Chiều 30/3, tại khu vực Tháp Trầm Hương (Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ khai mạc triển lãm Khánh Hòa - 370 năm xây dựng và phát triển. Đây là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh (1653 - 2023), 48 năm ngày giải phóng tỉnh (2/4/1975 - 2/4/2023).
Chương trình bắt đầu với màn múa lân cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết triển lãm giới thiệu đến du khách hơn 300 tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà báo… trong và ngoài tỉnh. Các tác phẩm thể hiện những góc nhìn mới, phác họa những nét đặc trưng về danh lam, thắng cảnh, văn hóa, con người của vùng đất được mệnh danh là “xứ Trầm, biển Yến”; đặc biệt là những tiềm năng, thế mạnh, cũng như những thành tựu tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội…
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
Triển lãm sẽ trưng bày phục vụ du khách thưởng lãm từ ngày 30/3 đến 6/4.
Người dân, du khách xem những bức ảnh về cảnh đẹp ở tỉnh Khánh Hòa được trưng bày tại triển lãm.
Chiều cùng ngày, tại khu vực Công viên Phù Đổng (Tp.Nha Trang), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cũng khai mạc triển lãm "Khánh Hòa - xưa và nay". Đây cũng là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023), 48 năm ngày giải phóng tỉnh (2/4/1975 - 2/4/2023).
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính từ thời điểm năm Quý Tỵ (1653), khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thiết lập hệ thống hành chính trên vùng đất này, đến mùa xuân năm Quý Mão (2023) là vừa tròn 370 năm. Vùng đất này được mang tên dinh Thái Khang, Bình Khang, rồi trấn Bình Hòa và đến nay là tỉnh Khánh Hòa. Năm 1832, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở trấn Bình Hòa. Sau lần hợp nhất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào năm 1975 lấy tên là tỉnh Phú Khánh, năm 1989 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cho đến ngày nay.
Triển lãm giới thiệu đến người dân và du khách 250 tư liệu, hình ảnh; trưng bày hơn 50 công cụ trong lao động sản xuất, dụng cụ trong sinh hoạt của các dân tộc tiêu biểu ở Khánh Hòa; hơn 100 cổ vật từ các nhà sưu tầm cổ vật Nha Trang; hình ảnh về làng chài xưa và cảnh đẹp về Nha Trang, biển, đảo, non sông Khánh Hòa.
Các nội dung triển lãm được chia thành 5 chủ đề gồm: Khánh Hòa - Những dấu mốc lịch sử; Nha Trang - Từ làng chài đến thành phố đáng sống; Sắc màu văn hoá qua trang phục các dân tộc tỉnh Khánh Hòa; Sắc màu của biển; Đất và người Khánh Hòa.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày gốm tại triển lãm.
Các hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại triển lãm giới thiệu về hình ảnh Khánh Hòa xưa và nay.
Bên cạnh đó, tại đây, còn có các hoạt động trải nghiệm, giải trí khác như triển lãm “Cổ ngoạn Khánh Hòa”; gian hàng “Nông dân văn minh, nông dân chuyên nghiệp”; gian hàng sản vật địa phương; không gian ẩm thực dân gian; trò chơi dân gian; chương trình nghệ thuật đường phố, chiếu phim lưu động.
Quầy ẩm thực giới thiệu đến du khách những món bánh dân gian như bánh ít, bánh thuẫn, bánh bò...
... và cả các loại trái cây địa phương.
Người dân, du khách tìm hiểu ẩm thực địa phương.
Tại đây, còn có giới thiệu các nghề truyền thống như đan nón lá, đan giỏ... Người dân và du khách thích thú khi tận mắt nhìn thấy các nghệ nhân làm ra những sản phẩm.
Triển lãm nhằm ôn lại quá trình lịch sử xây dựng và phát triển của vùng đất Khánh Hòa, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá. Từ đó, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường phát triển tỉnh Khánh Hòa ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Một tác phẩm về cuộc sống của người dân Khánh Hòa được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Clip: Triển lãm hơn 550 bức ảnh, tài liệu về quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Châu Tường