Theo thống kê sơ bộ, lượng CTRXD thải ra hàng ngày trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 tấn, chưa tính đến khối lượng phát sinh đột biến từ các dự án xây dựng, giao thông. Trong thành phần CTRXD chủ yếu là gạch và bê tông, đây là nguồn đầu vào khả thi để thực hiện xử lý, tái chế trong điều kiện hiện chỉ có 4 bãi đổ CTRXD (Nguyên Khê, Vân Nội thuộc huyện Đông Anh, Vĩnh Quỳnh thuộc huyện Thanh Trì, Dương Liễu thuộc huyện Hoài Đức). Đến nay, cơ bản các bãi tập kết, xử lý CTRXD đã đầy, hạn chế khả năng tiếp nhận lượng chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố.
UBND TP.Hà Nội đang tập trung chỉ đạo triển khai một số dự án trọng điểm như: dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (ước tính khối lượng phá dỡ khoảng 58.500m3), dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng (ước tính GPMB khoảng 2.400 hộ dân và 15 cơ quan, khối lượng CTRXD khoảng 150.000m3), dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục...
CTRXD tại các dự án nêu trên sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ đề xử lý, tái chế bằng các công nghệ tiên tiến như nghiền chất thải rắn xây dựng của các nước khu vực và trên thế giới, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, giữ vệ sinh môi trường, không phải đầu tư nhiều khu xử lý, giảm việc đổ trộm, trộn lẫn CTRXD với chất thải sinh hoạt.
Căn cứ chỉ đạo của UBND TP, sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các quận, huyện đề xuất phương án, địa điểm tại các cửa ngõ Thủ đô có thể làm trạm trung chuyển, tái chế, nghiền CTRXD và báo cáo UBND TP. Đến nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao cho UBND các quận, huyện triển khai thực hiện tại các vị trí như: Ô đất ngoài đê cầu Thanh Trì, bãi đổ tại xã Yên Sở (Hoàng Mai); bãi xử lý phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì)...
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND TP, một số đơn vị, doanh nghiệp đã mua máy móc, thiết bị để thực hiện công nghệ mới như: CTCP Xử lý chât thải xây dựng và Đầu tư phát triên môi trường Hà Nội đã chủ động đầu tư dây chuyền thiết bị nghiền CTRXD của Đức, Cộng hòa Áo và đã thực hiện ứng dụng tại công trình đường Phạm Văn Đồng; CTCP Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) đang tiến hành hợp tác với Tập đoàn T&T đầu tư hệ thống nghiền tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ và thiết bị của hãng Rubber master của Áo...
Hà Nội cũng triển khai dự án Khu xử lý, tái chế chất thải xây dựng theo hình thức xã hội hóa tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh) và xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) bằng công nghệ xử lý hiện đại, nghiền và tái chế chất thải rắn xây dựng, bùn thải thoát nước.
Với công nghệ xử lý CTRXD mới này, sở Xây dựng hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng như hiện nay và hạn chế tình trạng ô nhiễm bụi môi trường từ các công trình xây dựng
TheoBáo Tin tức/TTXVN