Tôi có một người bạn đã dũng cảm rời bỏ cơ quan nhà nước để ra ngoài lập nghiệp. Anh chọn lĩnh vực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để đầu tư, cả về công sức và tiền bạc, bởi đây là lĩnh vực được Nhà nước rất khuyến khích.
Thời gian đầu, mọi việc suôn sẻ, cả công ty của anh cũng như các đối tác sản xuất trong nước (các làng nghề) và khách hàng nước ngoài đều hài lòng. Phải nói rằng anh đã ăn nên làm ra từ mảng kinh doanh này, các bên cùng phát triển. Càng được đà, anh càng nỗ lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...
Nhưng sau đó, nhiều bất cập về mặt chính sách xuất hiện, gây khó dễ từ khoản nhập nguồn nguyên liệu đầu vào cho tới thủ tục xuất thành phẩm đi nước ngoài. Tại sao bị khó dễ? Có thể do những đơn hàng của anh ngày càng giá trị hơn, có thể do cơ quan quản lý dựa vào một thông tin thời sự nào đó để vin vào, rồi siết những điều "trên cả luật". Một tỷ lý do!
Mà đã khó dễ, thì anh phải tính chuyện "làm luật", nhiều khi cũng chẳng xong, vì quá nhiều "cầu"...
Có những chuyến hàng tưởng như đổ bể, có những đơn hàng trị giá cao đã nhận lời xong lại phải kiếm cớ từ chối. Bị mất uy tín, anh lao đao vì đã đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực tưởng như rất được khuyến khích này.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ của bạn tôi, khi nói tới vấn đề "trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh" đang được các doanh nghiệp bức xúc nêu ra hiện nay.
Công ty của anh có quy mô nhỏ mà đã lao đao như thế, những doanh nghiệp lớn hơn, có các hợp đồng trị giá "khủng" hơn, họ còn lao đao như thế nào?
Nói "trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh" thì rõ ràng có thể thấy ngay, đó không khác gì một... cái bẫy. Vì suy cho cùng, người bước chân vào sẽ phải nhận kết cục đau đớn, chứ đâu được hưởng trái ngọt gì.
Nhìn sâu hơn, cái bẫy này còn nhiều điều để suy ngẫm.
Nếu "đinh" trong bẫy là do vô tình, là vì sự chồng chéo giữa các quy định, do sự chủ quan của người làm luật... thì các nhà đầu tư và doanh nghiệp còn... dễ sống. Bởi họ vẫn có cơ hội "nhổ đinh" khi sự vô tình đó được nêu ra và khắc phục.
Nhưng đáng sợ nhất, là khi những chiếc "đinh" dưới thảm đỏ lại xuất phát từ sự cố ý. Cố ý đặt bẫy, cố ý găm những chiếc đinh vào các vị trí trọng yếu, để rồi khi "con mồi" sa chân vào, thì sẽ phải "làm luật" đủ!
Ở nước láng giềng của chúng ta, từng có một nguyên tắc được thực hiện để cởi trói cho các bộ óc tài năng thỏa chí làm ăn kinh tế.
Nguyên tắc đó là "dỡ miếu tống thần", hiểu nôm na rằng một cơ chế quản lý nhà nước mà càng có nhiều "miếu", thì lại càng lắm "vị thần" canh, từ đây sinh ra đủ thứ trái khoáy, tạo ra hàng loạt "bẫy đinh" để các doanh nghiệp phải "làm luật". Khi xác định "dỡ miếu tống thần" là dẹp bỏ hàng loạt cơ quan và cá nhân ở vai trò quản lý có thể gây nhũng nhiễu, cản đường phát triển...
Khi xây dựng được một cơ chế minh bạch, trách nhiệm thì kể cả có “rải đinh” bên dưới, chắc chắn các doanh nghiệp vẫn tự tin bước lên để tiến về phía trước. Vì khi đó, họ hiểu rằng sẽ có địa chỉ để họ tìm tới thông báo vị trí có “đinh”, có địa chỉ để họ “sơ cứu vết thương” và đi tiếp.
Chứ nếu cứ dọn “đinh” ở chỗ này, rồi âm thầm cố ý bố trí “đinh” ở chỗ khác, thì con số doanh nghiệp phải đăng ký tạm dừng hoạt động hoặc phá sản sẽ vẫn còn tăng lên. Nếu vậy, đến bao giờ nền kinh tế nước ta mới giàu và mạnh?
Trung Hiếu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả