Trung Quốc và Triều Tiên luôn được biết đến như hai người hàng xóm thân thiết và có quan hệ sâu sắc về cả kinh tế lẫn ngoại giao.
Nhưng hiện tại, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump - Bắc Kinh dường như đang lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tự bước tiếp một cách độc lập mà không còn phụ thuộc quá nhiều vào mình.
Theo đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ có những thỏa thuận bước ngoặt trong xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với các cựu thù và dần rời bỏ người đồng minh truyền thống.
CNN dẫn lời Tong Zhao, chuyên gia chính sách hạt nhân tại trung tâm chính sách toàn cầu Tsinghua Carnegie cho biết: "Thậm chí có rất nhiều ý kiến ở Trung Quốc quan tâm đến viễn cảnh Mỹ sẽ chấp nhận Triều Tiên sở hữu hạt nhân để đổi lấy việc trở thành đồng minh, hoặc ít nhất là gần gũi hơn với Bình Nhưỡng".
Mối lo ngại của Bắc Kinh càng trở nên đáng quan tâm hơn khi căng thẳng Mỹ-Trung thời gian qua lại bùng nổ, do những bất đồng trong vấn đề thương mại.
Lấy lại vị thế
Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên trong hơn nửa thế kỷ qua đã luôn yên bình cho đến khi Bình Nhưỡng bắt tay vào xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân làm thay đổi sự cân bằng quyền lực trong khu vực.
Theo CNN, Trung Quốc lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang cùng sự hiện diện ngày càng lớn của Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á ngay ngưỡng cửa nhà mình. Đây là điều mà Bắc Kinh không hài lòng.
"Trung Quốc luôn muốn duy trì mối quan hệ bình thường và ổn định với Triều Tiên. Trung Quốc không có bất đồng với Triều Tiên trong bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ hạt nhân", Zhao nói.
"Trung Quốc phải phản ứng mạnh mẽ trước sự tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên - Trung Quốc phải tham gia cùng cộng đồng quốc tế để áp đặt các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến nước này", ông này phân tích thêm.
Những diễn biến bất ngờ gần đây về đề xuất các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ của Triều Tiên đã khiến Bắc Kinh nhận ra sự chủ quan của mình khi đang đẩy đồng minh thân thiết vào tay nước khác.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã hành động nhanh chóng để khẳng định lại vị thế của chính mình.
Vào cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền cách đây 7 năm.
Theo các nhà quan sát, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Triều trước thềm các Hội nghị Thượng đỉnh khác như một lời nhắc nhở thế giới rằng, quan hệ với Trung Quốc vẫn được Triều Tiên ưu tiên hàng đầu và Bắc Kinh vẫn nắm vai trò ngoại giao quan trọng trên bán đảo.
"Trung Quốc không thích bức tranh hiện tại chỉ có Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ mà không có nước này. Mối quan tâm chính của Bắc Kinh là không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào có thể mở rộng ảnh hưởng và có được lợi ích trong khu vực", chuyên gia Duyeon Kim từ Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên, nêu quan điểm.
Gây ảnh hưởng đến hai Hội nghị Thượng đỉnh
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhất trí các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi Triều Tiên tuyên bố tuần trước về việc sẽ không còn thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay tên lửa, một số ý kiến ở Trung Quốc coi đây là cơ hội để nới lỏng áp lực.
Ngay sau đó, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng: “Nếu Washington vẫn muốn ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng áp lực tối đa, điều này sẽ chỉ báo trước sự trở lại của cuộc khủng hoảng dữ dội hơn nữa".
"Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và nối lại một số giao dịch, đồng thời cho Triều Tiên thấy lợi ích to lớn khi hòa nhập vào cộng đồng quốc tế”, tờ báo kêu gọi.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng tái khẳng định rằng Mỹ sẽ không đàm phán bất kỳ nhượng bộ nào cho đến khi Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể để tháo dỡ chương trình hạt nhân và tên lửa, bằng không chiến dịch gây áp lực tối đa sẽ tiếp tục.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ khai thác mọi cơ hội để làm suy yếu vị thế của Mỹ và tác động đến kết quả của hai hội nghị thượng đỉnh.
"Nếu Bắc Kinh không hài lòng với kết quả của hai hội nghị thượng đỉnh, nước này có thể làm gián đoạn các nỗ lực gây áp lực lên Mỹ bằng cách dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên”, chuyên gia Duyeon Kim nhận định.