Khắc chế Mỹ bằng vũ khí Nga?
Triều Tiên từng tuyên bố sẽ bắn hạ máy bay ném bom B1-B của Mỹ đang lảng vảng gần bán đảo Triều Tiên khi cần thiết. Thậm chí là khi oanh tạc cơ của Mỹ bay ngoài không phận nước này.
Nếu Bình Nhưỡng thực sự đưa ra quyết định táo bạo như vậy, lựa chọn tốt nhất sẽ là sử dụng tên lửa phòng không tầm xa KN-06, nhưng nhiều khả năng chính quyền Kim Jong-un sẽ triển khai đội tiêm kích Mikoyan MiG-29 Fulcrum, theo National Interest.
MiG-29 là một loại máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô (cũ) và Nga (hiện nay) thiết kế chế tạo.
Chiến đấu cơ này được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích mới của Mỹ như F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet.
Nó đã từng là một trong những máy bay chiến đấu được đánh giá cao nhất của Liên Xô trước năm 1991 với khả năng tác chiến tốc độ cao, linh hoạt và mạnh mẽ.
Giờ đây, MiG-29 là vũ khí trên không uy lực và hiện đại nhất trong đội chiến đấu cơ khiêm tốn của Triều Tiên.
Tuy nhiên, điểm yếu của tiêm kích này là tầm hoạt động rất ngắn chỉ trong khoảng 725km, tầm hoạt động tối ưu 400km và hệ thống radar nghèo nàn.
Cùng với đó, phiên bản xuất khẩu cũng chỉ được trang bị hệ thống điện tử kém hơn nhiều so với những máy bay phục vụ riêng cho lực lượng không quân Liên Xô.
Hạn chế của ngành công nghiệp điện tử những năm 70 của thế kỷ trước khiến Liên Xô không thể cung cấp một radar đủ nhỏ, nhưng lại mang hiệu suất lớn, phù hợp với MiG-29.
Do đó, mặc dù có ý định trang bị cho MiG-29 loại radar tương tự như loại radar trên tiêm kích F-16, F/A-18 của Mỹ, nhưng cuối cùng Moscow không thể thực hiện được.
Radar NO19E pulse-Doppler trên MiG-29 bị đánh giá là khá hạn chế. Phiên bản hạ cấp radar NO19EB xuất khẩu sang những nước ngoài khối Warsaw thậm chí còn có phạm vi tìm kiếm ngắn hơn, khiến phi công khó khăn trong khả năng nhận thức tình huống.
Tuy nhiên, MiG-29 còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi ОEPrNK-29E hồng ngoại, đóng vai trò như một cảm biến bổ sung.
Giống như hầu hết máy bay của Liên Xô, MiG-29 được thiết kế để sử dụng kết hợp với kiểm soát viên mặt đất.
Việc dò tìm mục tiêu hay định hướng vị trí sẽ được hỗ trợ từ các trạm radar mặt đất. Do đó, việc thiếu khả năng cảm biến hiện đại không phải là vấn đề quá to lớn theo quan điểm của Liên Xô khi đó.
Khả năng linh hoạt
Phiên bản gốc MiG-29 được đánh giá là phát huy tối đa năng lực nhất, khi chiến đấu ở tầm gần.
Liên Xô trang bị cho Fulcrum hệ thống hiển thị trên mũ phi công Shchel-3UM-1 và tên lửa R-73 Archer khiến tiêm kích này trở thành một đối thủ đáng gờm trong mọi cuộc không chiến.
Khả năng linh hoạt MiG-29 đã được chứng minh qua việc thường xuyên đánh bại các máy bay F-15Cs, F-16 và F/A-18 của Mỹ và đồng minh trong các cuộc tập trận huấn luyện những năm 1990.
Ngày nay, những chiếc MiG-29 do NATO vận hành không còn mang lại tỷ lệ chiến thắng cao như trước, do hạn chế trước các máy bay thế hệ mới hiện đại hơn.
Mặc dù vậy, nếu được điều khiển bởi một phi công có kinh nghiệm cộng thêm một chút may mắn, nó vẫn có thể giành chiến thắng ở khoảng cách gần.
Điều này được cho là khá khó với Triều Tiên khi phi công của họ không thể sánh bằng với các phi công NATO với số giờ bay huấn luyện hàng năm ít hơn.
Thế nhưng, đôi khi thành thạo không hẳn sẽ luôn thành công, tờ National Interest nhận định, thay vào đó chính may mắn lại tạo ra sự khác biệt lớn.
Nếu MiG-29 tiến gần tầm hoạt động với máy bay ném bom, hoặc máy bay do thám của Mỹ giống như mọi lần trong quá khứ, chiến đấu cơ này sẽ thể hiện được sự nguy hiểm của mình.
Triều Tiên được đánh giá là có khoảng 30 máy bay MiG-29 nằm trong đội bay, mặc dù không nhiều lần người ta được chứng kiến có hơn 10 chiếc hoạt động cùng một lúc.
Bất chấp cơ sở vật chất của máy bay đã xuống cấp cùng với đội ngũ phi công non kém, các nhà phân tích cho rằng, năng lực không quân của Triều Tiên không nên bị đánh giá quá thấp.
“Thậm chí một chiếc đồng hồ bị hỏng người ta vẫn có thể thấy nó chạy đúng giờ hai lần một ngày”, tờ National Interest so sánh.