Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, nhà tài trợ và học sinh Trường Tiểu học Cam Nghĩa 2 - đơn vị từng thụ hưởng sữa miễn phí từ chương trình năm 2017.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước ta có khoảng 26 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, có gần 1,5 triệu trẻ có hoàn cảnh mồ côi, tàn tật, lang thang, lao động sớm... và hơn 2,5 triệu trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em nghèo, bị buôn bán, bắt cóc hoặc bị lạm dụng tình dục…).
Thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam vẫn còn rất cao, cứ 4 em thì có 1 em bị suy dinh dưỡng, chiều cao trung bình của trẻ em thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Bữa ăn của nhiều trẻ em trong các gia đình khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn thiếu chất dinh dưỡng. Trong khi đó, ở khu vực thành thị lại có hiện tượng nhiều trẻ em béo phì do chế độ ăn uống chưa hợp lý. Do đó, chăm lo thể chất cho trẻ em là vấn đề cấp thiết để trẻ phát triển toàn diện.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ sữa miễn phí cho trẻ em, hàng ngàn học sinh tiểu học trên cả nước đã có bước cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng và nâng cao thể lực cho trẻ em Việt Nam.
Báo cáo đánh giá dự án giai đoạn 2017 – 2022, Tiến sĩ Phan Tân, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, việc đánh giá dựa trên cơ sở thực hiện chương trình sữa miễn phí ở 61 tỉnh, thành phố. Trong đó, 17 điểm trường được chọn lọc tham gia vào đánh giá.
Trong 5 năm qua, tổng số sữa đã trao là trên 3,3 triệu hộp cho 18.293 học sinh tiểu học. Tỉ lệ trẻ thấp, còi sau một năm uống sữa đã giảm hẳn. Số lớp có trẻ thấp/còi từ 53,1% trước khi uống sữa giảm còn 41,6%. Trung bình tỉ lệ trẻ thấp/còi trong số lớp có trẻ thấp/còi từ 14,01% giảm còn 6,28% sau một năm uống sữa. Sau khi kết thúc chương trình miễn phí sữa, các bậc phụ huynh ghi nhận hiệu quả và đã chủ động mua sữa cho trẻ uống, giúp trẻ tiếp tục phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, theo ông Tân, chương trình cũng còn có những hạn chế nhất định như số lượng sữa cung cấp có giới hạn, không đủ cho học sinh trong một lớp/khối; trong cùng một khuôn viên mà trẻ tiểu học có sữa còn trẻ mầm non thì không; dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp phát sữa cho học sinh đợt nghỉ dịch và công tác tập huấn cho các giáo viên.
Vì vậy, việc cấp phát sữa miễn phí giai đoạn 2 (2022-2027) cho trẻ là rất quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, cần chú ý các điểm hạn chế đã nêu, chú trọng phát miễn phí cho đối tượng trẻ ở vùng sâu, vùng xa, trẻ mầm non.
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này, toàn tỉnh có khoảng gần 300.000 trẻ em, chiếm 24% dân số. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 24.000 trẻ em dân tộc thiểu số; gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 32.000 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Tại buổi tổng kết, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ em phát triển thể chất. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em.
“Tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các địa phương tham gia dự án đã thực hiện trong 5 năm qua. Bằng tình thương, trách nhiệm, chúng ta đã thực hiện tốt dự án và phát triển dự án không chỉ nằm trong khuôn khổ 10 tỉnh như đề xuất ban đầu mà tăng lên thành 61 tỉnh được hưởng lợi, đưa số lượng trẻ em được uống sữa từ 13.500 em lên 18.293 em”, bà Hà nói.
Dịp này, ban tổ chức trao 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), 25 xe đạp và gần 5.000 hộp sữa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Cam Nghĩa 2.
Châu Tường