Chết chưa phải là... hết nợ
Thời gian vừa qua có xảy ra một số vụ tự tử, đe doạ, hành hung, thậm chí giết người vì lý do vay nợ mà không có khả năng trả. Xin ông cho biết quan điểm của mình về cách giải quyết vấn đề tiêu cực như vậy?
Nếu người ta thiếu tiền mà lấy cả mạng sống của họ thì không còn gì để nói! Giết người xong, món nợ vẫn còn đó, mà bản thân lại tù tội, thậm chí bị tử hình, gia đình khốn đốn. Đó là cách giải quyết vấn đề vô cùng nhẫn tâm và ngốc nghếch. Còn đối với những ai thiếu tiền và không trả kịp, thường nghĩ mình bế tắc, "không có khả năng chi trả". Thực ra việc gì cũng có cách giải quyết của nó, chỉ là ta chưa tìm ra cách giải quyết mà thôi. Mình chết đi không phải là hết, mà nỗi khổ sẽ để lại cho cả gia đình, cho những người thân yêu.
Không chỉ tự tử, mà một số người còn kéo theo người thân, hoặc nhẫn tâm sát hại chồng (vợ) của mình để độc chiếm tài sản trang trải nợ nần. Ông có thể giải thích vấn đề này ở góc độ tâm lý học rõ ràng hơn?
Khi bị căng thẳng kéo dài, món nợ cứ treo lơ lửng trên đầu, ám ảnh mỗi ngày, đó thật sự là một trạng thái nặng nề kinh khủng. Khi túng quẫn cùng cực, người ta chỉ mong tìm mọi cách có thể để thoát ra khỏi tình trạng đó. Nhưng không phải ai cũng có "tinh thần thép" để đối diện với mọi thứ. Những người nhẫn tâm sát hại cả gia đình mình, là họ bị ám ảnh bởi việc con nợ sẽ bám riết, đòi nợ người thân khi mình chết đi. Những người sát hại người thân để chiếm đoạt tài sản, là những người ích kỷ, nhẫn tâm muốn giải quyết được nợ mà mình không bị tổn hại gì. Tính cách này chỉ trỗi dậy, khi họ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Với những người bị đẩy vào bước đường cùng như vậy, phải chăng vì những người thân, bạn bè xung quanh đã bỏ rơi họ, khiến họ không còn nơi nào để bấu víu, cầu xin sự giúp đỡ?
Rất khó để xác định họ có bị gia đình, bạn bè "bỏ rơi" hay không, vì bạn bè cũng phải lo cho gia đình của họ, các thành viên khác trong gia đình cũng chỉ có thể giúp trong khả năng cao nhất có thể của mình. Quan trọng là thái độ của người trong cuộc, ở cách mà họ chọn để giải quyết vấn đề của mình. Tuy nhiên, bạn bè có thể là người tư vấn cho họ để họ tìm ra được con đường giải quyết món nợ của mình và giúp đỡ trong khả năng có thể. Gia đình cần làm chỗ dựa tinh thần để họ vươn dậy đối mặt với thực tại và tìm cách giải quyết nó.
Đã có pháp luật bảo hộ
Xã hội ngày càng phát triển, sức ép tâm lý ngày càng gia tăng, dường như nhiều người ngày nay không có đủ sức mạnh tinh thần để đương đầu với khó khăn, và chiến đấu? Ông có lời khuyên nào với những người đang lâm vào cảnh cùng quẫn vì nợ nần này không?
Con người thời nay phải chịu áp lực quá nhiều từ mọi vấn đề trong cuộc sống. Có nhiều người lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình, chưa từng trải qua khó khăn nào. Nên đến khi phải đương đầu với khó khăn lớn, họ không có đủ nghị lực để vượt qua. Họ nghĩ rằng mình đang bế tắc, đang ở bước đường cùng. Và còn có lý do là phản ứng dây chuyền. Những tin tức về tự tử ngoài xã hội họ tiếp cận hàng ngày, tới lúc chính bản thân họ rơi vào tuyệt vọng, cô đơn, khủng hoảng, những hình ảnh đó sẽ trở về, ám ảnh họ.
Nên nhớ rằng, trên đời này không có gì là bế tắc, chỉ là con người nghĩ mình bế tắc mà thôi. Người ta làm được thì mình cũng phải làm được!
Đây có phải là những dấu hiệu của khủng hoảng tâm lý? Trong tâm lý học, có những giải pháp nào để vượt qua khủng hoảng tâm lý dạng này không?
Đầu tiên là thay đổi nhận thức: Đừng nghĩ rằng ta đã mất hết tất cả, mà ngược lại, ta vẫn còn tay chân - thời gian - mạng sống và gia đình. Cái ta đang thiếu chỉ là tiền. Thay vì cứ nghĩ mãi về món nợ, sao không nghĩ về những gì mình đang còn để tìm ra hướng đi? Thứ hai là giải tỏa cảm xúc: Chia sẻ với người thân, bè bạn để trút bớt gánh nặng trong lòng. Nói ra điều đang chất chứa là cách để nhẹ nhõm hơn. Di chuyển cảm xúc đến những đối tượng vô hại (gào thét, đập phá những vật vô hại). Ngoài ra, hãy dành cho mình thời gian thư giãn, giải trí, đầu óc phải tỉnh táo thì mới giải quyết được vấn đề. Thứ ba là tìm giải pháp hành động: Hãy ghi ra tất cả những cách có thể giải quyết vấn đề ra giấy, càng nhiều càng tốt, có thể trong số đó sẽ có một cách ta áp dụng tốt. Ngoài ra, có thể đi hỏi ý kiến của người khác. Sự tỉnh táo của người khác có thể giúp ích khi ta đang quẫn trí.
Những người vay nợ thường có tâm lý che giấu, cũng như không đề nghị pháp luật can thiệp khi bị chủ nợ hành hung và dồn ép trả nợ, theo ông tại sao lại có tình trạng đó xảy ra thường xuyên?
Sỹ diện là nguyên nhân đầu tiên. Họ không muốn người khác biết về tình trạng nợ nần của mình. Hai là do họ không muốn gia đình lo lắng. Ba là do thiếu hiểu biết, họ không biết rằng pháp luật bảo hộ họ khỏi hành vi hành hung hoặc những trường hợp "vay nóng" lãi suất cao hơn quy định pháp luật.
Xin cảm ơn anh!
L.Giang - S.Mai