Triệt phá đường dây làm giả CMND từ chiếc ví để quên tại ngân hàng

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 09/06/2022 15:35

Đây là một trong những vụ làm giả con dấu, tài liệu được Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Thanh Trì phát hiện trong thời gian qua.

Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) ngày 7/6 cho biết vừa điều tra, làm rõ vụ “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; bắt giữ 3 đối tượng về tội danh trên.

Vụ án bắt nguồn từ việc Công an huyện Thanh Trì nhận được đơn trình báo của anh Bùi Phương Khánh, công tác tại một phòng giao dịch có trụ sở tại huyện Thanh Trì. Theo tường trình của anh Khánh tại cơ quan Công an thì vào ngày 15/3, anh phát hiện có một khách hàng bỏ quên tại phòng giao dịch một chiếc ví, bên trong có một số chứng minh nhân dân (CMND); giấy phép lái xe đứng tên nhiều người khác nhau nhưng đều dán ảnh của một người, nghi vấn là giấy tờ giả…

Vào hồi 15h cùng ngày, Công an xã Thanh Liệt đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với Vũ Đức Tính (29 tuổi, ở tại phường Thái Bình, Tp.Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình), là chủ nhân của chiếc ví để quên trên. Qua kiểm tra, các trinh sát đã phát hiện và tạm giữ trong cốp xe máy của Tính có một giấy nộp tiền của khách hàng tên Hoàng Anh Tú do phòng giao dịch phát ra, 1 giấy xác nhận mở tài khoản cùng một hợp đồng thuê nhà.

Mở rộng đấu tranh, Đội Điều tra Tổng hợp Công an huyện Thanh Trì đã tiến hành khám xét tại nơi ở của Tính thuê trọ tại tập thể Đại học Công đoàn ở ngõ 167, Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Quá trình khám xét đã thu giữ 8 giấy CMND, 3 giấy phép lái xe và thẻ ngân hàng. Qua giám định, kết quả sơ bộ xác định các giấy CMND và giấy phép lái xe đều là giả.

An ninh - Hình sự - Triệt phá đường dây làm giả CMND từ chiếc ví để quên tại ngân hàng
Ba đối tượng Vũ Đức Tính, Vũ Đức Tình và Dương Gia Hà.

Tại cơ quan Công an, Tính khai nhận: Khoảng cuối năm 2020, Tính quen biết Dương Gia Hà (27 tuổi, HKTT tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Sau đó, người này rủ Tính làm CMND giả để mở tài khoản ngân hàng bán kiếm lời. Vì hám lời, Tính đồng ý và đặt mua 7 CMND và 7 giấy phép lái xe giả, đứng tên nhiều người khác nhau có dán, ép ảnh của Tính rồi mang đến ngân hàng mở tài khoản. Khi có đủ bộ gồm 1 CMND giả, thẻ ngân hàng và sim điện thoại kích hoạt tài khoản, Tính chuyển cho Hà và được nhận tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.

Ngày 23/2, Tính sử dụng CMND giả tên Hoàng Anh Tú đến Phòng giao dịch trên đăng ký mở tài khoản và bỏ quên chiếc ví trong có các giấy tờ như anh Khánh đã giao nộp. Sau khi phát hiện, khoảng 13h30 ngày 15/3, Tính đến phòng giao dịch để xin lại ví trong có các giấy tờ trên thì bị cơ quan Công an kiểm tra, tạm giữ trong cốp xe có giấy tờ thể hiện sử dụng CMND giả tên Hoàng Anh Tú để mở tài khoản.

Quá trình đấu tranh, Tính khai nhận các CMND đứng tên người khác, có dán ảnh Vũ Văn Tính mà đại diện ngân hàng giao nộp và bị tạm giữ khi bị khám xét đều là giả. Quá trình đấu tranh, Tính còn cho biết đã nhờ anh trai tên là Vũ Đức Tình, làm giả một chiếc CMND, Tình được hưởng lợi 5 triệu đồng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Đức Tình (34 tuổi, trú tại Hoà Chính, Chương Mỹ, Hà Nội).

Được biết, đây chỉ là một trong những vụ làm giả giấy tờ được Đội điều tra Tổng hợp Công an huyện Thanh Trì phát hiện trong thời gian vừa qua. Theo lãnh đạo đơn vị thì thủ đoạn của các bị can trong các đường dây này thường là thu mua các CMND của nhiều người ở các tỉnh, thành khác nhau mang về tạo con dấu giả trên CMND, nhằm cung cấp thông tin giả "qua mặt" các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và thực hiện hành vi trái pháp luật.

Với các bộ giấy tờ này, các đối tượng sẽ sử dụng để vay tiền qua app, làm thẻ ngân hàng… Cá biệt, một số đối tượng sẽ sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức do Phạm Văn Chuân (29 tuổi, trú tại Xuân Trường, Nam Định) cùng đồng bọn là: Đỗ Quốc Đạt (27 tuổi, trú Ân Thi, Hưng Yên); Lương Mạnh Hà (29 tuổi, trú Tràng Định, Lạng Sơn); Lương Văn Nam (31 tuổi, trú Tràng Định, Lạng Sơn); Nguyễn Văn Duy (32 tuổi, ở Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội); Trịnh Tiến Toàn (22 tuổi, trú Cẩm Khê, Phú Thọ); Trần Thị Biên (26 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định); Triệu Văn Hải (32 tuổi); Lương Thanh Tuấn (32 tuổi, trú Tràng Định, Lạng Sơn), là một ví dụ điển hình.

Khoảng tháng 4/2021, sau khi được một người không quen biết cho hình con dấu nổi giả của Công an, Chuân đã mua của người không quen biết dụng cụ dập dấu cầm tay rồi mang về gắn hình con dấu vào dụng cụ dập dấu cầm tay.

Tiếp đó, đối tượng thuê căn hộ mini ở ngõ 180, Đê La Thanh, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, cùng Trần Thị Biên (vợ Chuân), Đạt, Duy, Toàn và đối tượng tên Phi (chưa xác định được nhân thân) mua sim, điện thoại, máy ép plastic, CMND thật tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ mang về bóc ảnh CMND thật dán ảnh của các đối tượng vào, ép giáp lai con dấu giả vào CMND rồi mang đến ngân hàng đăng ký tài khoản.

Khi có đủ bộ Bank (thẻ Bank) gồm thẻ ATM, mã OTP, CMTND giả, thẻ sim đăng kí với ngân hàng, Chuân mang bán cho người không quen biết sử dụng với giá khoảng 1,8 triệu đồng/ bộ mang về chia nhau.

Ngày 2/5/2021, Chuân rủ Hải cùng tham gia mảng trên (thẻ Bank) Hải không đồng ý. Khoảng hai ngày sau đó, Hải đến Bắc Ninh tìm hiểu thị trường kinh doanh cùng với Nam và Tuấn thì Chuẩn tiếp tục liên lạc. Trước lời mời hấp dẫn của Chuân, Hải đã trao đổi với Nam, Tuấn đồng ý hẹn gặp Chuân tại 1 quán café, gần bến xe Giáp Bát, Hà Nội.

Trong quá trình gặp gỡ, nhóm Chuân cùng với Duy và Phi đã bàn việc góp vốn, tham gia làm CMND giả để vay tiền qua app. Khi bàn bạc, Chuân cho biết anh ta đang làm mảng thẻ Bank, tức là bóc ảnh CMND thật dán ảnh của chính mình vào, ép giáp lai con dấu giả vào CMND rồi mang đến Ngân hàng đăng ký tài khoản và thành công sẽ bán lại cho người khác sử dụng.

Do không có tiền đầu tư trang thiết bị, muốn rủ nhóm Nam làm chứng minh thư giả vay tiền qua app là sử dụng CMND thật dán ảnh của chính mình vào, ép giáp lai con dấu giả rồi đăng ký tài khoản online với Ngân hàng và thành công thì chỉ cần ngồi tại nhà, sử dụng máy tính, điện thoại, đưa CMND có ảnh mình đăng ký vay tiền trên các trang app, mỗi chứng minh thư giả vay tối đa lên đến 30 triệu đồng. Số tiền được duyệt vay sẽ chuyển vào tài khoản CMND giả, sau đó “bùng” app rút ra sẽ được rất nhiều tiền.

Sau khi nghe Chuân trao đổi cách thức, nhóm của Nam đồng ý cắt cử người tham gia trực tiếp và chuyển tiền góp vốn cho Chuân để thuê địa điểm khác, mua máy tính phục vụ việc làm CMND giả vay tiền qua app.

Ngày 4/5/2021, Hải đã thông qua tài khoản của Nam chuyển cho Chuân 60 triệu đồng. Ngày 5/5/2021, Hải chuyển thêm 90 triệu đồng và Nam chuyển khoản cho Chuân là 133 triệu đồng. Khi nhận được tiền, Chuân đã sử dụng thuê căn hộ, đặt mua máy tính phục vụ việc làm CMND giả vay tiền qua app.

Ngày 6/5/2021, qua tài khoản của Nam, Hải tiếp tục chuyển cho Chuân 50 triệu đồng và Nam chuyển cho Chuân 53 triệu đồng. Khi nhận được tiền, Chuân đã sử dụng việc mua máy tính phục vụ việc làm chứng minh thư giả vay tiền qua app.

Ngày 8/5/2021, sau khi đồng ý cho Hà tham gia, Tuấn chở Nam và Hà xuống Hà Nội để cho Nam và Hà ở lại quản lý vốn góp và tham gia làm CMND giả vay tiền qua app với nhóm của Chuân.

Đối với mảng thẻ Bank, Chuân theo dõi, đã làm bán được khoảng 100 bộ, thu lợi khoảng 200 triệu đồng mang về chia cho nhau. Trong đó, Chuân làm khoảng 30 CMND giả; Biên làm khoảng 30 CMND giả: Toàn làm 6 CMND giả, Duy làm 25 CMND giả, Đạt làm khoảng 20 CMND giả.

Mảng vay tiền qua App do Nam theo dõi, ghi chép, đã làm và sử dụng khoảng 9 CMND giả vay qua app thu lợi khoảng 25 triệu đồng, đã sử dụng để chi tiêu hết vào sinh hoạt của cả nhóm...

Ngày 27/5/2021, sau khi triển khai làm CMND giả vay tiền qua app thấy không như kỳ vọng ban đầu, cho rằng tiền đầu tư thu tiền về không tương xứng, dẫn đến mâu thuẫn giữa nhóm của Nam và Chuân. Vì thế, Chuân bảo Đạt điều khiển xe máy BS: 18F1- 40002 chở đi tìm địa điểm khác thuê.

Khi các đối tượng đi đến đoạn đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội thì bị tổ công tác CATP Hà Nội kiểm tra, phát hiện và tạm giữ của 2 người này gồm 13 triệu đồng, 96 giấy chứng minh nhân dân, 1 giấy phép lái xe, 1 căn cước công dân.

Tại các bản kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an Tp. Hà Nội thể hiện các chứng minh thư có dấu vết bóc tách, thay ảnh; giấy phép lái xe là giả; 24 CMND không phát hiện thấy có dấu vết tẩy xóa, sửa chữa, điền thêm; 27 CMND có dấu vết thay ảnh, không phát hiện thấy có dấu vết tẩy xóa, sửa chữa, điền thêm là phù hợp với lời khai của các bị can và tài liệu chứng cứ đã thu thập được.

Việc phát hiện và ngăn chặn hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức sẽ góp phần phòng ngừa, tội phạm.

Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê CCCD hoặc CMND

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết thời gian qua xuất hiện tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân bằng việc đánh cắp thông tin, xin chụp ảnh chân dung/ảnh CCCD/ảnh CMND hoặc thuê/mua tài khoản ngân hàng.

Có được dữ liệu, các đối tượng sẽ bán thông tin cho người khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội như làm giấy tờ giả, chuyển tiền phi pháp, giả mạo hoặc giả danh lừa đảo…

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Đồng thời, không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND hoặc tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội.

Người dân cũng cần lưu ý không cung cấp thông tin CCCD/CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Trường hợp bị mất CCCD/CMND cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ.

Khi bị những kẻ xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD/CMND của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, người dân cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Nếu phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê CCCD/CMND; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, người dân cần tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuệ Minh (tổng hợp theo Công an nhân dân, Công an Tp.HCM, Cổng TTĐT Bộ Công an)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.