Vì sao có đợt triều cường kỷ lục?
Thông báo từ đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết, đỉnh triều cường vào chiều 30/9 tại trạm Phú An đạt 1,75 m, còn tại trạm Nhà Bè lên tới 1,77 m, tức là vượt mức báo động III khoảng 0,25 m.
Từ hôm nay (1/10), đỉnh triều giảm nhưng vẫn giữ mức 1,71 m tại trạm Phú An và 1,72 m tại trạm Nhà Bè. Mực nước triều cao hơn báo động III sẽ duy trì đến hết ngày 3/10.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định: “Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng ngập úng nặng là do tình trạng nền đất Nam bộ nói chung và TP.Hồ Chí Minh đang bị sụt lún do hệ quả của việc bê tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức”.
“Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng khiến mực nước biển dâng lên đáng kể. Khoảng một tuần gần đây, gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên nên đỉnh triều mới cao kỷ lục.
Nhưng đây là kết quả của thời gian dài chứ không phải là ảnh hưởng trong một sớm một chiều”, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết.
Để đối phó với đợt triều cường đang diễn ra, ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện xử lý các vị trí bờ bao, cống quan trọng cũng như bố trí máy bơm nước di động để khắc phục sớm các sự cố ngập úng.
Nhận diện các tuyến đường bị ảnh hưởng nặng nề
Trước đó, vào chiều 29/9, dù trời không mưa nhưng do triều cường dâng cao khiến nước từ các miệng cống thoát nước dâng lên gây ngập nhiều tuyến đường ở TP.HCM.
Như: Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Thái Bình, Calmette (quận 1), Hoàng Diệu (quận 4), Song Hành, Xa lộ Hà Nội, Quốc Hương (quận 2), Bến Bình Đông (quận 8)…
Thậm chí, triều cường lên cao khiến 25m bờ bao dọc kênh Lò Gốm và đoạn Kênh Ngang số 3 thuộc đường Mễ Cốc, quận 8 bị vỡ. Nước dâng cao chảy vào hàng trăm nhà dân, gây ngập nặng trên diện rộng, có nơi nước dâng hơn một mét.
Theo cơ quan chức năng, có ít nhất 11 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM sẽ bị ngập nước bởi đợt triều cường lịch sử. Các tuyến đường bị ngập gồm: Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận7), Phú Định (quận 8), Hồ Học Lãm (quận 8 – quận Bình Tân), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), khu vực Quốc lộ 50, đường Chánh Hưng nối dài, Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) và Bình Quới, Bình Lợi (quận Bình Thạnh).
Người dân được khuyến cáo không nên di chuyển khi triều đạt đỉnh, việc sử dụng điện cũng phải cẩn trọng.
Vì vậy, khi đỉnh triều đạt 1,75m thì có khả năng các tuyến đường này tiếp tục bị ngập với mức độ nặng hơn, có đoạn ngập hơn nửa bánh xe, xe máy qua các đoạn đường ngập sâu có thể bị chết máy.
Đỉnh triều xảy ra lúc 17h30 nhưng các chuyên gia khuyến cáo từ khoảng 17h, nước đã gây ngập đường nên người dân cần chọn thời gian di chuyển hoặc lộ trình thay thế để hạn chế bị ảnh hưởng bởi triều cường.
Kinh nghiệm khi đi xe qua vùng ngập nước
Việc di chuyển bằng xe máy sẽ dễ bị nguy hiểm hơn ô tô, bởi xe máy không có bộ phận che chắn. Tuy nhiên, khi đi vào vùng ngập, động cơ xe đều dễ bị ảnh hưởng.
Gặp trường hợp mực nước không ngập quá ống xả, xe vẫn có thể đi qua, tuy nhiên cần chú ý di chuyển ở vận tốc đều, không giảm ga đột ngột, tăng ga đều.
Khi xe có biểu hiện chết máy, chúng ta hãy đẩy bộ đối với xe máy, gọi xe cứu hộ đối với ô tô để kéo xe ra khỏi vùng ngập. Thời điểm này tuyệt đối không được nổ máy, khởi động xe ngay, vì nước ngấm vào động cơ có thể làm ảnh hưởng đến một số bộ phận trên xe.
Nếu gặp trường hợp nước vào ống hút gió, nước sẽ xuống chế hòa với xăng rồi vào máy làm xe không thể nổ được. Nếu người dùng biết cách có thể vặn mở vít xăng, để cho chảy một ít thì vặn chặt vít lại.
Như vậy sẽ giảm bớt lượng nước vào trong máy và có thể giúp việc khởi động máy dễ dàng hơn.
Lưu ý đối với ô tô, nếu nước đã ngấm vào bộ phận động cơ, xe cố tình khởi động lại sẽ dẫn đến hiện tượng thủy kích.
Triều cường gây ngập nặng tại TP.Hồ Chí Minh.