Nhiều năm trở lại đây, cùng với sự nở rộ của chương trình truyền hình thực tế (THTT), nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng được mời làm giám khảo các gameshow. Không khó để “điểm mặt đặt gọi tên” những chương trình có giám khảo là ngôi sao nổi tiếng trong giới showbiz Việt như: Bước nhảy hoàn vũ, Gương mặt thương hiệu Việt Nam, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam…
Nhưng thực tế, giám khảo không phải là cái ghế mà ai cũng có thể xem nó như “nghề” kiếm cơm và tăng thêm “giá trị thương hiệu”. Thực tế cho thấy, ở vị trí “ghế nóng”, nhiều người lộ ngay nhược điểm chuyên môn, thậm chí gây “thảm họa” cho chương trình.
Bên cạnh những yếu tố nội dung, thí sinh thì thành phần ban giám khảo, huấn luyện viên luôn đóng một vai trò quan trọng đối với sự thành công…hay thất bại của một show truyền hình thực tế. Họ chính là những người “cầm cân nảy mực”, có chuyên môn và kiến thức sâu rộng để dẫn dắt chương trình và tìm ra tài năng mới phù hợp với tiêu chí đặt ra. Nhưng dường như cái định nghĩa giám khảo này không còn phù hợp với các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Nhìn vào danh mục giám khảo của các gameshow truyền hình thực tế Việt hiện tại, khán giả không khó bắt gặp những ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí Việt, thậm chí nổi tiếng không ở lĩnh vực showbiz cũng có thể ngồi “ghế nóng”. Nhưng để tìm ra những giám khảo thuộc hàng “chất lượng cao” cả về chuyên môn nghề lẫn danh tiếng là điều không phải dễ. Thế nên, mới có nghịch lý ca sĩ làm giám khảo tại chương trình tìm… người mẫu thương hiệu, người đẹp làm giám khảo …gameshow âm nhạc, danh hài lại làm giám khảo các chương trình nghệ thuật như khiêu vũ, ca nhạc…
Cũng vì giám khảo “bỏ sở trường, theo sở đoản” trái với chuyên môn và tiêu chí của các gameshow truyền hình nên đã gây ra không ít “thảm họa”, scandal khiến thí sinh và khán giả nhiều phen tức “ói máu”, không hài lòng, ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình, thậm chí có chương trình còn bị tẩy chay…
Ví dụ như Tìm kiếm tài năng Việt Nam năm 2016, bên cạnh nhạc sĩ Huy Tuấn, nghệ sĩ hài Trấn Thành và Việt Hương là những cái tên đảm nhận vị trí giám khảo. Không thể phủ nhận tài năng của Trấn Thành và Việt Hương ở lĩnh vực hài và được nhiều người hâm mộ yêu mế, nhưng để hai danh hài nhận xét một giọng hát, một tài năng nhảy múa hay một tay đàn, tay trống…thì đó quả là “thách thức”.
Hay nhắc đến đạo diễn Lê Hoàng, không ít người cho rằng anh là giám khảo bị “ném đá” nhiều nhất khi ngồi “ghế nóng” các chương trình truyền hình. Cũng bởi cách nhận xét “khác người” của mình mà đạo diễn Lê Hoàng từng vấp phải sự phản ứng của thí sinh và khán giả khi đảm nhận vai trò giám khảo trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2011 hay Tuyệt đỉnh tranh tài. Diễn viên Angela Phương Trinh cũng từng vấp phải sự phản đối của khán giả khi ngồi “ghế nóng” chương trình Ngôi sao mới - Hotgirl hotboy.
Thực tế này khiến khán giả không khỏi lo ngại rằng liệu những giám khảo “ngồi nhầm chỗ” có đủ chuyên môn để đánh giá và tìm ra tài năng đúng tiêu chuẩn của cuộc thi. Câu hỏi cần nghiêm túc đặt ra là: Ban giám khảo thực sự đang đóng vai trò gì trong các gameshow? Họ là người “cầm cân nảy mực” hay chỉ là những gương mặt đang “ăn khách”, biết tạo chiêu trò, scandal… là đủ điều kiện để trở thành ban giám khảo của một chương trình truyền hình thực tế?
Có vẻ như, tiêu chí lựa chọn giám khảo của các gameshow truyền hình Việt hiện nay khá dễ dãi. Như một “công thức mặc định”, giám khảo không cần đúng chuyên môn, miễn đó là gương mặt đang “ăn khách” đều có thể ngồi vào vị trí “ghế nóng”, thậm chí từng có một em nhỏ đoạt giải trong một gameshow truyền hình thực tế mới 12 tuổi cũng được mời làm giám khảo. Không ít khán giả đặt câu hỏi, phải chăng chiếc ghế giám khảo của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay quá dễ dãi?
Trước câu chuyện âm ỉ bấy lâu nay và vẫn đang gây nhiều tranh cãi,PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với những người trong nghề.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Không cần quá nghiêm trọng”
Là người từng có nhiều kinh nghiệm trên “ghế nóng” các chương trình âm nhạc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay: “Tôi đạo diễn cũng làm giám khảo âm nhạc đấy thôi. Có lẽ ban tổ chức muốn có những góc nhìn khác ngoài chuyên môn. Và thật sự chúng ta thấy các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là những gameshow giải trí, nên cũng không cần quá nghiêm trọng như một chuẩn mực học thuật. Khán giả hãy xem show truyền hình như là một nơi để giới thiệu các gương mặt, nhân tố mới”.
“Nữ hoàng gameshow” Huỳnh Phúc Thanh Nhân: “Giỏi chưa chắc đã nổi tiếng nhưng nổi tiếng thì chắc chắn giỏi”
Liên quan đến vấn đề này, đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân – người được mệnh danh là “nữ hoàng gameshow” cũng bày tỏ quan điểm về câu chuyện “giám khảo ngồi nhầm chỗ”. “Những nhà sản xuất khi làm gì họ đều phải tính toán rất kĩ, sao cho “vẹn cả đôi đường”, nên ban giám khảo bên cạnh nhũng người có chuyên môn còn có những gương mặt đang “hot” khác để đảm bảo rating (tỉ suất người xem - PV). Họ có thể không quá sâu sát về kĩ thuật nhưng sẽ đưa ra được cái nhìn khách quan đại diện cho ý kiến khán giả. Tôi chỉ thấy nghịch lý khi một số cuộc thi dùng ban giám khảo… kém hơn thí sinh cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề”, đạo diễn Thanh Nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, “nữ hoàng gameshow” cũng nói thêm: “Tôi không nghĩ nổi tiếng trong giới showbiz là dễ dàng. Ngạn ngữ lâu nay cũng có câu “Giỏi chưa chắc nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng thì chắc chắn giỏi”. Chắc hẳn bạn cũng cảm nhận được điều đó. Mặc khác, họ có thể trái ngành nhưng không có nghĩa là không biết gì hết. Ví dụ học diễn viên cũng được học về thanh nhạc”.
TGĐ công ty Sen Vàng Phạm Kim Dung: “Chúng ta đã dùng từ ‘gameshow’, bản thân nó không phải là cuộc thi rồi”.
Chị Phạm Thị Kim Dung, TGĐ công ty Sen Vàng – nơi sản xuất nhiều chương trình truyền hình chia sẻ: “Theo sự hiểu biết của tôi thì các gameshow hoặc chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều có những giám khảo đi đúng tiêu chí của chương trình. Trường hợp những người trái chuyên môn thì họ đều được mời và được giới thiệu với vai trò khán giả và được hỏi cảm nhận dưới góc độ khán giả. Để có nhận xét về một chương trình nào đó thì chúng ta cần xem hết chương trình, hiểu ý tưởng chương trình, hiểu tiêu chí của từng tập phát sóng thì chúng ta mới nên phát xét.
Gameshow truyền hình thực chất là những chương trình giải trí phục vụ khán giả chứ không phục vụ cho mục đích tuyển chọn và đào tạo chính thống. Nhìn một cách công bằng cho gameshow và các chương trình truyền hình thực tế thì đó chính là sân chơi rất bổ ích cho các bạn trẻ có năng khiếu muốn thử sức mình, tôi luyện mình trước khi đến với những cuộc tuyển chọn chính thống hoặc hoạt động nghệ thuật của họ. Chúng ta đã dùng từ “gameshow” thì nó chắc chắn không phải là cuộc thi rồi! Việc tuyển chọn, đào tạo một cách chính thống đã có các trường lớp chuyên môn làm”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Giám khảo ngoài việc cầm cân nảy mực còn phải biết làm người xem vui”
Trao đổi với PV về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ: “Dễ nhưng mà lại khó. Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay mục tiêu lớn nhất lớn nhất của các gameshow, chương trình truyền hình thực tế là rating (tỉ suất người xem –PV) . Chúng ta cũng thấy, hiện tại có rất gameshow lên sóng truyền hình, điều này khiến cuộc chiến rating trở nên khốc liệt hơn. Vậy nên, những người làm giám khảo ngoài việc “cầm cân nảy mực” còn phải biết làm người xem vui nữa, phải mặc đẹp nữa…họ phải có gì độc đáo, khác biệt.Giám khảo hiện nay khác hơn, thay đổi hơn vài năm trước”.
Bên cạnh đó, giám khảo Thần tượng âm nhạc Việt Nam cũng tiết lộ, điều anh cân nhắc nhất khi gật đầu đồng ý làm giám khảo một chương trình là sự tôn trọng và trách nhiệm của nhà sản xuất. “Tôi cần nhà sản xuất rõ ràng tiêu chí, tôn trọng giám khảo, vô tư, công bằng với người chơi và quan trọng là ai ngồi chung với mình có hợp nhau không?”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Song Ngư