Triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ qua cầu hàng không

Triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ qua cầu hàng không

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 3, 16/11/2021 21:08

Việc kết nối cầu hàng không thương mại Việt - Mỹ đang hứa hẹn mở ra những cơ hội mới trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Chiều ngày 16/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines đã tổ chức diễn đàn: "Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới".

Diễn đàn được tổ chức nhân sự kiện đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức được thiết lập nhằm thúc đẩy hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, hướng tới đẩy mạnh thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Hoa Kỳ. 

Cần xây dựng khuôn khổ hợp tác kinh tế vững chắc

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong suốt 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Con số này được kỳ vọng sẽ sớm hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD trong thời gian tới.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 tăng trưởng bình quân khoảng hơn 16%/năm. Ngoài ra, một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại rất tích cực giữa 2 nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways.

Về đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh, thành phố. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, đưa Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh vấn đề hợp tác kinh tế, ông Hoàng Quang Phòng cho biết hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương, mà đang mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ qua cầu hàng không

Toàn cảnh Diễn đàn “Thúc đẩy Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh mới” . 

Bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, hiện nay hai nước đang có rất nhiều mối quan tâm chung trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bà Foote cho rằng, có rất nhiều vấn đề hai bên cần làm việc với nhau để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư.

Chủ tịch Amcham chia sẻ, một trong những vấn đề Amcham đang tích cực làm việc với chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ là tìm ra chuẩn mực toàn cầu để các doanh nghiệp biết để trông đợi, kỳ vọng những gì từ hai bên. 

Để nâng cao việc hợp tác thương mại giữa hai nước, bà Virginia Foote khuyến nghị một trong những yếu tố cần nhấn mạnh là chính sách thuế, môi trường quản lý. Theo Chủ tịch Amcham, hiện tại chính sách thuế còn chưa có sự đồng bộ giữa các tỉnh thành, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng với đó là các thủ tục hành chính cần giảm thiểu, nhất là các thủ tục tốn nhiều chi phí.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. Trong bối cảnh đó, Việt Nam Airlines vẫn khai thác khoảng gần 25% năng lực hoạt động, doanh nghiệp cũng hoàn toàn tin tưởng vào tương lai thị trường vận tải hàng không sẽ sớm phục hồi trở lại.

Để chuẩn bị cho sự phục hồi thị trường, Vietnam Airlines đã chuẩn bị các phương án khai thác, trong đó có mở đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ. 

Kinh tế vĩ mô - Triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ qua cầu hàng không (Hình 2).

Theo ông Lê Hồng Hà, hiện nay Mỹ là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam. 

Ông Lê Hồng Hà cũng cho biết, Mỹ là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam. Các cặp thành phố Los Angeles - TP Hồ Chí Minh và San Francisco - TP Hồ Chí Minh nằm trong top 10 cặp thành phố có dung lượng thị trường lớn nhất thế giới chưa có đường bay thẳng. Do đó, việc có đường bay thẳng kết nối Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mở ra cơ hội cho Vietnam Airlines hoàn thành miếng ghép, hoàn thiện vai trò kết nối của Việt Nam Airlines giữa Việt Nam và thế giới.

Việc khai thác đường bay thẳng này sẽ giúp tiết kiệm 3 - 10 tiếng thời gian bay, đồng thời không còn các phiền phức phát sinh tại điểm trung chuyển cho khách hàng, là bước kết nối, thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại hai nước, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng ra quốc tế.

Đường bay thẳng bắt nhịp cầu Việt - Mỹ

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, là cột mốc đáng nhớ không chỉ với Vietnam Airlines mà với cả ngành hàng không Việt Nam nói chung.

“Với sự kiện này, một lần nữa Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines và ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã chứng minh năng lực, khẳng định vị thế trên bản đồ hàng không thế giới khi chinh phục hoàn toàn tiêu chuẩn của Mỹ - quốc gia có hệ thống quy định pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong nhiều năm qua, đường bay Mỹ luôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà ngành giao thông vận tải hướng tới. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường hàng không Việt - Mỹ là thị trường đầy tiềm năng, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn từ 2017-2019. Đây là thị trường có dung lượng khách đến Việt Nam lớn thứ 10 và là thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ qua cầu hàng không (Hình 3).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, đường bay Mỹ luôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà ngành giao thông vận tải hướng tới trong nhiều năm vừa qua.

“Tuy nhiên, Mỹ là nước có tiêu chuẩn an ninh, an toàn hàng không vô cùng phức tạp và ngặt nghèo, do đó, công tác chuẩn bị mở đường bay Mỹ đòi hỏi rất nhiều thời gian, lên đến hàng thập kỷ, và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị liên ngành”, ông Sang chỉ rõ.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, hơn 10 năm qua, dưới sự điều hành của Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý và chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của phía Mỹ. Đặc biệt, những nỗ lực này càng đáng ghi nhận và trân trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra khủng hoảng nghiêm trọng cho ngành hàng không trong gần 2 năm qua.

“Tôi hy vọng Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần này và phát huy những giá trị đã đạt được trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Vietnam Airlines lưu ý một số nội dung trọng tâm liên quan đến công tác khai thác đường bay Mỹ.

Cụ thể, thứ nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không trong quá trình khai thác, cũng như duy trì chất lượng an toàn, an ninh để luôn đáp ứng yêu cầu của nhà chức trách Mỹ. Thứ hai là có phương án khai thác hiệu quả đường bay Mỹ, vừa đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, xã hội được giao. Thứ ba là không ngừng nâng cao năng lực, liên tục cập nhật xu hướng công nghệ mới và tiến tới chất lượng dịch vụ 5 sao để cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài. Thứ tư là tiếp tục phát huy vai trò Hãng hàng không Quốc gia trong việc lan tỏa, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tới du khách Mỹ nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

Trước đó, vào ngày 4/11, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ. FAA là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay Mỹ.

Chứng chỉ của FAA có hiệu lực không giới hạn về thời gian và cho phép Vietnam Airlines chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giấy phép mà Mỹ đã từng cấp cho các hãng hàng không Việt Nam trước đó để bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác.

Hiện tại Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ. Dự kiến chuyến bay chiều đi sẽ khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ Tp. Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP.HCM vào sáng 01/12, với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Cũng theo thông tin từ Vietnam Airlines, từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay giữa Tp. Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Các chuyến bay được thực hiện bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350 nhằm mang đến trải nghiệm thoải mái, tiện nghi cho hành khách.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.