Căng thẳng tiếp tục leo thang
Hãng tin CNN dẫn nguồn tin Văn phòng Tổng tham mưu trưởng của Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ địa điểm gần khu vực Pukchang, phía đông bắc Thủ đô Bình Nhưỡng vào chiều 21/5.
Tên lửa bay được khoảng 500 km về phía biển Nhật Bản, các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết.
Sự việc xảy ra một tuần sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm trung, mà theo các chuyên gia đã ghi dấu những tiến bộ vượt bậc trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
Văn phòng Tổng tham mưu trưởng của Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo, vụ thử tên lửa chiều 21/5 diễn ra tại địa điểm gần Pukchang, khu vực mà tháng trước Bình Nhưỡng đã tiến hành thử tên lửa song thất bại.
Hiện tại Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc.
Theo Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, tên lửa nhiều khả năng rơi ở ngoài Vùng đặc quyền kinh tế Nhật, không gây thiệt hại cho tàu và máy bay trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay lập tức triệu tập họp khẩn với Hội đồng an ninh quốc gia trong khi Triều Tiên chưa đưa ra tuyên bố xác nhận nào.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng thông báo đã nắm thông tin về động thái mới nhất này của Triều Tiên và cho rằng tên lửa vừa được phóng đi có tầm bắn ngắn hơn so với các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử trong 3 lần gần đây nhất.
Giới chức Nhật Bản phản đối mạnh mẽ vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, coi đây là hành động rõ ràng vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên đã bác bỏ mọi lời phản đối, thậm chí từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng và tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng gọi đây là chương trình tự vệ hợp pháp.
Giữa “vòng vây” của các tàu sân bay
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang khi vào đầu tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chuẩn bị sẽ hành động “đơn phương” đối với Bình Nhưỡng. Mỹ đã nhanh chóng điều tàu sân bay tới khu vực này.
Cuối tháng trước, nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã tới bán đảo Triều Tiên nhằm phô diễn sức mạnh trong bối cảnh thế giới lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tiến hành cuộc thử hạt nhân lần thứ sáu.
Ngày 16/5, sau khi kết thúc thời gian bảo trì và chạy thử nghiệm trên biển tại Yokosuka (Nhật Bản), tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã được đưa tới bán đảo Triều Tiên để tham gia các cuộc tập trận với tàu USS Carl Vinson.
“Chúng tôi phải đảm bảo rằng tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu khác trong nhóm tàu tấn công phối hợp với nhau nhịp nhàng khi tiến thẳng về phía trước”, đô đốc Charles Williams phát biểu trong cuộc họp báo.
Trong cuộc huấn luyện lần này, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ triển khai đa dạng các buổi tập huấn luyện nhưng chú trọng vào việc kiểm tra khả năng giúp máy bay cất và hạ cánh.
Sự xuất hiện đồng thời của hai tàu sân bay được coi là động thái cứng rắn của Mỹ trước động thái phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp và đe dọa sẽ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Áp dụng biện pháp quân sự là phương án cuối cùng
Triều Tiên được cho là đã và đang phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công đến Mỹ. Các chuyên gia cho rằng cuộc thử nghiệm tên lửa vào hôm 14/5 là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu đó.
Tuyên bố của Triều Tiên cho hay vụ thử nghiệm tên lửa hôm 14/5 thành công và khẳng định đã bắn tên lửa bay theo một góc cao nhằm tránh gây ảnh hưởng đến an ninh của các nước lân cận. Tên lửa đạt độ cao 2.111 km và bay xa 787 km.
Theo nhận định của giới quân sự, nếu bắn với góc thông thường, tên lửa này có thể bay 4.500-6.000 km, đủ để đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ kêu gọi các quốc gia cắt giảm quan hệ với Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân và tên lửa thì ngày 18/5, một chiếc phà mới triển khai từ Triều Tiên tới Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên neo đậu tại cảng Vladivostok (Nga) ở Thái Bình Dương. Triều Tiên được cho là triển khai dịch vụ phà tới Nga nhằm phát triển các liên kết và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng việc áp dụng biện pháp quân sự với khủng hoảng Triều Tiên sẽ gây ra “thảm kịch ở quy mô khó tin”.
Tờ CNBC nhận định, lực lượng vũ trang của Mỹ và Hàn Quốc triển khai quân đội chống lại Triều Tiên là phương án cuối cùng Washington và Seoul đưa ra trong việc ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng nguy cơ về hành động quân sự vẫn đang gia tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nhấn mạnh về khả năng mâu thuẫn gia tăng với Triều Tiên là có thể xảy ra và tất cả các lựa chọn cũng như biện pháp đã sẵn sàng. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có lập trường kiên định và sẵn sàng các hành động khi Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo và phát triển công nghệ hạt nhân hiện đại.
Nếu hành động quân sự có thể khiến bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh thì kèm theo đó là vô vàn những hậu quả khôn lường.
Xem thêm >> ‘Thảm kịch khó tin’ nếu Mỹ dùng hành động quân sự với Triều Tiên
Đào Vũ