Triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán sau vụ bầu Kiên

Triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán sau vụ bầu Kiên

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Từ khi bầu Kiên bị bắt, chỉ trong ba ngày giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc, nhiều đại gia trên sàn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thị trường chứng khoán ngày thứ ba kể từ khi bầu Kiên bị bắt vẫn tiếp tục lao dốc không phanh, xuống mức kịch biên. Màu xanh lơ và đỏ phủ khắp cả hai sàn.

Chứng khoán "tuột dốc không phanh"

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, chỉ số VN-Index giảm 17,41 điểm (-4,24%), xuống 392,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 38,83 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 679,54 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,75 triệu đơn vị, trị giá 40,44 tỷ đồng.

Kinh doanh - Triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán sau vụ bầu Kiên

Chỉ trong 3 ngày, các đại gia đã mất hàng nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, EIB giảm sàn 900 đồng/CP, còn dư bán sàn hơn 2 triệu cổ phiếu, CTG còn dư bán sàn 0,12 triệu cổ phiếu, MBB giảm sàn 600 đồng/CP, xuống 13.300 đồng/CP (tuy nhiên lượng bán sàn đã được vét hết), STB cũng tương tự MBB khi giảm sàn nhưng không còn dư bán sàn, VCB còn dư bán sàn 0,32 triệu cổ phiếu. Không chỉ cổ phiếu ngân hàng, nhiều cổ phiếu lớn, nhỏ khác cũng bị kéo xuống mức sàn khi tình trạng bán tháo vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi bên mua tỏ ra lo sợ. Do đó, thanh khoản của phiên hôm nay giảm đáng kể.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 3,42 điểm (-5,29%), xuống 61,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,9 triệu đơn vị, trị giá trên 322 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,9 triệu đơn vị, trị giá 38,78 tỷ đồng. Cổ phiếu ACB còn dư bán sàn hơn 1,2 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu SHB còn dư bán sàn gần 1,23 triệu cổ phiếu.

Tổng vốn hóa thị trường (market cap) theo thống kê của Vietstock đến sáng 23/8 là 687.645,12 tỷ đồng (tương ứng khoảng 32,7 tỷ USD). Như vậy, so với ngày 20/8, vốn hóa thị trường đã bị mất tới 5,62 tỷ USD trong 3 ngày. Không chỉ tác động chung tới toàn thị trường, việc hàng loạt cổ phiếu lao dốc đã khiến khối tài sản trên thị trường chứng khoán của nhiều "đại gia" bị hao hụt đáng kể.

Trước đà lao dốc của thị trường, một số chuyên gia cho rằng nên tạm dừng giao dịch để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng nên dừng ngay giao dịch trong vòng ít nhất một ngày để thị trường có thể trấn tĩnh tâm lý và có thời gian để điều chỉnh hành vi theo các dòng thông tin phù hợp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán cho biết, hiện tại Ủy ban chưa nghĩ đến phương án tạm ngừng giao dịch, thay vào đó Ủy ban đang họp bàn để tìm giải pháp cho đợt sụt giảm này.

Các đại gia mất ngàn tỷ

Theo thông báo từ hai ngân hàng Á Châu (ACB) và Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB), tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của ông Kiên đang lần lượt là 3,75% ứng với 35.167.245 cổ phiếu và 0,2%. Riêng tại ACB, vợ ông Kiên còn nắm 38.512.975 cổ phiếu ngân hàng này.

Từ mức đóng cửa 25.900 hôm 20/8, chốt phiên sáng 23/8, ACB chỉ còn 21.000 đồng/cp, mất 4.900 đồng/CP. Như vậy, với tổng lượng cổ phiếu mà ông Kiên và vợ đang sở hữu ở ACB, giá trị nắm giữ của vợ chồng vị đại gia này đã bị "bốc hơi" hơn 361 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày.

Nhiều đại gia khác cũng chung cảnh "tiền không cánh mà bay". Gia đình ông Đặng Văn Thành (cổ phiếu STB) mất 308 tỷ đồng. Trong đó, ông Thành hiện nắm 42.696.108 cổ phiếu, con trai ông là ông Đặng Hồng Anh thành viên HĐQT Sacombank và là chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) cũng nắm 37.146.539 cổ phiếu STB và nắm 35.607.000 SCR. Giá đóng cửa phiên 20/8 của STB là 22.800, đến hết phiên sáng 23/8 giảm còn 19.700 đồng, mất 3.100 đồng/CP. Sau 3 ngày, cha con ông Đặng Văn Thành mất 247,5 tỷ đồng do STB sụt giá. Ngoài ra, ông Hồng Anh còn thiệt hại thêm 60,5 tỷ đồng vì giá SCR rớt xuống còn 7.600 đồng/CP từ mức 9.300 đồng/CP vào cuối ngày 20/8. Tổng thiệt hại của hai cha con ông Thành lên đến 308 tỷ đồng.

Còn gia đình ông Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT Sacombank) cũng mất tới 223,46 tỷ đồng. Gia đình ông Trầm Bê hiện sở hữu cổ phiếu tại ngân hàng, với lần lượt: Ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) sở hữu 48.000.000 đơn vị, ông Trầm Khải Hòa (con trai) sở hữu 20.820.000 đơn vị, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái) sở hữu 3.148.953 đơn vị. Ông Trầm bê chỉ sở hữu khiêm tốn 115.000 cổ phiếu STB, phần lớn cổ phiếu ông này nằm tại SouthernBank với 33.459.558 đơn vị, chiếm tỉ lệ 10,42% và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh - BCI với 2.214.453 đơn vị, chiếm 3,06%. STB giảm giá đã khiến 223,46 tỷ đồng của cha con ông Trầm Bê bốc hơi trong 3 ngày. Ngoài ra, ông Trầm Trọng Ngân còn sở hữu 7.456.653 cổ phiếu SouthernBank, 1.220.000 cổ phiếu PNS. Bà Trầm Thuyết Kiều cũng có 29.420.263 cổ phần tại SouthernBank, 4.950.000 tại NJC.

Riêng ông Trần Phát Minh cũng không tránh khỏi "liên lụy" khi nắm 48.123.557 cổ phần tại STB chiếm 4,94%. Do vậy, với diễn biến thị trường trong 3 ngày vừa qua, vị đại gia này cũng mất 149,1 tỷ đồng. Còn bầu Long (Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), với sở hữu 84.216.000 cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 24,12%. Vợ ông là bà Vũ Thị Hiền cũng nắm tới 25.793.460 cổ phần tại Hòa Phát. Trong 3 ngày, từ mức đóng cửa hôm 20/8 là 22.900 đồng/CP, nay cổ phiếu này chỉ còn 19.900 đồng, đã gây thiệt hại cho vợ chồng Bầu Long 330 tỷ đồng.

Cùng đó, gia đình “bầu” Hiển (Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - SHB và Cty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội - SHS) nắm 25.419.006 cổ phần SHB cũng đành "ngậm ngùi" nhìn 35,6 tỷ đồng "bốc hơi" khi giá SHB giảm từ 7.800 đồng/cp hôm 20/8 xuống còn 6.400 đồng/cp trong sáng nay. Chị gái ông Hiển, bà Đỗ Thị Thu Hà sở hữu 12.838.100 cổ phiếu SHB nên cũng mất gần 18 tỷ đồng. Còn bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAG) cũng mất tới 805 tỷ đồng…

Ủy ban chứng khoán lên tiếng

Trước tình hình chao đảo của thị trường chứng khoán, hôm qua (23/8), trên website chính thức, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, thận trọng trong giao dịch chứng khoán, tránh bị tác động tâm lý lan truyền từ các thông tin chưa được kiểm chứng từ các nhà đầu cơ, trục lợi, giao dịch nhằm thao túng thị trường. Cần theo dõi sát sao các thông tin từ các nhà chức trách, cơ quan quản lý nhà nước (Ngân hàng Nhà nước; Ũay ban chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán) để có quyết định hợp lý, tránh tâm lý bán tháo cổ phiếu.

Cũng theo thông tin từ Ủy ban, hiện cơ quan này đang chỉ đạo các Sở Giao dịch và tổ chức niêm yết công bố các thông tin có liên quan ra thị trường để cung cấp cho nhà đầu tư. Mặt khác, Ủy ban cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra để xử lý nghiêm các nhà đầu tư lợi dụng để tung tin đồn thất thiệt để giao dịch đầu cơ, trục lợi trên thị trường. Ủy ban khuyến cáo các công ty chứng khoán cần tuyên truyền để nhà đầu tư hiểu rõ vấn đề và trong các hoạt động giao dịch chính các công ty cũng phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Để hỗ trợ thị trường, từ nay đến cuối năm, Ủy ban sẽ tập trung triển khai hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp lý Chính phủ mới ban hành (Nghị định 58/CP); đẩy mạnh triển khai việc tái cấu trúc hoạt động các công ty chứng khoán; tổ chức tập huấn các văn bản đã ban hành như thông tư về quản trị công ty, thông tư về công bố thông tin, thông tư về niêm yết chứng khoán...

Trong công văn hỏa tốc gửi các đơn vị chiều qua, Ủy ban chứng khoán cũng xem xét để triển khai một số các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ thị trường. Trước mắt, từ ngày 4/9, Ủy ban chứng khoán đưa vào áp dụng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán từ 15h ngày T+3 xuống 9h ngày T+3. Qua đó, cho phép nhà đầu tư có thể bán chứng khoán vào sáng ngày T+3 (rút ngắn được 1 ngày so với trước đây). Ủy ban cũng sẽ xem xét khi thị trường thuận lợi có thể điều chỉnh biên độ giao dịch trên các Sở Giao dịch chứng khoán để hỗ trợ thanh khoản của thị trường.

Đức Kế


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.