VEF đưa tin, ngày 24/8 vừa qua, Đại hội bất thường Công ty Cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco Sài Gòn) đã thống nhất giải thể doanh nghiệp.
Sau tuyên bố giải thể, Hội đồng Quản trị công ty sẽ mua lại cổ phần trôi nổi với giá 2.300 đồng một cổ phần. Từ tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn đã được chuyển sang cho Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài được sở hữu bởi Tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco Sài Gòn trước khi giải thể) tiếp quản.
Thương hiệu Việt Nam 20 năm tồn tại coi như chấm dứt tại đây, tuy nhiên điều khiến nhiều người quan tâm là tại sao một thương hiệu lớn mạnh như thế lại dễ dàng trao tay cho doanh nghiệp ngoại.
Thương hiệu Tribeco đã rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
Nhìn lại chặng đường 20 năm tồn tại, Tribeco đã có đến 11 năm liền lọt vào danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao. Thậm chí, sản phẩm sữa đậu nành và nước ngọt có gas của Tribeco còn được đề xuất chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM.
Không những thế, Tribeco còn là một trong những DN lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên. Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15 - 18%. Và cổ phiếu Tribeco từng là hàng "hot" được săn đón bởi các quỹ đầu tư tên tuổi .
Năm 2005, Tribeco hợp tác với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC và đây được coi là chiến lược đúng đắn.
Năm 2007, Tribeco có sự hợp tác thứ 2 với đối tác chiến lược Uni-President. Sau 2 sự hợp tác với 2 "đại gia", nhiều người hi vọng vào sự lớn mạnh vượt bậc của Tribeco.
Tuy nhiên, cú "sốc" đầu tiên lại xảy ra ngay sau đó. Năm 2008, Tribeco công bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi và chuỗi dài thua lỗ kéo theo từ đó và có dấu hiệu ngày càng thê thảm.
Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.
Việc thua lỗ của Tribeco còn kéo dài sau những đầu tư xây dựng các nhà máy tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác nvaf kết cục tất yếu đã xảy ra.
Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Thành viên HĐQT người Việt Nam sau đó cũng đã từ nhiệm. Kinh Đô thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco.
Như vậy, Tập đoàn Đài Loan hiện nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam và ung dung hưởng lợi trên thương hiệu đã gây dựng 20 năm của Việt Nam.
Sự ra đi của Tribeco khiến nhiều người tiếc nuối cho một thương hiệu Việt. Tương lai phía trước của Tribeco khi rơi vào doanh nghiệp ngoại vẫn đang là một dấu chấm hỏi.
Khánh Tuân (tổng hợp/VEF)