Sau khi Mỹ đe dọa tăng cường trừng phạt đối với việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 4/7, Triều Tiên hôm 7/7 đã ám chỉ đến việc nước này sẽ còn đưa ra nhiều vụ phóng trong tương lai.
Sputnik đưa tin, Bình Nhưỡng từng nhắc đến vụ phóng tên lửa Hwasong-14 như một "món quà" gửi tặng Mỹ nhân ngày quốc khánh 4/7, nhắc lại lập trường rằng chương trình hạt nhân của nước này được thiết kế để chống lại "sự xâm lược" từ Washington.
Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên bộ Ngoại giao giấu tên nói rằng, "Mỹ sẽ nhận được liên tục những gói quà tặng có kích cỡ khác nhau từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vì họ cố gắng hủy diệt Bình Nhưỡng bằng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên chúng ta", theo Yonhap.
Tuyên bố này cũng ám chỉ Hàn Quốc không nên tham dự vào các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau khi ông Tổng thống Moon Jae-in nói rằng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến thăm Đức dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Tờ Deutsche Welle của Đức cho biết ông Moon đã mô tả cuộc phóng tên lửa vài ngày trước như là "mối đe dọa lớn và khiêu khích", đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt nặng hơn trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hôm thứ Sáu, Nhật Bản, Mỹ cùng Hàn Quốc đã kêu gọi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kiên quyết thực hiện "áp lực tối đa" nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong khi tuyên bố của Triều Tiên khẳng định rằng, "hạt nhân và tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên là một vấn đề riêng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ".
Một số chuyên gia cho biết quỹ đạo của cuộc phóng thử tên lửa hôm thứ Ba có thể đưa Alaska và có thể là Tây Bắc Thái Bình Dương nằm trong phạm vi tấn công của Triều Tiên, giống như Bình Nhưỡng tuyên bố rằng tên lửa mới này có thể mang một đầu đạn hạt nhân lớn có khả năng tấn công lục địa nước Mỹ.
Triều Tiên cũng nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng, cho đến khi Mỹ từ bỏ lập trường hung hãn đối với Bình Nhưỡng, các cuộc thảo luận về việc giảm nhẹ căng thẳng về chương trình tên lửa và hạt nhân mới có thể thực hiện.
"Triều Tiên sẽ không đưa vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình lên bàn đàm phán trong bất kỳ trường hợp nào và cũng không đi chệch hướng chương trình phát triển của mình cho đến khi chính sách thù địch và đe dọa của Mỹ chống lại CHDCND Triều Tiên được loại trừ hoàn toàn", KCNA dẫn phát ngôn từ bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ.
Đọc thêm>>> Toàn bộ nội dung cuộc gặp hơn hai tiếng của TT Trump và ông Putin
Quốc Vinh