Theo hãng tin Yonhap, Bình Nhưỡng đã đưa ra lời cảnh báo thông qua bài xã luận của tác giả có tên Jong Phil trên hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) hôm 22/4.
Rất hiếm khi truyền thông Triều Tiên chỉ trích Bắc Kinh, dù thông tấn KCNA không nêu đích danh Trung Quốc trong bài xã luận có tiêu đề “Bạn có giỏi hùa theo người khác?” xuất bản vào hôm 21/4.
Thay vì đó, bài xã luận đã đề cập đến “một quốc gia gần Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên”. Theo Yonhap, đây rõ ràng là ngụ ý tới Trung Quốc.
“Không còn lời nào để nói về hành động của Mỹ trong việc đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới bờ vực chiến tranh sau khi (Mỹ) triển khai các khí tài chiến lược lớn nhất từ trước đến nay tới vùng biển ngoài khơi của Triều Tiên và hành động này được bao biện là “bước cần thiết” và “phản ứng ở mức quyết liệt” từ một nước gần Triều Tiên để hăm dọa chúng tôi vì cái gọi là những biện pháp tự vệ”, bài xã luận viết bằng tiếng Anh cho hay.
“Đặc biệt, quốc gia này còn nói nhảm rằng Triều Tiên phải xem xét lại tầm quan trọng của mối quan hệ với quốc gia này và rằng họ có thể giúp bảo vệ an ninh của Triều Tiên. Quốc gia này cũng tuyên bố sẽ đưa ra sự hỗ trợ cần thiết cho sự thịnh vượng về kinh tế của Triều Tiên, đồng thời khẳng định Triều Tiên sẽ không thể sống sót trước các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe của ai đó”, bài xã luận trên KCNA cho hay.
Sau đó, bài xã luận trên còn cảnh báo, quốc gia láng giềng chắc chắn sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc trong quan hệ song phương nếu quốc gia này cùng với Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên.
“Nếu quốc gia này tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên trong khi đi theo người khác, để đánh giá sai ý chí của Triều Tiên, có thể nước này sẽ nhận được sự cổ vũ từ các kẻ thù của Bình Nhưỡng, nhưng nước này cũng sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc trong mối quan hệ với Triều Tiên”, bài xã luận cho hay.
Giới quan sát Triều Tiên nhận định, bài xã luận trên chính là đáp trả của Bình Nhưỡng sau khi các chuyên gia và truyền thông Trung Quốc gần đây đã kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên, trong đó gồm cả việc ngừng xuất khẩu dầu, nếu quốc gia láng giềng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6.
Sự phức tạp trong quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng
Ngoại trưởng Trung Quốc gần đây đã so sánh Mỹ và Triều Tiên giống như hai con tàu tốc hành đang lao về phía nhau và ngầm ý rằng, Trung Quốc đứng ngoài bất lực. Thực tế, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, Bắc Kinh đã không khỏi bối rối vì những ảnh hưởng của nước này suy giảm với Bình Nhưỡng.
Mỹ đang ép Trung Quốc phải gây áp lực với Bình Nhưỡng để ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trung Quốc là đồng minh lâu năm và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bắc Kinh có nhiều hành động và tuyên bố ủng hộ các quan điểm của Mỹ, trong khi không ngần ngại chỉ trích chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đe dọa phóng thử tên lửa hàng tuần và sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa, Bắc Kinh lên tiếng nói "quan ngại " về các hoạt động của Triều Tiên.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng hoan nghênh những phát biểu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
"Giới chức Mỹ thực sự đã có những phát biểu tích cực và mang tính xây dựng như sử dụng tất cả biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo. Điều này phản ánh hướng đi mà Bắc Kinh cho là đúng đắn và nên tuân thủ", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Giới phân tích cho rằng có một số hạn chế trong mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
“Cách tiếp cận của Trung Quốc về tình hình Triều Tiên cũng chịu một số hạn chế như trước đây. Nhưng lần này khác ở chỗ người Mỹ đang gia tăng áp lực một cách công khai hơn", chuyên gia Dean Cheng (Quỹ Heritage, Washington) nhận định.
Một loạt các vụ phóng tên lửa thời gian gần đây của Bình Nhưỡng đã làm gia tăng mối quan ngại rằng nước này đang tiến gần đến khả năng của một cuộc đối đầu với Mỹ.
Theo các nhà quan sát, tính cách khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không mấy hài lòng.
Hồi đầu tháng này, ông Trump viết trên Twitter rằng, Mỹ hoan nghênh nếu Trung Quốc giúp sức trong vấn đề Triều Tiên, nhưng sau đó lại dọa "nếu không thì chúng ta sẵn sàng tự giải quyết".
Ngoài ra, vấn đề bầu cử ở Triều Tiên cũng được cho là có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Người sẽ thay thế Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye được cho là sẽ có quan điểm hòa giải hơn với Triều Tiên.
Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định sẽ không chỉ ngồi yên khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Hàn Quốc.
Trung Quốc cũng tỏ ra rất không hài lòng, khi người hàng xóm liên tục gây khiêu khích, từ đó có thể tạo cớ để Hàn Quốc và Nhật Bản tiến tới phát triển hạt nhân để tự vệ.
Vì lẽ đó nên Bắc Kinh phản đối những hành động cứng rắn có thể khiến thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng, nước này đã đồng ý với nhiều cấm vận quốc tế áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2006.
Gần đây nhất, Bắc Kinh đã cắt nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và nguồn ngoại tệ của Triều Tiên.
Dẫu vậy, nhận định của giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ không đi theo hướng như phương Tây mong muốn.
"Sẽ không có chiến tranh, không hạt nhân, không bất ổn. Phía Trung Quốc sẽ không bao giờ đi quá xa như phương Tây mong muốn", Paul Haenle, Giám đốc trung tâm Carnegie - Thanh Hoa tại đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) phân tích.
Xem thêm >> Phát ngôn của Trump ‘giết chết’ chiến lược của Mỹ về Triều Tiên?
Đào Vũ