Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 6/9, trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về thực tế nhiều người phản ánh vẫn nhận được các cuộc gọi của các số điện thoại lạ, thậm chí có hiện tên người gọi nhưng người nhận không hề quen biết? Vậy, quá trình xử lý sim rác hiện nay được thực hiện ra sao?
Đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết về cơ bản SIM điện thoại chỉ là một công cụ (tương tự như thư điện tử, thư tay,…) được sử dụng để liên lạc, truyền thông tin và với sự phát triển của dịch vụ di động, bên cạnh các mặt tích cực thì cũng đã phát sinh các hành vi lợi dụng các ưu điểm của dịch vụ di động (sự phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ,…) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (gọi rác, tin nhắn rác,…).
Theo đại diện Cục Viễn thông, đây cũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới trong quý II/2023, hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 6,5 tỷ cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi không mong muốn (cuộc gọi rác/cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) - tương ứng trung bình 70 triệu cuộc/ngày.
“Trong thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác bên cạnh việc bị phát tán từ các thuê bao không chính chủ mà Bộ đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai xử lý, thì còn có thể xuất từ chính các thuê bao chính chủ (điển hình là các trường hợp thuê bao cố định có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác đang có xu hướng gia tăng sau khi Bộ tăng cường công tác xử lý SIM thuê bao di động)”, đại diện Cục Viễn thông thông tin.
Do vậy, theo đại diện Cục Viễn thông tương tự như việc ngăn chặn rác, xử lý tội phạm trong không gian thực hiện nay, để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng cần sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của chính người dân.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức (các trường học, ngân hàng, bệnh viện) cần chủ động triển khai các biện pháp, các kênh liên lạc chính thống, phổ biến tuyên truyền đến người sử dụng; các Bộ Công thương, Bộ Văn hoá có các biện pháp xử lý, ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm khi thực hiện quảng cáo qua các kênh không được phép – bao gồm việc thuê/sử dụng cuộc gọi quảng cáo không được đăng ký theo quy định (tương tự như việc quảng bá sản phẩm trên các trang mạng, kênh youtube có hành vi vi phạm);
Về phía người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, tầm quan trọng của việc sử dụng SIM chính chủ (khi mà SIM điện thoại hiện đã gắn với rất nhiều hoạt động hàng ngày như Vneid, thanh toán số…);
Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe, thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ (không có trong danh bạ); chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc, cảnh báo cuộc gọi rác, cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp (dịch vụ hộp thư thoại;…);
“Trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế tình trạng cuộc gọi rác”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.
Vấn nạn SIM không chính chủ
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ TT&TT đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu mới về việc chặn lọc SIM rác, SIM không chính chủ.
Sau khi tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.
Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT đang quyết liệt xử lý tình trạng SIM không đúng thông tin thuê bao, SIM không chính chủ.
“Trước kia, Bộ TT&TT chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này, đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đối soát thông tin thuê bao”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, hiện có tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng thực ra nằm trong tay người sử dụng khác. Do vậy, một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ.