Bất chấp Mỹ, không e dè Trung Quốc
Theo Bloomberg, khi tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, Bình Nhưỡng biết sẽ “chọc giận” cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Triều Tiên thậm chí còn tính toán kỹ lưỡng thời điểm phóng tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên gọi là Hwasong-14. Tên lửa được phóng đúng ngày Quốc khánh Mỹ và trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức tuần này.
Cho dù động cơ là gì, việc Triều Tiên thử tên lửa hôm 4/7, cùng với hàng loạt vụ phóng tên lửa khác trong những tháng gần đây, đều cho thấy Triều Tiên phớt lờ sự trừng phạt của quốc tế, lời cảnh báo từ Mỹ và áp lực từ Trung Quốc về chương trình vũ khí của nước này.
Chính phủ mới của Hàn Quốc cũng đề cao giải pháp đàm phán với Triều Tiên và điều này đặt ra tình thế khó xử cho chính quyền của ông Trump.
“Thông điệp mà Triều Tiên đưa ra rất đơn giản: Dù bạn làm gì đi chăng nữa, năng lực của chúng tôi ngày càng lớn hơn và chúng tôi sẽ không thay đổi chính sách”, Andrew Gilholm, chuyên gia phân tích về vấn đề Bắc Á tại tập đoàn Control Risks nhận định.
Sau khi phóng tên lửa vào hôm 4/7, Triều Tiên cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này có thể chạm tới mọi vùng trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Lầu Năm Góc cùng ngày xác nhận Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và thừa nhận, động thái của Bình Nhưỡng đã đe dọa trực tiếp tới Mỹ và các đồng minh.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn đánh giá của các chuyên gia ước tính, nếu được phóng tại quỹ đạo bình thường, tên lửa này có khả năng từ Triều Tiên vươn tới bang Alaska.
Sau vụ thử tên lửa ngày 4/7, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter, Trung Quốc có thể thử “động thái mạnh” chống lại chính quyền của ông Kim Jong-un. Đồng thời gợi ý, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ra hành động trừng phạt Bình Nhưỡng.
Vụ phóng ngày Quốc khánh Mỹ
Nhưng thông điệp từ vụ phóng thử tên lửa vào Ngày Độc lập Mỹ dường như không phải nhắm đến Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là gửi thẳng đến Washington. Vậy điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi gì?
Tờ Business Insider (Mỹ) nhận định, sẽ chẳng có điều gì diễn ra bởi Mỹ vốn đã sống dưới sự đe dọa về tấn công hạt nhân trong hơn 50 năm. Tại sao cần có thay đổi khi Triều Tiên có thể đạt khả năng tấn công Alaska, Los Angeles, New York trong khi Bình Nhưỡng vốn chưa dám ra tay nhằm những mục tiêu là đồng minh của Mỹ ở ngay gần kề như Seoul, Tokyo? Nếu Bình Nhưỡng thực hiện ý định này thì Washington chắc chắn sẽ ra tay trừng phạt.
“Triều Tiên có thể phát triển 10 đến 15 vũ khí hạt nhân, Mỹ có 2.000. Triều Tiên có thể gây tổn thất với Mỹ, nhưng điều đó sẽ dẫn đến việc nước này bị xóa sổ nếu đối đầu bằng hạt nhân. Đó không phải là chiến lược sống còn tốt và ngay cả ông Kim Jong-un cũng hiểu điều này”, Đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu chỉ huy bộ Tư lệnh Thái Bình Dương từng nhận định.
Xem thêm >> Thử tên lửa ngày Quốc khánh Mỹ, Triều Tiên có thông điệp khủng khiếp
Đào Vũ