nhỏ bé, đa cảm nơi đất khách quê người chẳng thể giữ nỗi những cảm xúc của mình. Đây không phải là đêm đầu tiên tôi và tất cả người Việt ở Nga mất ngủ, bởi chúng tôi đã từng mất ngủ như thế: Lần Đom 5 tan rã, cơn khủng hoảng tài chính Nga năm 1998... đã khiến bao người chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Nhưng qua cơn bão tố trời sẽ lại yên, biển sẽ lại lặng; Lúc khó khăn mới hiểu được hết lòng nhau.
Bao lần mất mát chúng tôi đều cùng nhau xây dựng lại từ đầu và đều tồn tại, phát triển và ổn định lâu dài. Tôi tin rằng, những ngày này, không phải riêng chúng tôi mất ngủ, mà những người giữ trọng trách lớn trong cộng đồng người Việt ở đây chắc cũng đang mất ngủ, đang trăn trở tìm lối thoát cho cộng đồng. Tôi tin tưởng rằng một ngày mai tươi sáng đang chờ đón chúng ta. Tôi - bạn - chúng ta, dù thế nào thì hãy tin tưởng ở ngày mai.
Và sáng mai, khi bắt đầu một ngày làm việc mới, tôi muốn gửi bài thơ Tre xanh của nhà thơ Nguyễn Duy cho người biên tập viên già của Nga, người đã khiến cho tôi có nhiều cảm xúc để ngồi viết lên những dòng tâm sự này.
Ngô Tiến Điệp