Triển lãm nội tạng và cơ thể người: Cả thế giới chỉ trích vì kiếm tiền "phi đạo đức"

Triển lãm nội tạng và cơ thể người: Cả thế giới chỉ trích vì kiếm tiền "phi đạo đức"

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 05/07/2018 20:22

Các cuộc triển lãm xác người luôn trở thành tâm điểm chỉ trích ở châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không làm dừng lại các cuộc triển lãm ước tính thu về 2 triệu USD lợi nhuận mỗi lần tổ chức.

Triển lãm nội tạng và cơ thể người: Cả thế giới chỉ trích vì kiếm tiền 'phi đạo đức'

Triển lãm cơ thể người gây ra rất nhiều chỉ trích trên thế giới.

Phụ nữ thích thú

Khi triển lãm “Những bí ẩn của cơ thể con người” được tổ chức tại Chiyoda, Tokyo vào năm 2004, phản ứng của người đến xem sự kiện cũng hoàn toàn khác nhau.

Người dân Thủ đô Nhật Bản có những cảm xúc lẫn lộn khi nhìn thấy xác người thật được trưng bày ngay trước mặt họ. Có người cảm thấy thích thú, nhưng cũng có người nào đó cảm thấy rùng rợn trước điều mình đang chứng kiến, theo Japan Times.

Tuy nhiên, không giống như các đồng nghiệp ở châu Âu, ê kíp đứng sau tổ chức cuộc triển lãm tại đây dường như không lo lắng gì về những tranh cãi đạo đức khi họ đưa xác người thật vào mục đích trưng bày.

Sự kiện này được hậu thuẫn bởi tổ chức như Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về cơ thể con người và sức khỏe nói chung. Đây là dịp hiếm hoi để công chúng được tiếp cận một cách chân thật nhất về các bộ phận cơ thể người, thậm chí có thể là lần đầu tiên chạm tay vào.

Triển lãm tại Tokyo năm đó trưng bày 16 xác người bị mổ xẻ hoàn toàn và 160 bộ phận cơ thể, bao gồm cả tim, bộ não và hệ thống tiêu hóa. Một cơ thể bị cắt thành các phần từ đỉnh đầu cho đến chân. Ngoài ra, còn có 7 phôi thai cũng được trưng bày.

Yumi Katagiri, 24 tuổi cho biết: “Tôi thực sự tò mò (về cuộc triển lãm)”, trong khi người bạn của cô - Chifumi Magoshi - hứng khởi nói, “Tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này”.

Trong khi các cô gái tỏ vẻ thích thú về cuộc triển lãm, các chàng trai dường như lại cảm thấy khá rùng rợn khi nhìn thấy xác người. Takayuki Yoshida, 19 tuổi, được nhà trường đưa tới đây để nghiên cứu giải phẫu người, nói: “Tôi không biết mình đang làm gì ở đây. Tôi cảm thấy phát bệnh vì những cái xác".

Dù phản ứng của từng khách tham quan là khác nhau, nhưng theo Masaharu Igarashi, một phát ngôn viên của ban tổ chức cho biết, triển lãm đã rất thành công.

“Kể từ khi ra mắt tại Osaka vào tháng 3/2002, triển lãm đã được tổ chức tại Hiroshima, Fukuoka và Nagoya trước khi đến Tokyo. Đến cuối tháng 11 cùng năm, nó đã thu hút tới 1,37 triệu khách”, ông nói. “Khoảng 70% trong đó là phụ nữ”.

Triển lãm “Những bí ẩn của cơ thể con người” được tổ chức lần đầu tiên bởi nhà giải phẫu học người Đức Gunther von Hagens, người đã phát minh ra kỹ thuật “nhựa hóa”, vào năm 1977, giúp bảo quản xác người một cách tối ưu nhất cho các mục đích khoa học. Các xác người trong triển lãm hiện nay do một công ty ở Nam Kinh (Trung Quốc) hiến tặng.

Giáo sư Tâm lý học của đại học Sanno (Nhật Bản), Biten Yasumoto, nói rằng sự thích thú của phụ nữ đối với triển lãm xác người có thể được giải thích bởi thực tế rằng họ có ý thức về cơ thể của mình hơn cánh đàn ông. Trong đó, phụ nữ luôn là đối tượng chú trọng về ngoại hình và có thiên chức của một người mẹ.

Ông cũng cho rằng, sự thành công của triển lãm xuất phát từ lý do giờ đây con người có quá ít thứ còn lại trong thế giới vật chất để khám phá.

“Hầu hết mọi thứ đều được giải thích, chỉ còn lại khoảng ba bí ẩn chưa có lời giải hoàn toàn là vũ trụ, thế giới nguyên tử và sự phức tạp của cơ thể con người”, Giáo sư Yasumoto cho hay. "Triển lãm này cho phép mọi người đến gần hơn với bí ẩn thứ ba".

Trong khi một số người đến dự triển lãm cho mục đích nghiên cứu, có những người đến đây để tìm thấy động lực trong việc bỏ thuốc lá khi được thấy tận mắt phổi của một người hút thuốc nặng, hay đơn giản hơn là trải nghiệm sự rùng rợn như xem các bộ phim kinh dị.

Tranh cãi

Triển lãm nội tạng và cơ thể người: Cả thế giới chỉ trích vì kiếm tiền 'phi đạo đức' (Hình 2).

Nguồn gốc của xác người trong triển lãm cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Mặc dù rất ít người Nhật bày tỏ những quan ngại về vấn đề đạo đức khi đến cuộc triển lãm, các nhóm tôn giáo và cá nhân ở châu Âu đều lên tiếng chỉ trích và đặt câu hỏi về chương trình triển lãm xác người thật của nhà giải phẫu Hagens.

Kể từ năm 1977, các triển lãm tương tự đã được tổ chức tại rất nhiều nước trên thế giới, gồm có Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh và Hàn Quốc, Singapore và mới đây là ở Việt Nam.

Làn sóng chỉ trích ở châu Âu nói rằng việc trưng bày xác người là điều phỉ báng sự thiêng liêng của một con người khi qua đời, trong khi một số câu hỏi đặt ra về việc liệu gia đình của cái xác có chấp thuận để cơ thể người thân trở thành thứ đồ vật trưng bày như vậy hay không.

Ryosei Yamamichi, phụ trách tổ chức sự kiện Tokyo, cho biết hai cuộc triển lãm là khác nhau. Trong khi triển lãm của Von Hagens có cả hai khía cạnh khoa học và nghệ thuật, thì ở Tokyo hoàn toàn là khoa học.

Triển lãm của Von Hagens cũng bị mô tả là giống như một “show diễn” với kiểu sắp đặt táo bạo như bào thai nằm trong tử cung của người mẹ. Điều này được cho là hình ảnh dễ gây ra những tranh cãi, theo Yamamichi.

Các ý kiến chỉ trích khác cũng nói rằng triển lãm này và mục đích đằng sau đó chẳng vì khoa học, hay giáo dục đối với con người, mà là chà đạp lên xác người để tìm kiếm lợi nhuận.

"Đứng sau họ là một công ty tìm cách kiếm tiền. Những gì họ đang cố gắng làm là mang về lợi nhuận", Philip Lipson , một cư dân ở Seattle (Mỹ), từng phản đối một triển lãm xác người tương tự ở thành phố này bằng cách phát tờ rơi phản đối.

Trong khi đó, các nhóm giám sát nhân quyền và một số thành viên của cộng đồng người Trung Quốc tại Seattle đã bày tỏ lo ngại rằng, cuộc triển lãm làm tổn hại đến đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Ron Chew , giám đốc điều hành Bảo tàng Châu Á Wing Luke cho hay: "Rắc rối ở chỗ các thi thể trưng bày đó đến từ Trung Quốc”.

“Từ quan điểm văn hóa của người châu Á, đó là hành vi xúc phạm không thể chấp nhận được", Bettie Luke , người từng làm việc với nhiều nhóm người Mỹ gốc Hoa tại Seattle nói. 

Chiêu trò kinh doanh

Hồi năm 2006, trên trang web của nhà giải phẫu học Von Hagens tuyên bố, cuộc triển lãm xác người đã thu hút hơn 20 triệu người đến tham quan kể từ khi được tổ chức.

Với những con số như thế, không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều công ty, cá nhân nhảy vào bắt chước để tìm kiếm lợi nhuận.

Tại Australia, hàng loạt các triển lãm xác người mô phỏng theo triển lãm của Von Hagens đã được mở ra, thu hút hàng trăm nghìn lượt người. Trong đó các công ty ước tính lợi nhuận mỗi buổi triển lãm mở ra lên tới con số 2 triệu USD.

"Chẳng có mục đích giáo dục nào ở đây cả", Tiến sĩ Howard Markel , Giám đốc Trung tâm Lịch sử Y khoa tại Đại học Michigan cho biết. "Tất cả chỉ là tiền. Đây là một show giải trí cực kỳ thành công".

Markel và những người khác lo ngại rằng các xác chết trong triển lãm có thể không phải đến từ những người hiến tặng, do nhà tổ chức không công bố giấy xác nhận như họ đã tuyên bố.

"Tôi ủng hộ mọi người nên tìm hiểu về cơ thể con người", ông nói, đồng thời cho rằng có rất nhiều cách để truyền tải kiến thức cho mọi người biết về các hoạt động bên trong cơ thể nhưng không phải là cách phô bày ra nơi công cộng.

"Thành thật mà nói, tôi không muốn bản thân mình một ngày trở thành thú tiêu khiển của người khác”, Tiến sĩ Markel nhấn mạnh.

TP.HCM: Nhiều Tranh cãi khi triển lãm nội tạng và cơ thể người

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.