Tim Leatherman khẳng định, Việt Nam chính là nơi giúp ông "thai nghén" ý tưởng chế tạo sản phẩm bộ dao đa năng có thể giúp người sử dụng sửa chữa đồ đạc mọi lúc mọi nơi.
Theo ông, những thông tin nói ý tưởng trên là kết quả từ chuyến du lịch châu Âu của ông và người vợ Việt Nam cách đây 38 năm là hoàn toàn không đúng.
Mối tình đẹp xuyên biên giới
Khi chúng tôi hỏi Tim về quãng thời gian tuổi thơ của mình, ông nhẹ nhàng bảo, không có điều gì đặc biệt để nhắc đến. Tim bảo, ông có tuổi thơ giống như nhiều đứa trẻ ở Mỹ, ban ngày đến trường và chiều về nhà phụ giúp gia đình. Biết được thông tin lần này ông về Việt Nam có đưa theo bà Châu Leatherman, người vợ Việt Nam của mình, chúng tôi liền xoáy vào câu chuyện tình của chàng Mỹ - nàng Việt được báo chí nước ngoài thường xuyên nhắc đến. Khi nghe chúng tôi hỏi đến bà Châu, ông Tim cười tươi nói với giọng trìu mến: "Vợ tôi đang trò chuyện với vài người bạn Việt Nam ở phía kia. Lần này về Việt Nam, cô ấy vui và hào hứng lắm".
Tim Leatherman ăn mặc giản dị khi về Việt Nam
Nhìn theo hướng chỉ tay của ông Tim, chúng tôi nhìn thấy bà Châu đang say mê nói chuyện với vài người bạn Việt Nam. Chia sẻ về người vợ của mình, ông Tim nhìn vợ âu yếm nói: "Chuyện tình giữa tôi và bà Châu là một mối tình đẹp. Tôi quen bà Châu khi bà còn là một sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ. Sau một thời gian quen biết, giữa chúng tôi bắt đầu nảy sinh tình cảm. Giống như nhiều cặp đôi khác, chúng tôi cũng hẹn hò, đi ăn, đi du lịch cùng nhau. Rồi theo tiếng gọi của con tim, chúng tôi yêu nhau và chia sẻ những buồn vui về cuộc sống. Tình yêu của chúng tôi dù khác màu da, đất nước nhưng lại giống nhau về lý tưởng sống. Chính vì thế, tình yêu của chúng tôi không vấp nhiều trở ngại để đi đến hôn nhân".
Sang Mỹ, sau khi hoàn thành công việc học tập của mình, năm 1972, bà Châu quay trở về quê hương, dù lúc này đất nước vẫn còn chìm trong chiến tranh. Trong chuyến đi này, bà Châu đưa theo một người vô cùng đặc biệt với mình, đó chính là Tim. Khi chúng tôi hỏi vì sao Tim lại có quyết định như vậy, bà Châu chia sẻ: "Ông Tim theo tôi về Việt Nam là làm theo tiếng gọi của con tim, của tình yêu. Quyết định của ông ấy khiến tôi rất hạnh phúc. Trước tình yêu chân thành của Tim, tôi quyết định kết hôn cùng Tim ngay tại Việt Nam. Lễ cưới tuy đơn sơ nhưng ấm áp, đủ để tôi và Tim trao cuộc đời cho nhau".
Cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, Tim và bà Châu làm nhiều công việc khác nhau tại Sài Gòn để mưu sinh. Sau thời gian hai năm rưỡi sống tại Sài Gòn, Tim và bà Châu có ý tưởng thực hiện một chuyến "du lịch bụi" đến châu Âu để khám phá vùng đất đặc biệt này và tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp mới cho cả hai. Vào năm 1975, sau thời gian chuẩn bị sức khỏe, tiền bạc cho chuyến đi lịch sử, cả hai quyết định lên đường thực hiện kế hoạch của mình. Theo Tim, chuyến đi này đã giúp ông nảy nở nhiều ý tưởng độc đáo, góp phần giúp ông trở thành triệu phú đô la như bây giờ.
Một trong những quốc gia châu Âu được Tim và vợ đặt chân đến là thành phố Amsterdam (Hà Lan). Tim nhắc đến thành phố này bởi nơi đây đã cho ông nhiều kỷ niệm khó quên. Tim bật mí: "Để thực hiện "du lịch bụi" tại đây, chúng tôi phải ở trọ trong các khách sạn rẻ tiền, ăn uống vô cùng dè xẻn để tiết kiệm tiền ở mức tối đa nhất. Trước những khó khăn trong việc di chuyển, tôi bàn với vợ và quyết định chi 300 USD để mua một chiếc ô tô. Nhờ đó, tôi và vợ có thể đi du lịch nhiều nơi khác, gặp được nhiều người hơn. Tôi biết vợ thích thú với việc làm của tôi".
Tim Leatherman trò chuyện thân mật với một bạn trẻ Việt Nam
Khâm phục em bé Việt Nam tự sửa xe đạp
Mọi người dân yêu mến, tin dùng sản phẩm "dao đa năng Leatherman" trên toàn thế giới đều nói rằng, ý tưởng để chế tạo sản phẩm độc đáo trên là nhờ vào chuyến du lịch tại châu Âu của Tim và bà Châu. Tuy nhiên, khi nghe người khác nhắc đến ý kiến này, Tim lắc đầu bảo: "Không phải". Tim cho hay: "Tôi không trách nhiều người đã đưa ra ý kiến trên. Tôi chỉ xin đính chính lại rằng, chính trong thời gian hai năm rưỡi sống cùng vợ tại Việt Nam là thời điểm giúp tôi "thai nghén" ý tưởng sáng tạo bộ dụng cụ dao đa năng Leatherman. Còn thời gian "du lịch bụi" tại châu Âu là thời điểm để tôi bổ sung và hoàn thiện ý tưởng trên hoàn hảo hơn".
Biết chúng tôi vẫn đang thắc mắc, Tim nói tiếp: "Trong thời gian sống ở Sài Gòn, tôi hay đi dạo tại nhiều tuyến phố. Tôi rất kinh ngạc khi thấy những em bé có thể dùng vài vật dụng đơn giản là sửa được chiếc xe đạp mà không phải cần đưa đến thợ. Bên cạnh đó, nhiều người dân, nhất là những người trẻ tuổi thường tự sửa xe máy rất thạo, rất nhanh và không mất nhiều công sức. Chứng kiến những việc trên, tôi thấy khâm phục tài năng của những em bé, thanh niên Việt Nam".
Nghe chồng nhắc đến chuyện em bé Việt Nam tự sửa xe đạp, bà Châu góp lời: "Tim hết lời khâm phục những em bé, thanh niên Việt Nam cái gì cũng biết làm và việc gì làm cũng xong. Tuy khen người khác nhưng Tim lại tự trách mình, bởi Tim tốt nghiệp ngành cơ khí nhưng lại không biết một tý gì về chuyện sửa xe. Tận mắt chứng kiến người Việt Nam tự sửa xe một cách thành thạo, Tim tự thấy xấu hổ và tỏ ra rất buồn về điều này. Tôi nhiều lần phải động viên Tim thay vì xấu hổ, hãy tự tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức".
Trước những lời góp ý của vợ, Tim bắt đầu dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về máy móc, kết cấu, cách thức hoạt động, tháo ráp cũng như sửa chữa. Theo lời Tim, chính những hình ảnh đời thực của người dân Việt Nam đã đánh thức trong ông một lòng say mê tìm hiểu, nghiên cứu các loại máy móc mà trước đây ông thường ít chú ý đến. Thông qua những lần tìm hiểu này, Tim dần dần tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm không nhỏ. Tim cũng khẳng định rằng, chính những điều trên đã giúp ông "thai nghén" ý tưởng chế tạo bộ dụng cụ dao đa năng có thể giúp người sử dụng sửa chữa đồ đạc mọi lúc mọi nơi mà không cần phải mang theo dụng cụ cồng kềnh.
Quyết tâm thực hiện ý tưởng từ chiếc ô tô cũ Tại chuyến "du lịch bụi" ở thành phố Amsterdam, Tim và vợ liên tục gặp sự cố với chiếc ô tô trị giá 300 USD. Mỗi lần hư hỏng, Tim lại phải xắn tay áo, chui xuống gầm xe để sửa. Tim nhớ lại: "Tôi dù không biết sửa xe nhưng tôi cũng phải xắn tay áo lên để khắc phục ngay để vợ có thể tiếp tục chuyến du lịch của mình. Sau nhiều lần tự sửa, tôi dần trở thành một thợ lành nghề. Tôi bất giác nhớ đến cảnh người dân Việt Nam tự sửa xe và ý tưởng chế tạo một công cụ đa năng, nhỏ gọn, tiện dụng xuất phát từ đó". |
Thanh Thắng