Cần gì phải phát triển tên lửa khi đất nước bạn có 10.000 tỷ USD giá trị tài nguyên? Đó là ước tính về giá trị tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên, đủ để họ trở nên giàu có hơn bất kỳ quốc gia nào, theo National Interest.
Trong khi biện pháp trừng phạt quốc tế và hạn chế về năng lực đang cản trở sự phát triển của ngành khai thác tài nguyên và năng lượng, Triều Tiên đang mong đợi những đất nước bạn bè trợ giúp trong việc khai thác mỏ.
10.000 tỷ USD giá trị tài nguyên - lớn gấp 20 lần so với Hàn Quốc - là con số đưa ra bởi một viện nghiên cứu của Hàn Quốc vào năm 2010.
Uớc tính từ một công ty khai thác mỏ của Hàn Quốc gần đây nêu con số ít hơn nhưng cũng đạt tới 6.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ việc ước tính trữ lượng tài nguyên cho đến khai thác lại là câu chuyện khác. Nó rất khó khăn, nếu tiềm lực kinh tế ban đầu hoặc các điều kiện cần thiết khác như máy móc, khoa học kỹ thuật, nhân lực không có. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề lớn của Triều Tiên.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đều nhìn thấy rất nhiều tiềm năng về tài nguyên trên Mặt trăng, nhưng chi phí và khả năng khai thác là điều không có quốc gia nào trên thế giới có thể làm được trong thời điểm hiện tại.
Để phần nào giải quyết những hạn chế trên, các nguồn tài nguyên khoáng sản dễ khai thác như đồng, vàng, sắt, kẽm, đất hiếm và tiềm năng dầu khí đang được Triều Tiên nhờ cậy trong khai thác và tiêu thụ từ các đồng minh thân thiết như Trung Quốc.
Khó khăn khi khai thác
Trong số hơn hai trăm loại khoáng sản khác nhau, nguồn dự trữ magnetit của Triều Tiên được đánh giá là có trữ lượng lớn thứ hai và mỏ vonfram lớn thứ sáu trên thế giới, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Dù là nước giàu tài nguyên, nhưng với ước tính thu nhập bình quân đầu người chỉ 1.700 USD, Triều Tiên được xếp hạng là một trong những nước nghèo nhất thế giới, đứng thứ 215 trên toàn cầu, trên Somalia.
Trong khi đó, một nước giàu tài nguyên khác như Mông Cổ có GDP bình quân đầu người là 12.300 USD.
Bất chấp những báo cáo cho thấy quốc gia Đông Á ưu tiên lĩnh vực khai thác mỏ từ những năm 1970, định hướng của Triều Tiên bị hạn chế do thiếu trang thiết bị, chuyên môn và cơ sở hạ tầng.
Lloyd Vasey – học giả cấp cao từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chỉ ra rằng sản lượng khai thác của Triều Tiên đã “giảm đáng kể” từ những năm 1990, với năng suất khai thác chỉ dưới 30% tiềm năng.
“Có một sự thiếu hụt các thiết bị khai thác mỏ và Triều Tiên không thể mua thiết bị mới do tình hình kinh tế yếu kếm, sự thiếu hụt năng lượng, nhân lực và tình trạng nghèo trên diện rộng”, ông nhận định.
Giới phân tích đánh giá, tiềm năng ngành khai thác của Triều Tiên là rất lớn, trong khi khai thác khoáng sản không được tư nhân hóa, lĩnh vực này vẫn chiếm đến 14% nguồn lực kinh tế của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về kinh phí và cơ sở hạ tầng, quốc gia Đông Á sẽ cần trợ giúp rất lớn từ bên ngoài.
Ai giúp đỡ?
Triều Tiên thường được miêu tả là hoàn toàn bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới, nhưng thực tế quốc gia này có liên kết ngoại giao với gần 50 quốc gia.
Kể từ khi thành lập năm 1948, Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hơn 160 quốc gia và duy trì 55 Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại 48 nước.
Trong đó có các cơ sở ngoại giao ở một số nước quan trọng như Vương quốc Anh, Đức và Thụy Điển.
Do những căng thẳng gần đây, một số nước như Tây Ban Nha, Kuwait, Peru, Mexico, Ý và Myanmar đã có động thái trục xuất Đại sứ về nước, tuy nhiên, nhiều phái đoàn Triều Tiên trên toàn thế giới vẫn được chào đón, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế.
Một số quốc gia châu Phi thậm chí còn đẩy mạnh quan hệ với Bình Nhưỡng trong các dự án xây dựng và hợp tác năng lượng. Nhưng nếu xét về khả năng đảm đương việc khai thác, những cường quốc khả thi nhất là Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Triều Tiên, với kim ngạch xuất khẩu khoáng sản chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên sang Trung Quốc trong nửa đầu của năm 2016, đặc biệt là than.
Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào một số quặng mỏ của Triều Tiên, trong đó có một khoản đầu tư 500 triệu USD tại khu khai thác mỏ ở Musan.
Các công ty quốc tế khác, trong đó có Australia, Anh, Malaysia và Singapore, đều từng có các hoạt động tiếp xúc khai thác về dầu khí ở Triều Tiên.
Dẫu vậy, những biến đổi sau khi lệnh trừng phạt quốc tế thắt chặt sau chương trình hạt nhân đã trở thành rào cản cho giấc mơ khai thác tài nguyên của Bình Nhưỡng.
Vào tháng Tám, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu than, quặng sắt và hải sản từ Triều Tiên theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sau vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tình hình có thể sẽ sớm thay đổi khi Nga và thậm chí là Hàn Quốc được cho là đang để mắt tới kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên.
Hồi tháng Năm, bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc đã mời thầu các dự án cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên, bao gồm cả những dự án liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, trong trường hợp hai miền thống nhất.
Giới phân tích nhận định việc mở rộng hợp tác trong khai thác tài nguyên là một lựa chọn không tồi cho chính quyền Kim Jong-un có thể từ bỏ kế hoạch trở thành một cường quốc hạt nhân để nhận sự hỗ trợ quốc tế.
Điều này không phải chưa có tiền lệ khi Bình Nhưỡng từng dừng lại các kế hoạch phát triển hạt nhân để đổi lấy viện trợ trong quá khứ.
Nếu giảm bớt chương trình hạt nhân và tập trung phát triển kinh tế, khối tài nguyên 10.000 tỷ USD là nguồn giá trị đủ lớn để đưa Triều Tiên thoát nghèo và phát triển.