Tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Sáng 29/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu khẩn trương tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương, trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghiên cứu xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.
Đồng thời, đổi mới, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức. Trong đó, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định của luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.
Nghị quyết cũng lưu ý, cần sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương.
Chậm nhất đến quý II/2024, hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước. Xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Chậm nhất đến hết năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021.
Tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.
Sửa đổi quy định về tiền lương đối với nhà giáo
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tư vấn tâm lý học đường, các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, nhất là khắc phục tình trạng bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thừa giáo viên cục bộ; có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Ngoài ra, Quốc hội còn yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, tài sản công, mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học; đầu tư nguồn lực thích đáng và nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tập trung đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số....