Thông điệp trên được ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuyển tới người đồng cấp Rex Tillerson trong cuộc gặp mặt giữa hai nhà ngoại giao tại Vienna hôm 7/12 vừa qua.
“Chúng tôi biết rằng, Triều Tiên trên hết luôn muốn đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề đảm bảo an ninh. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào diễn ra”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Dù ông Tillerson chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào, nhưng lập trường chính thức của bộ Ngoại giao Mỹ từ lâu nay vẫn là Triều Tiên cần tỏ ra nghiêm túc trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân. Điều này như là một phần của thỏa thuận toàn diện trước khi một cuộc đối thoại bắt đầu.
Cùng thời điểm thông điệp của ông Lavrov được truyền đi, tại Thủ đô Bình Nhưỡng cũng đã diễn ra cuộc gặp giữa Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman và Bộ trưởng bộ Ngoại giao Triều Tiên. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Liên Hợp Quốc tới nước này trong vòng sáu năm qua.
Trước khi trở thành quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc, ông Feltman từng là một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao nước này khẳng định, ông không tới Triều Tiên với bất kỳ thông điệp nào từ Washington.
Những động thái ngoại giao trên diễn ra nhằm tìm ra một giải pháp trong lúc tình trạng căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đã chạm đến nấc thang mới sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15. Loại tên lửa này có khả năng vươn tới Washington, New York và những phần còn lại của lãnh thổ nước Mỹ. Vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi nước này thực hiện thử nghiệm thành công bom khinh khí (bom H) hồi tháng Chín vừa qua.
Bình Nhưỡng từ chối mọi đề xuất đưa vấn đề giải trừ hạt nhân của nước này lên bàn đàm phán. Họ muốn được Mỹ công nhận là một quốc gia hạt nhân và yêu cầu phía Mỹ chấm dứt những “chính sách thù địch” đối với nước này bao gồm các biện pháp trừng phạt và các cuộc diễn tập quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, phía Hoa Kỳ cũng bác bỏ đề xuất “freeze-for-freeze” (đóng băng đổi lại đóng băng) của Nga và Trung Quốc, với việc Triều Tiên sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong khi Mỹ sẽ hạn chế các cuộc tập trận.
Nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 7/12 vừa qua đã khẳng định trước báo chí rằng, đàm phán trực tiếp với Triều Tiên “sẽ không thể tiến hành nếu như nước này chưa sẵn sàng phi hạt nhân hóa”.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, cả hai bên vẫn có những liên lạc không chính thức thông qua Đại sứ Joseph Yun, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, bằng việc sử dụng cái gọi là "kênh New York".
Sau những phát biểu đe dọa của Tổng thống Donald Trump tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng Chín, Triều Tiên đã cắt đứt kênh liên lạc này. Nhưng, có một số dấu hiệu gần đây cho thấy, Bình Nhưỡng có thể quan tâm đến việc khôi phục lại nó.
Tại một cuộc đối thoại ở Stockholm giữa các chuyên gia phương Tây và các quan chức của Bình Nhưỡng vào cuối tháng Mười một vừa qua, một quan chức đại diện của Triều Tiên đã lần đầu tiên nêu lên khả năng có một kênh đối thoại quân sự với Hoa Kỳ.
“Đây là một đề xuất thú vị từ phía Triều Tiên mà tôi chưa từng được nghe trước đó”, bà Suzanne DiMaggio - Giám đốc viện Chính sách New America, người dẫn đầu nhóm chuyên gia Mỹ tại cuộc đối thoại này cho biết.
“Tôi nghĩ rằng, giải pháp tốt nhất đối với Mỹ lúc này là bỏ qua việc tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hoá mà thay vào đó là tìm cách ngăn ngừa xung đột, giảm rủi ro và giảm bớt sự leo thang. Những điều đó đối với tôi dường như là những mục tiêu có thể đạt được”, bà nói thêm.
Xem thêm: 5 thách thức thời hậu IS ở Trung Đông: Nga nắm thế thượng phong, Mỹ nhận trái đắng
Mạnh Thương