Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục bị tác động bởi đại dịch Covid-19 mới trong tháng Tám, theo báo cáo của IHS Markit, nhà cung cấp dịch vụ thông tin toàn cầu có trụ sở tại London (Anh).
Theo IHS Markit, quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở Đông Nam Á trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 ngày càng bị ảnh hưởng bởi tình trạng phong tỏa trên diện rộng liên quan tới đại dịch.
Điều này đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp và chi tiêu, tiêu dùng ở các nền kinh tế trong khu vực.
Bất chấp những nỗ lực tăng cường tiêm chủng, tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 tương đối thấp ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã khiến khu vực này rất dễ bị tổn thương trước đại dịch trong thời gian tới.
Có những rủi ro đáng kể xung quanh tốc độ triển khai vắc-xin và mức độ kiểm soát đại dịch ở các nước ASEAN. Khả năng phục hồi bền vững được cho là sẽ dựa trên tỉ lệ tiêm chủng và cách các nước ứng phó với các đợt bùng phát do biến thể Delta quét qua khu vực.
Cơ hội phục hồi
Do tác động cực kỳ tiêu cực của đại dịch Covid-19 với các hạn chế đi lại và các biện pháp phong tỏa trên diện rộng, nhiều nền kinh tế ASEAN đã rơi vào suy thoái sâu trong năm 2020.
Tác động của việc đóng cửa toàn cầu tại các thị trường chủ chốt như Mỹ và EU cũng dẫn đến sụt giảm xuất khẩu của nhiều quốc gia ASEAN trong nửa đầu năm 2020.
Trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất có Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Singapore, do các đợt đóng cửa kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xây dựng và chi tiêu tiêu dùng.
Các hạn chế đi lại trong khu vực ASEAN cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế.
Hoạt động kinh tế trong nước cho thấy sự phục hồi đáng kể ở nhiều quốc gia ASEAN trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, khi các biện pháp phong tỏa dần dần được nới lỏng và các đơn đặt hàng xuất khẩu mới được tăng cường.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2021, khi dịch Covid-19 tái bùng phát với sự xuất hiện của biến thể Delta ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, động lực phát triển kinh tế lại tiếp tục suy yếu trong những tháng gần đây.
Lĩnh vực sản xuất của ASEAN tiếp tục sụt giảm trong tháng 8/2021, theo dữ liệu mới nhất về Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) ngành Sản xuất của IHS Markit. Nguyên nhân là do các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng và các biện pháp phong tỏa, hạn chế đang được áp dụng ở nhiều nước ASEAN. Các điều kiện vận hành sản xuất, sản lượng và số lượng các đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm nhanh.
Chỉ số PMI toàn phần cho ngành sản xuất ASEAN đạt 44,5 trong tháng Tám, giảm nhẹ so với con số 44,6 của tháng Bảy, báo hiệu mức suy giảm hàng tháng tháng thứ ba liên tiếp về sức khỏe của ngành sản xuất ASEAN. Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, mỗi quốc gia trong số bảy quốc gia thành viên ASEAN mà IHS Markit tiến hành đo chỉ số PMI sản xuất đều ghi nhận tình trạng xấu đi trong tháng Tám.
Tốc độ sụt giảm mạnh nhất được ghi nhận ở Myanmar, với PMI (36,5) vẫn nằm trong số những mức thấp nhất được ghi nhận. Tiếp theo là Việt Nam, với PMI toàn phần (40,2) giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 trong bối cảnh Covid-19 đang tái bùng phát mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tác động của các biện pháp phong tỏa cũng tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.
Do làn sóng Covid-19 ngày càng leo thang, các hạn chế đi lại quốc tế vẫn sẽ được cho là trở ngại lớn đối với sự phục hồi của du lịch quốc tế và du lịch công tác trong khu vực ASEAN trong những tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, du lịch nội địa cũng bị gián đoạn nặng nề, tạo ra thêm một cú sốc cho ngành du lịch ASEAN.
Do đó, tốc độ phục hồi có thể không đồng đều giữa các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Các ngành như sản xuất điện tử, sản phẩm tiêu dùng gia dụng, dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin có khả năng dẫn đầu sự phục hồi. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch và vận tải hàng không dự kiến sẽ phục hồi chậm chạp hơn.
Cả bảy quốc gia thành viên ASEAN mà IHS Markit tiến hành đo chỉ số PMI sản xuất đều chứng kiến các điều kiện kinh doanh giảm trong tháng Tám.
Chỉ số PMI của IHS Markit Indonesia đạt 43,7 trong tháng Tám, tăng từ 40,1 trong tháng Bảy, mặc dù vẫn đang trong xu hướng giảm đáng kể. Giống như được phản ánh qua chỉ số PMI toàn phần, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục giảm trong tháng Tám. Sự chậm trễ giao hàng cũng kéo dài trong tháng Tám do sự gián đoạn gây ra bởi Covid-19, thể hiện rõ qua việc kéo dài thời gian giao hàng trong tháng thứ 19 liên tiếp.
Tại Malaysia, việc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa liên quan tới Covid-19 đã giúp giảm bớt một số áp lực đối với hoạt động sản xuất của nước này trong tháng Tám. Chỉ số ngăn chặn Covid-19 của IHS Markit cho thấy mức độ áp dụng các hạn chế là thấp nhất kể từ tháng Tư, tạo điều kiện cho chỉ số PMI toàn phần tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Năm. Chỉ số PMI toàn phần cho ngành sản xuất của IHS Markit Malaysia đã tăng từ 40,1 trong tháng Bảy lên 43,4 trong tháng Tám.
Chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tụt xuống còn 40,2 trong tháng Tám, từ 45,1 trong tháng Bảy.
Tại Philippines, việc tăng cường các biện pháp phong tỏa tại vùng đô thị Manila – một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất đất nước – đã buộc các nhà máy và cơ sở kinh doanh tại đây phải đóng cửa trong tháng Tám. Sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm mạnh.
Ngay cả ở Singapore, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao nhất thế giới, chỉ số PMI toàn phần đã giảm đáng kể xuống 44,3 vào tháng Tám so với mức 56,7 (mức cao nhất trong hơn 8 năm qua) trong tháng Bảy. Con số của tháng 8/2021 là thấp nhất kể từ tháng 9/2020.
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Ở Đông Nam Á, làn sóng Covid-19 mới đang gia tăng ở Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, nơi có những trung tâm sản xuất quan trọng, đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Adidas, Foot Locker và Nike nằm trong số nhiều công ty toàn cầu đang chịu tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 tại Việt Nam.
Sự gián đoạn sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất điện tử toàn cầu, do tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất điện tử trong thập kỷ qua.
Samsung Electronics đã báo cáo rằng, tại Việt Nam, trung tâm sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của công ty đã có sự gián đoạn sản xuất ở một số nơi nhất định trong quý II/2021 do các biện pháp hạn chế liên quan tới Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động.
Tuy nhiên, công ty đã giảm thiểu sự gián đoạn bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sang các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của họ.
Toyota cho biết, sản lượng ô tô toàn cầu của hãng này ước tính sẽ giảm 40% trong tháng Chín do ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng tại các trung tâm sản xuất của họ ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Toyota đã tạm dừng một số dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhật Bản trong tháng Bảy và tháng Tám do nguồn cung phụ tùng ô tô từ Việt Nam bị gián đoạn.
Các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử và ô tô đã chỉ ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của việc phong tỏa kéo dài và đại dịch Covid-19 đang leo thang ở Malaysia, một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trên toàn cầu.
Các sản phẩm điện tử chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Malaysia vào tháng 7/2021, trong đó Malaysia là trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các linh kiện cần thiết như chất bán dẫn. Trong lĩnh vực ô tô, Nissan Motors và General Motors cho biết, sự gián đoạn nguồn cung các linh kiện ô tô từ Malaysia đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ trong tháng Tám.
Đại dịch tái bùng phát cũng đang tạo ra sự gián đoạn đối với hoạt động logistic, càng làm gia tăng sự chậm trễ đối với thời gian giao hàng của các nhà cung cấp.
Triển vọng kinh tế ASEAN
Tiến độ triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đang tương đối chậm, khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta gần đây đang quét qua nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Một số thách thức đáng kể mà khu vực này phải đối mặt bao gồm tỉ lệ tiêm chủng hiện tại thấp, vấn đề tiếp cận nguồn cung cấp vắc-xin và quy mô dân số rất lớn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Có một trường hợp ngoại lệ là Singapore. Quốc gia này là một trong những quốc gia đã đạt được tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới tính đến tháng 8/2021.
Malaysia cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể với việc triển khai vắc-xin liều đầu tiên vào tháng Tám, mặc dù các trường hợp Covid-19 mới ghi nhận hàng ngày tại nước này vẫn ở mức rất cao vào cuối tháng Tám.
Các quốc gia ASEAN khác với dân số tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn toàn cầu - đặc biệt là Brunei, Campuchia và Lào - có thể nhanh chóng tiêm chủng cho người dân nếu họ có thể bắt tay vào các chương trình tiêm chủng chuyên sâu, do tổng số liều vắc-xin đủ để bao phủ dân số của họ thấp.
Bất chấp triển vọng kinh tế thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu vào năm 2021, tốc độ mà các quốc gia ASEAN thoát khỏi tác động của đại dịch có thể sẽ khác nhau đáng kể, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm quy mô dân số, khả năng tiếp cận với nguồn cung cấp lớn vắc-xin Covid-19 và khả năng triển khai các chương trình tiêm chủng quy mô lớn. Hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19 khác nhau cũng là một vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng đến thời gian phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra còn có các yếu tố chưa biết quan trọng khác, bao gồm thời gian hiệu quả của việc tiêm chủng đối với các loại vắc-xin chủ chốt đang được triển khai.
Kịch bản kinh tế cơ bản cho năm 2021 tiếp tục khả quan, với việc kinh tế thế giới dần thoát khỏi tác động của đại dịch, dẫn đầu là Mỹ, EU, Trung Quốc và Anh.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN vào năm 2021 đã bị cản trở đáng kể bởi biến thể Delta, với nhiều rủi ro cho triển vọng ngắn hạn. Đà tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ cải thiện vào năm 2022, khi các chương trình tiêm chủng của các quốc gia Đông Nam Á đông dân hơn đạt tỉ lệ cao hơn.
Bất chấp sự phục hồi kinh tế dự kiến vào năm 2022, hầu hết các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức trung hạn của chính sách tài khóa. Điều này phản ánh mức chi tiêu rất cao của chính phủ trong giai đoạn 2020-2021 cho các biện pháp kích thích tài khóa liên quan đến đại dịch, khiến nợ công tăng đáng kể so với tỷ trọng GDP trên toàn khu vực ASEAN.
Về dài hạn, bất chấp cuộc suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế thế giới.
Tổng GDP ASEAN được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, tăng từ 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên 6,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN sẽ là một trong ba động lực tăng trưởng chính của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Minh Đức (Theo IHS Markit)