Tuyên bố lạnh gáy
Triều Tiên đang xem xét kế hoạch tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ ở đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, theo tuyên bố từ hãng thông tấn KCNA hôm 8/8.
Thông điệp được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ hứng chịu "hỏa lực và sự cuồng nộ chưa từng có”, nếu quốc gia châu Á không chấm dứt việc đe dọa nước Mỹ.
Chính quyền Kim Jong-un đang hướng tới đảo Guam, phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Mỹ với căn cứ không quân và hải quân chiến lược cùng với 160.000 cư dân sinh sống.
Một lần nữa dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao không phải lục địa nước Mỹ, mà mảnh đất nhỏ bé ngoài khơi này lại trở thành mục tiêu ưa thích của Bình Nhưỡng?
“Mỗi lần có cuộc va chạm nào trên thế giới, Guam luôn là một phần của sự kiện”, Robert F. Underwood, người đứng đầu đại học Guam và là cựu dân biểu hòn đảo phát biểu.
Ông này cũng nói với The Washington Post rằng: "Khi đến từ Guam hay sống lâu năm ở Guam, bạn sẽ thấy điều đó thật bối rối, nhưng nó không phải điều bất thường".
Vị trí đặc biệt của đảo Guam
Cách 5310km về phía Tây Hawaii và hơn 3200km từ Triều Tiên, Guam là rường cột sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương.
Kết hợp với căn cứ hải quân và căn cứ không quân, cùng nơi neo đậu tàu ngầm hạt nhân, Guam là nơi các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ xuất phát làm nhiệm vụ qua các vùng lãnh thổ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.
Hồi đầu tuần này, hai oanh tạc cơ B-1B Lancer từ căn cứ đảo Guam đã thực hiện nhiệm vụ cùng các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trước đó, máy bay của Mỹ cũng đã có chuyến hành trình đến bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng 7. Đây được xem là động thái phản ứng của Washington sau vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng. Các chuyên gia tin rằng, nó có thể đạt tầm xa đến New York.
Guam trở thành cứ điểm chiến lược, khi Tây Ban Nha từ bỏ quyền kiểm soát cho hải quân Mỹ sau Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ vào năm 1898.
Hòn đảo chủ yếu dựa vào nguồn thu từ du lịch, quân sự để cân bằng nền kinh tế vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao.
Tầm quan trọng chiến lược của Guam xuất phát từ tính chất chủ quyền của Mỹ với hòn đảo này.
Theo Washington Post, Mỹ phải mất thời gian xây dựng cơ sở, huy động vũ khí tới các quốc gia đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản trong trường hợp leo thang quân sự, mà đó có thể là một quá trình mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, ở Guam, mọi nhiệm vụ có thể được tiến hành ngay lập tức.
Hòn đảo cũng là quê hương của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD. Hệ thống vốn gây ra nhiều tranh cãi và phản đối từ cả Bình Nhưỡng lẫn Bắc Kinh, khi Washinton muốn triển khai tới Hàn Quốc.
Theo Wall Street Journal, phương tiện truyền thông Nhà nước Triều Tiên thường xuyên cảnh báo về cuộc tấn công chống lại nước Mỹ, nhưng những mối đe dọa thường mơ hồ, không nêu rõ mục tiêu cụ thể như đảo Guam lần này.
Hạm đội đảo Guam sẵn sàng trực chiến
Phía Mỹ mặc dù chưa đặt tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng ở mức cảnh báo nguy hiểm, nhưng Lầu Năm Góc cho biết, hạm đội đảo Guam vẫn luôn sẵn sàng trạng thái trực chiến trước mối đe dọa đến từ quốc gia châu Á.
Có khoảng 6.000 binh lính đang đóng ở Guam, con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong lộ trình cân bằng lại sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Điều này càng trở nên quan trọng với Mỹ trong bối cảnh chương trình hạt nhân của Triều Tiên, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.
“Guam luôn luôn là một phần trung tâm trong kế hoạch của chúng tôi. Trước đó là trung tâm của hải quân, nhưng giờ đây là trung tâm của toàn bộ Lầu Năm Góc”, Johnny Michael, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết.
Chính tầm quan trọng này là lý do khiến hòn đảo xa khơi của Mỹ trở thành tâm điểm leo thang khu vực, cũng như trở thành “con mồi” ưa thích của tên lửa Triều Tiên.
Mặc dù vậy, đứng trước hoàn cảnh hiện tại, cảm xúc của người dân trên đảo Guam cũng chia ra thành hai thái cực.
Nơi sinh sống trở thành cứ điểm quân sự quan trọng của Mỹ, người dân địa phương cảm thấy bản thân họ luôn là vai chính trên một sân khấu lớn.
“Họ nói ghét việc thành một mục tiêu và tự hỏi tại sao họ luôn là những người phải đứng mũi chịu sào?”, cựu dân biểu Underwood chia sẻ về cảm xúc của những người xung quanh ông.
Mặc dù vậy, một số người khác cũng cảm thấy tự hào khi quê hương họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ những chiến binh mẫn cán trong các chiến dịch lớn trong quá khứ, mặc dù mảnh đất của họ vốn rất nhỏ bé.