Người "canh giữ" mặt sông
Người chúng tôi đang nói là ông là Trần Văn Phước (50 tuổi, ngụ KP. 1, Bửu Long, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), ông được mệnh danh là lão ngư khiếm thị, lão ngư độc nhãn. Nhưng người dân trong vùng thường gọi ông bằng cái tên thân thiện: "Ông Phước cứu người". Bởi trên khúc sông nhiều bất trắc này, lỡ ai đó sảy chân xuống dòng nước xiết thì đều được ông hết lòng cứu vớt. Bao nhiêu năm làm nghề đánh cá trên sông, cũng là chừng ấy thời gian ông kiêm luôn việc cứu người. Cuộc đời chìm nổi của một lão ngư như ông chỉ có mặt sông và... những ai từng được ông "mang về từ cõi chết" mới thấu hiểu.
Cứu người là phương châm sống của ông.
Ông Phước dáng người lam lũ, da đen sạm vì tháng năm chang nắng, đôi bàn tay trắng nhợt do quanh năm dầm nước. Ông cho biết, mắt bên phải hiện đã mù hoàn toàn, con mắt còn lại cũng chỉ còn nhìn được khoảng 30%. Người lệt bệt bùn đất ông Phước tạm nghỉ tay trò chuyện với chúng tôi ngay bên bờ sông. Ông tâm sự, do hoàn cảnh nghèo khó, trước đây ông làm đủ nghề, phu hồ, bốc vác, sửa xe đạp... nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn. Mọi thứ càng trở nên chật vật khi hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, cái nghèo kéo theo kém hiểu biết, những đứa con cứ lần lượt ra đời mà cái ăn cứ ghì nặng đôi vai. Rồi ông Phước phải tính kế sinh nhai khác. Cuối cùng, ông chọn nghề bắt ốc, đánh lưới trên sông Đồng Nai, công việc ấy đem lại miếng ăn cho cả gia đình đến tận bây giờ.
Ngày bước chân xuống sông, ông vay được ít tiền mua vạt lưới và xin một chiếc săm xe ô tô người ta thải ra làm phao bơi. Chỉ chừng ấy phương tiện cũng đủ biến ông thành một ngư dân ngay giữa lòng phố thị. Đối với người sáng mắt, công việc sông nước đã khó, với một người "ngoại đạo" quen sống trên bờ, lại bị khiếm thị, khó khăn gấp vạn lần. Ông phải tập bơi, tập lặn, tập đánh lưới...và nhất là dò dẫm để "găm" vào trí nhớ những đoạn sông nào nông - sâu. "Đối với người thị lực kém thì buộc phải làm quen những đoạn sông nào nông sâu, đoạn nào lắm tôm cá. Nếu không khi sảy chân thì chỉ có nước chết", ông Phước tâm sự.
Thế rồi khó khăn dần qua. Từ không biết đến biết, rồi trở thành "thuồng luồng", ông rành con nước như một hoa tiêu. Bây giờ từng ngõ ngách sông Đồng Nai ông đều thuộc nằm lòng. "Cái gì làm nhiều cũng thành quen chú ạ, chứ ngồi chỗ mà than vãn số phận thì ai nuôi vợ con? Còn sức thì còn làm, đến khi nào trời không cho nữa thì phải chịu thôi", ông Phước khẳng khái nói. Thế rồi ngày tháng mưu sinh là cái duyên đưa ông đến với công việc thiện nguyện là cứu người đuối nước.
Dù tuổi ngoài 50 nhưng ngày ngày ông vẫn phải trầm mình đánh cá kiếm cơm cho gia đình.
Đưa người về từ cõi chết
Đoạn sông Đồng Nai chảy vắt qua phường Bửu Long (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), bên kia cầu là phố thị thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, đó là nơi ông thường ngày mưu sinh. Nhiều năm làm nghề ngụp lặn, ông chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp người bị đuối nước, có già, có trẻ, có nam, có nữ. Người đi tắm, đi câu cá, đi chơi... vô tình sảy chân, kẻ cố tìm đến cái chết vì thất tình, thua đề, vỡ nợ...bao nhiêu trường hợp là bấy nhiêu cảnh đời. Nhưng dù ai đó vô tình hay cố quyên sinh, ông cũng cố giành lại bằng được sự sống cho họ. Chỉ khi nào sự cố gắng vẫn không đủ sức giữ lại mạng sống của người ta thì ông mới bất lực đành chịu mà thôi.
Hướng về khoảng mặt nước mênh mông, ông Phước kể, khoảng 11h ngày 23/10/2012, khi đang thả lưới tại mé sông gần trường đại học Lạc Hồng (TP. Biên Hòa), bỗng giật mình nghe tiếng tri hô có người đuối nước cách đó khoảng 400m. Biết có người gặp nạn, ông Phước quăng phắt tay lưới đang kéo dở, đạp mạnh chiếc phao men theo bờ sông lởm chởm đá, đến hướng người kêu cứu. Ông thấy một dáng người đang chới với đôi tay dưới dòng nước xiết. Không thể chậm trễ, ông thả phao lao người lặn một hơi rồi lấy hết sức bình sinh nắm tóc lôi mạnh nạn nhân vào bờ. Đó là một đứa trẻ. Chưa kịp lấy lại sức thì mọi người giục rằng vẫn còn một em nhỏ nữa đã chìm gần khu vực lúc nãy. Ông lại lao ra lặn tìm. Trong phút chốc ông đã mang được nạn nhân vào bờ rồi dùng kinh nghiệm sơ cứu, hô hấp. Một lúc sau hai em bé tỉnh lại, lúc này ông mới thở phào nhẹ nhõm. Khi hỏi han mới biết, đó là hai em học sinh, tranh thủ lúc nghỉ học rủ nhau ra sông tắm. Thấy các em khỏe lại, ông khuyên nhủ mấy câu rồi vác phao trở lại công việc bình thường trước sự thán phục của mọi người.
Ông Phúc bảo, bản thân không bao giờ coi việc cứu người để nhằm mục đích vụ lợi, chờ người ta đến hậu tạ trả ơn. Ông tâm niệm: "Nếu cứu người mà bắt người ta trả ơn thì nay tôi đã giàu rồi, chứ làm gì phải đi bắt tôm, bắt ốc trên sông nữa". Ông làm việc ấy cũng đơn giản như cái tên Phúc của ông do cha mẹ đặt vậy, sống là làm việc thiện, tích phúc cho đời. Hơn chục năm bám khúc sông này, ông đã vớt 12 trường hợp tắm sông bị sảy chân và tự tử, trong số đó có 7 trường hợp sống sót. Năm 2011 ông cứu được hai trường hợp, đó là một phụ nữ làm nghề ăn xin và một thanh niên đi tắm bị nước cuốn, một thanh niên còn lại dù cố gắng nhưng ông đành bất lực. Những trường hợp cố gắng nhưng vẫn không cứu được tính mạng họ, ông không khỏi đau lòng.
Ông Phước bảo, đối với trường hợp vô tình, ông đều khuyên nhủ để họ cẩn thận hơn, còn với người cố tình tìm đến cái chết, ông lại dành thời gian ngồi phân tích, khuyên nhủ để họ nhận ra sai lầm, tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Ông bảo, có trường hợp lôi họ lên từ mặt nước xong, sau khi khuyên nhủ thì họ khóc tu tu, hứa từ nay sẽ không "dại dột" nữa, rồi cảm ơn rối rít trở về với gia đình. Ông tâm sự: "Có nhiều người không hiểu sao họ lại tìm đến cái chết, dẫu có bế tắc ở bản thân thì cuộc đời vẫn còn nhiều ý nghĩa, bao điều tốt đẹp để chúng ta phấn đấu. Chết rồi đâu phải là hết, đằng sau đó là nỗi đau, niềm tiếc thương của cha, mẹ, anh em, vợ con...bạn bè thân hữu". Vì thế, ông Phước cảm thấy buồn, khi lớp trẻ ngày nay học rộng, biết cao nhưng nhiều lúc bồng bột, hễ có chuyện là nảy sinh ý nghĩ bi quan tiêu cực. Với ông, cứu được nhiều người là niềm vui, nhưng nhiều người tìm đến cái chết thì đó lại là nỗi buồn.
Rồi câu chuyện của chúng tôi với lão ngư "khiếm thị" trở về thực tại. Ông Phúc bảo, cái nghề sông nước của mình từ nhiều năm qua cũng chỉ kiếm bát cơm qua ngày mà thôi, nhiều lúc thiếu trước hụt sau, cuộc sống chật vật đủ bề. Công việc của ông thường ngày là dậy từ lúc gà gáy, ra sông chăng lưới, ngồi trông coi và đợi lúc để gỡ cá. Ông chỉ về nhà khi trời sẩm tối, thời gian ngủ chỉ mấy tiếng đồng hồ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn âm thầm cùng chiếc phao tròng trành trên từng khúc sông, bắt từng con tôm, cá mang ra chợ bán. "Ngày trước cá nhiều vô kể chú ạ, nhưng nay thì gần như đã cạn kiệt, do nước thải hai bên thành phố đen đặc, người còn không sống nổi, nên cá không thể sinh sản, hơn nữa người ta đánh xiệc điện (dùng điện giật) nên sinh vật bị tiệt nòi", ông Phước thở dài. Ông cho biết, mỗi ngày từ sáng đến tối chỉ bòn vét được mấy cân, mang ra chợ bán mua ít gạo và chi tiêu gia đình là vừa hết. Ông mà ốm đau, nghỉ ở nhà thì coi như hụt bát cơm của vợ con. Khó khăn là vậy nhưng lúc nào ông Phước khiếm thị vẫn lạc quan, bởi ngoài công việc mưu sinh thường ngày thì ông luôn tâm niệm, cứu người là phương châm sống.
Nặng gánh mưu sinh Thương chồng ngày đêm lặn lội mưu sinh, vợ ông cũng xin đi làm nghề đẩy rác thuê cho xí nghiệp ở thành phố Biên Hòa để kếm thêm thu nhập. Người con gái lớn của ông năm rồi thi đậu đại học, nhưng không đủ tiền nhập học đành ngậm ngùi rút hồ sơ về, đi làm công nhân. Hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cũng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, khi cân gạo, lúc ít tiền. Biết công việc xả thân thiện nguyện cứu người của ông, đại diện chính quyền cũng nhiều lần đến biểu dương khen ngợi, động viên gia đình ông vượt qua khó khăn trong cuộc sống. |
Kỳ Anh