Vụ phóng tên lửa này được thực hiện sau khi Triều Tiên đưa ra hàng loạt các chỉ trích trong những ngày gần đây, cáo buộc các máy bay do thám của Mỹ đã vi phạm không phận trong khu kinh tế của nước này. Đồng thời, lên án việc Mỹ gửi một tàu ngầm nguyên tử tới Hàn Quốc và cam kết sẽ đưa ra các biện pháp phản kháng phù hợp.
Chánh thư ký nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết tên lửa được nghi ngờ là ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) đã bay trong 74 phút lên độ cao 6.000km, với tầm bay 1.000km, thời gian bay lâu nhất trong các tên lửa mà Triều Tiên phóng từ trước tới nay.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản dự đoán tên lửa này sẽ rơi khoảng 550km về phía đông bán đảo Triều Tiên.
Trong tháng 4, Triều Tiên đã phóng thử ICBM sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên của quốc gia này. Đây chỉ là một trong hàng loạt các cuộc phóng thử tên lửa được Triều Tiên thực hiện trong năm nay. Các nhà phân tích tin rằng ICBM của Triều Tiên có khả năng bay đủ xa để tấn công bất kỳ mục tiêu nào tại Mỹ và quốc gia này rất có thể đã sản xuất các đầu đạn hạt nhân có thể trang bị trên tên lửa.
Giáo sư Kim Dong-yup, đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho biết: “Đây có thể là vụ phóng thử tên lửa ICBM Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn thứ hai, với nhiều cải thiện được đưa ra từ kết quả trong cuộc phóng thử đầu tiên”.
Thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ông Yang Uk, cho biết cuộc phóng thử lần này có thể là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm giữ thể diện và chiếm lại thế chủ động sau khi phóng thất bại vệ tinh do thám đầu tiên của họ vào tháng 5 vừa rồi.
Theo ông Yang, việc chính quyền Bình Nhưỡng đưa ra cáo buộc Mỹ đã xâm phạm không phận trong tuần này - một cáo buộc mà chính quyền Seoul và chính quyền Washington đã tuyên bố là không có cơ sở - rất có thể chỉ là cái cớ để biện minh cho vụ phóng thử này.
Ngoại giao tại NATO
Giáo sư Leif-Eric Easley, nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha tại Seoul, cho biết Triều Tiên đang liên tục tổ chức các cuộc thử nghiệm vũ khí sát với các sự kiện ngoại giao, ví dụ như cuộc gặp mặt được dự kiến giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tới đây.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania, đã triệu tập một hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa và cam kết sẽ kêu gọi đoàn kết quốc tế mạnh mẽ nhằm đối mặt với các mối đe dọa tương tự.
Trong một buổi họp mặt với Nhật Bản, Australia và New Zealand, ông Yoon cho biết quyết định phóng tên lửa của Triều Tiên là lời thách thức trực tiếp với nền hòa bình khu vực và toàn thế giới.
“Chúng ta không thể bỏ qua những hành động khiêu khích này, và cần phải phản ứng trước những hành vi liều lĩnh của Triều Tiên bằng các phản ứng và đoàn kết mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế”, ông Yoon nhấn mạnh.
Ông Matsuno cho biết vụ phóng tên lửa này đe dọa nền hòa bình và ổn định của khu vực cũng như quốc tế, và chính phủ Nhật Bản đã đưa ra khiếu nại thông qua một cầu nối ngoại giao tại Bắc Kinh.
Ông Yoon sẽ thảo luận về các phương pháp thúc đẩy phản ứng quốc tế trước các mối đe dọa từ Triều Tiên tại một buổi đàm phán với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào thứ Tư.
Trước những nước đi quân sự của Triều Tiên và những thử thách khác trong khu vực, ông Yoon đã bắt đầu có các bước hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với Nhật Bản và dần xóa đi những tranh chấp từ trước tới nay đã ngăn cản hợp tác giữa hai quốc gia đồng minh của Mỹ này.
Phái viên của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tham gia một cuộc họp thoại vào thứ Tư nhằm lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, coi đây là một hành động khiêu khích “không thể biện minh được”. Các phái viên cũng đã lên án việc Bình Nhưỡng đã có những hành vi đối với hoạt động đường không bình thường của các nước đồng minh trên vùng biển quốc tế.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)