Theo đó, kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Theo kế hoạch này, Chính phủ yêu cầu Bình Định tập trung triển khai các dự án đầu tư công. Trong đó, ưu tiên tập trung các dự án kết cấu hạ tầng, tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng khung gồm hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, hạ tầng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo…
Các dự án này triển khai để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đảm bảo ổn định sản xuất, an toàn nguồn nước, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững của địa phương…
Các dự án ưu tiên đầu tư thực hiện trong giai đoạn này gồm: cảng hàng không Phù Cát; đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; xây dựng tuyến đường ven biển đoạn từ quốc lộ 1D tới quốc lộ 19 mới; xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn…
Cùng với đó, các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, Bình Định ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực, trục hành lang động lực của tỉnh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút gồm hệ thống cảng biển, hạ tầng logistics; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; các dự án phát triển kinh tế xanh…
Trong kế hoạch vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Định nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Xây dựng cơ chế chính sách đột phá phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư chiến lược làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện nước, giao thông với các khu du lịch, cụm công nghiệp. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra.
Cùng với đó, chính quyền các cấp tỉnh Bình Định tăng cường và tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, có cơ chế thu thập, phản hồi kiến nghị của nhà đầu tư; kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư, hoàn thiện thủ tục hành trong việc đăng ký và triển khai các dự án đầu tư. Rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc và cải cách thủ tục hành chính.
Tỉnh Bình Định phải đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả…