Triển vọng từ phát triển làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 10/03/2022 14:31

Hà Nội sẽ phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh.

Thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch 

Nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch;" phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Kinh tế vĩ mô - Triển vọng từ phát triển làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh

Với kỹ thuật chạm khắc cùng cái tâm với nghề, làng Sơn Đồng đã trở thành “cái nôi” của lĩnh vực chế tác và sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ. Ảnh: TTXVN/Vietnam+. 

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.

Xây dựng các làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh

Trước mắt, để thực hiện được, thành phố sẽ tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển. Cùng với đó, Hà Nội nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố phục vụ quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới.

Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; lựa chọn phát triển một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch an toàn, hữu cơ tại các vùng ngoại thành theo các nhóm như điểm đến du lịch nông nghiệp; điểm đến du lịch làng nghề, ngành nghề nông thôn; điểm đến du lịch văn hóa tâm linh.

Thành phố khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục-du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... ; phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thành phố xây dựng các làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh tạo sự nối kết khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng cư dân tại chỗ và liên kết bên ngoài; xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, quảng bá các sản phẩm du lịch và nông nghiệp (phần mềm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng các website, chợ giao dịch điện tử...); xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh, số hóa Trung tâm thông tin (điểm check-in, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về điểm du lịch và cung ứng dịch vụ ẩm thực...) trong liên kết với các điểm du lịch lân cận theo tour, tuyến.

Kinh tế vĩ mô - Triển vọng từ phát triển làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh (Hình 2).

Làng cổ Đường Lâm tại thị xã Sơn Tây (Tp.Hà Nội) là điểm đến du lịch nông thôn được nhiều du khách ghé thăm.

Trên cơ sở các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng, thành phố yêu cầu xác định các điểm đến du lịch nông thôn hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch nông thôn mới; đánh giá ưu điểm và những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các điểm đến để xác định nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp khác như xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch;” xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp.

Hà Nội quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Một giải pháp quan trọng nữa mà thành phố chú trọng là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thông tin cho người dân về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu du lịch, mô hình du lịch trên địa bàn; các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự an toàn xã hội; quy tắc ứng xử văn minh du lịch; quy tắc ứng xử nơi công cộng....

Du lịch nông thôn còn nhiều “tài nguyên” 

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là trong và sau thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tránh các đô thị ồn ã để đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành của vùng quê.

Hiện nước ta có ba hình thức du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 1.300 khu-điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo được nhiều công ăn việc làm cho nông dân, ít nhiều góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này cho thấy du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành du lịch ở Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.

Nhìn trên tổng thể, có thể thấy dù có nguồn tài nguyên lớn song du lịch nông thôn ở nước ta hiện còn nhiều bất cập. Loại hình này hầu như mới chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Phổ biến nhất hiện nay là các hình thức như: Chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay (khách có thể lưu trú tại gia đình và trải nghiệm nếp sống, văn hóa, ẩm thực cùng gia đình).

Tiếp đến là hình thức doanh nghiệp đầu tư với nhiều quy mô, và có tính chuyên nghiệp khác nhau. Ngoài ra là các hình thức: cộng đồng đầu tư làm du lịch theo kiểu hợp tác xã hay ban quản lý; tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp năng lực hạn chế của cộng đồng; hội quán du lịch cộng đồng với sự phối hợp của chính quyền địa phương và doanh nghiệp; câu lạc bộ du lịch gồm doanh nghiệp và cộng đồng cùng làm du lịch; đầu tư trang trại kết hợp dịch vụ du lịch. Mặt khác, vì phát triển tự phát nên du lịch nông thôn nói chung chưa hấp dẫn du khách để níu chân họ lưu trú dài ngày.

Các sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo, vẫn là các cảnh quan như vườn cây, đồng lúa, ao sen, tham quan trải nghiệm ăn uống, mua trái cây hoặc sản phẩm làng nghề, và thường chỉ gói gọn trong một ngày là chính nên nguồn thu chưa lớn. Khách du lịch phần lớn đến từ trong nước, nguyên nhân chính là bởi các điểm du lịch thiếu sự đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng với những dịch vụ ăn nghỉ đi kèm phù hợp nhiều đối tượng.

Thêm nữa, số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế vì thu nhập chưa cao, mang tính mùa vụ (nhất là ở nông thôn miền bắc, nơi có mùa đông kéo dài). Mỗi tỉnh, thành phố hiện chỉ có số lao động khoảng 500 người đến 1.000 người tham gia vào lĩnh vực du lịch-một con số còn quá khiêm tốn; và đồng thời cho thấy du lịch nông thôn vẫn chưa hấp dẫn người lao động, nên ở nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, người trong độ tuổi lao động vẫn di chuyển về các thành phố tìm việc làm. Đó là hệ quả trực tiếp của thực tế cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một chính sách tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia. Cơ bản vẫn là từng địa phương tự đề ra chính sách phát triển hoặc hỗ trợ riêng, chủ yếu là triển khai lồng ghép vào các chương trình đặc thù của địa phương. Một số tỉnh đang chủ động xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch đồng bộ quy mô cho du lịch nông thôn như Lâm Đồng, Hà Nam, Đồng Tháp, Bến Tre... Chính vì thiếu một chính sách tổng thể cấp quốc gia nên các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn đang còn hạn chế.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.