Thông tin về tình hình việc làm của người lao động hiện nay, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 LĐLĐ tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), tình hình lao động việc làm trong 1 một tháng trở lại đây có nhiều khó khăn do một số ngành giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động. Tình trạng này tập trung ở các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, dệt may, da giày, điện-điện tử. Điều này cho thấy, khi có biến động thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng.
Dự báo, trong 3 tháng tới, sẽ giảm khoảng 75.000 lao động. Số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 92,9%), trong đó nhiều nhất là ngành dệt may-da giầy chiếm 41,8%, điện-điện tử chiếm 40,8%.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách-pháp luật (LĐLĐ Tp.HCM), Tp.HCM có khoảng 108.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, nhiều nhất là giảm giờ làm (khoảng 102.000 lao động), khoảng 6.000 người bị mất việc.
Còn tại Bình Dương, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 30.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có trên 240.000 lao động phải giảm giờ làm.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động tại một số ngành nghề, thì nhu cầu tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, thương mại dịch vụ như chế biến thực phẩm, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giao nhận hàng hóa… vẫn tăng cao.
Cụ thể, Tp.HCM cần 25.000 lao động, trong đó, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 68%. Tương tự, Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng khoảng 28.000 lao động.
Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm), trước tình hình trên, về cơ bản các địa phương đều có phương án hỗ trợ tìm việc làm mới cho người lao động, triển khai công tác tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ học nghề cho người lao động đến đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Cụ thể, tại Tp.HCM, đối với các DN cho nhiều người lao động nghỉ việc, Sở LĐTB&XH Tp.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm nắm bắt nhu cầu của người lao động và tổ chức kết nối với các DN đang cần tuyển lao động.
Kết quả, 770/1.083 người bị cắt giảm tại Công ty TNHH V.N.S.H đã có việc làm mới, những người còn lại không có nhu cầu tìm việc làm mới. Đối với 1.178 lao động bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/12/2022 tại Công ty TNHH T.H, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chuẩn bị nguồn tuyển lao động tại 6 công ty khác với nhu cầu tuyển dụng là 6.640 người tại nhiều vị trí để giới thiệu cho người lao động.
Bên cạnh đó, các DN cũng chủ động các giải pháp giữ chân người lao động, chờ đến khi đơn hàng ổn định, ví dụ như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (là DN có số luộng đông lao động với 55.976 người) đã thông báo cho 20.000 người lao động tại một số xưởng thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên. Các ngày nghỉ luân phiên người lao động vẫn được thanh toán tiền lương là 180.000 đồng/ngày.
Đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho rằng, cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTB&XH) Tống Văn Lai cho biết, Bộ LĐTB&XH đang tổng hợp tình hình thực tế tại các DN để báo cáo Chính phủ. Cơ quan chức năng sẽ phân loại từng nhóm đối tượng để có các giải pháp phù hợp.
Theo ông Tống Văn Lai, trong lúc người lao động bị giãn việc, DN có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho công nhân, lao động để đón những đơn hàng mới. Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kĩ năng, tay nghề sẽ đem lại hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, khi ổn định đơn hàng nếu thiếu lao động có tay nghề, DN sẽ phải tuyển dụng và mất chi phí rất lớn.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cũng cho rằng: "Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kĩ năng, tay nghề, doanh nghiệp cần coi đây là chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả cao trong bối cảnh hiện nay. Bởi sau này thiếu lao động, doanh nghiệp phải đi tuyển dụng lại sẽ mất chi phí rất lớn. Hơn nữa, hoạt động trên sẽ tạo sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp".
Liên quan đến đề xuất của một số đơn vị trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động lúc khó khăn, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, để hỗ trợ được người lao động cần thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu sử dụng quỹ này hỗ trợ người lao động tạm hoãn, giãn việc cần xem xét, cân nhắc, kiến nghị Quốc hội.
Chuyên gia này cho rằng đã đến lúc cần dự báo tình hình kinh tế, xã hội, xu hướng của thị trường ngoài nước để định hướng công tác đào tạo, tuyển dụng, sản xuất kinh doanh tới đây. Từ đó, thị trường lao động dễ dàng nắm bắt được sự thay đổi, hứng đón sự chuyển động của tình hình trong và ngoài nước.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho rằng, các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước rất quan trọng trong giai đoạn này. Một số gói hỗ trợ người lao động như trong đại dịch Covid-19 cần tiếp tục được triển khai.
Ông Vinh cho rằng cũng cần huy động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang còn kết dư, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Như vậy, họ có thể học tập, nâng cao kỹ năng và có thể tìm kiếm việc làm trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, chính sách phát triển doanh nghiệp như gói hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp cần tăng cường giải ngân.
Trước tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm đang diễn ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao đổi với Bộ LĐTB&XH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cùng thống nhất đánh giá lại tình hình, từ đó sẽ có kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Minh Hoa (t/h theo BĐT Chính phủ, báo Lao Động)