Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" ở TP.HCM với vé vào xem là 200 nghìn đồng/người (sinh viên trường y được vào xem miễn phí) vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Toàn bộ cơ thể, các bộ phận bên trong con người được trưng bày tại triển lãm đều là người thật đã được xử lý qua công nghệ nhựa hóa.
GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc bệnh viện K đặt ra câu hỏi về mục đích của cuộc triển lãm này.
“Ví dụ triển lãm về nghệ thuật, các thành quả trong kinh tế, đời sống quốc dân… có mục đích rõ ràng nhưng cuộc triển lãm này mục đích là gì tôi chưa hiểu.
Nếu để thực hành y khoa phải trong phòng thí nghiệm, trên giảng đường… để sinh viên học và biết cấu tạo cơ thể người. Đó là trong chuyên môn. Còn triển lãm cho toàn dân, nếu chỉ để tò mò thì không phải là sự cần thiết.
Thậm chí trong ngành hội họa, nặn tượng, tạo hình hình dáng con người, gân cơ, mắt… cũng chỉ triển lãm ở mức độ nhất định để các nghệ sĩ nắm được”, GS.TS Đức nói.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) thì cho rằng, mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau. Có người thấy rùng rợn nhưng có người thấy đây là khoa học.
“Nhưng quan điểm và cảm nhận của tôi là thấy sự rùng rợn. Nếu trong trường đại học y để các sinh viên thực hành là chuyện bình thường vì đó là khoa học còn đây là trưng ra trước công chúng thì cuộc triển lãm này không mang giá trị nhân văn, nhân bản.
Cuộc triển lãm khiến tôi liên tưởng tới những vụ án mạng mà các đối tượng giết người không gớm tay, thậm chí cơ thể người ra thành từng mảnh", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Theo luật sư Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự, công ty Luật Trương Anh Tú, hiện vật được trưng bày trong triển lãm này là những hiện vật đặc biệt mang yếu tố tâm linh. Nguồn gốc của những bộ phận cơ thể, xác người là những hiện vật trong cuộc triển lãm rất cần phải được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc triển lãm giải trình, làm rõ.
“Tôi cho rằng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội trong hoạt động tổ chức cuộc triển lãm này”, luật sư Cường nói.
Cụ thể luật sư Xuân Cường chỉ ra, ở góc độ pháp luật, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác được quy định tại Điều 35 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì những mục đích sau: Chữa bệnh cho người khác; nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Ngược lại, cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Còn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
Việc hiến bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Như vậy, với quy định rất rõ ràng về mục đích của việc hiến tặng và nhận bộ phận cơ thể, xác người hiến tặng nêu trên thì chưa cần xét tới việc đơn vị tổ chức triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người chết hợp pháp hay không thì với việc sử dụng những bộ phận cơ thể người, xác người vào mục đích triển lãm đã là không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp, đơn vị sở hữu những hiện vật đem triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người một cách bất hợp pháp (đào trộm, mua bán…) thì hành vi này còn có dấu hiệu của Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Nguyễn Huệ