Mỹ không dám tấn công vì sợ bùng nổ thảm họa?
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 14/5 của Triều Tiên một lần nữa đã trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế. Trái với những tuyên bố mạnh mẽ như mọi khi, Washington đã phản ứng có phần nhẹ nhàng hơn khi chỉ kêu gọi “Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa trắng trợn an ninh khu vực. Hành động khiêu khích mới đây như một lời kêu gọi các quốc gia hãy trừng phạt cứng rắn hơn với quốc gia này”.
Theo giáo sư Sreeram Chaulia tại trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ), Mỹ hiểu rõ hơn bất cứ ai về năng lực phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nếu Mỹ tiến hành động thái quân sự, Mỹ sẽ không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với thảm họa lớn nhất trong lịch sử.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương KCNA đã cảnh báo, Mỹ và các nước đồng minh “không nên quấy rầy” vì Bình Nhưỡng “hoàn toàn sẵn sàng đáp trả bất kỳ lựa chọn nào của Mỹ”.
“Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng thử tên lửa, bất chấp sức ép quốc tế bởi dường như nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin rằng, Mỹ không thể tấn công quy mô lớn nhằm vào Triều Tiên như đã làm ở Syria và Libya. Hai quốc gia này đều đã từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng thì khác”, giáo sư Chaulia bình luận.
Trong khi đó, cùng ngày Triều Tiên thử tên lửa (14/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thương mại lớn với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và phái đoàn Triều Tiên.
“Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên thử tên lửa hôm nay (14/5). Chính quyền Kim Jong-un như muốn thúc đẩy Nga cần tham gia nhiều hơn nữa trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đản Triều Tiên. Đó là cách Bình Nhưỡng truyền tin tới Nga, họ cần phải lên tiếng để ngăn việc Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên”, Giáo sư Carl Schuster tại đại học Hawaii Pacific, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành của Trung tâm Tình báo Mỹ tại Thái Bình Dương nhận định.
xem thêm >>> Toàn cảnh những vụ thử tên lửa của Triều Tiên từ khi Trump cầm quyền
Triều Tiên đã có tiến bộ vượt bậc về công nghệ tên lửa?
Nhiều phân tích quốc tế chỉ ra rằng, Triều Tiên tự hào về năng lực quân sự mà quốc gia này đang sở hữu bao gồm hàng loạt tên lửa đạn đạo và kho vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng muốn gửi thông điệp rằng, nếu trong trường hợp bất cứ quốc gia nào lựa chọn biện pháp vũ lực tấn công phủ đầu Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ cho họ thấy, hậu quả mà họ sẽ phải gánh chịu.
Đưa ra một góc nhìn tiêu cực hơn, chuyên gia an ninh Hazel Smith thuộc đại học miền Trung Lancashire, Anh phân tích, vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng đang “châm ngòi” xung đột trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện tại, dù kinh tế Triều Tiên kém phát triển, nhưng quốc gia này đang sở hữu năng lực công nghệ hạt nhân, tên lửa tiên tiến. Trong những thập kỷ qua, thông qua các vụ phóng thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo, Triều Tiên đang chứng tỏ khả năng nâng cấp không ngừng các loại vũ khí với hỏa lực lớn và độ chính xác cao.
“Nguy cơ bùng nổ xung đột là hoàn toàn hiện hữu. Bởi nhiều cuộc chiến quân sự từng xảy ra trên thế giới chỉ do những va chạm không may, hoặc không có bất cứ kênh trao đổi ngoại giao nào được thi hành để giải quyết xung đột theo phương pháp hòa bình. Và nội chiến Syria chính là bài học cho vấn đề này”, chuyên gia Anh phân tích.
Trên thực tế, an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, khi nơi đây tập năng lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Dù Bình Nhưỡng được cho trang bị năng lực quân sự mạnh nhưng các quốc gia trên lại sở hữu những khí tài quân sự khủng với quân đội lớn mạnh. Do đó, nếu chiến tranh bùng nổ, đây sẽ là cuộc chiến cực kỳ nguy hiểm.
“Nhiều khả năng sẽ xảy ra xung đột giữa liên Triều, Triều Tiên – Nhật Bản hoặc giữa Washington – Bình Nhưỡng nếu không có bất cứ kênh đối thoại ngoại giao nào được thiết lập, xung đột sẽ kéo dài và khó giải quyết”, theo chuyên gia Hazel Smith.
Thêm vào đó, Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích ngay khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ quan điểm muốn đàm phán liên Triều. Nhiều khả năng, quốc gia này đang muốn tiến hành đàm phán với vị thế ngang bằng với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phương Anh
xem thêm >>> Bị tố tiết lộ tin mật cho Nga: TT Trump đã vượt giới hạn đỏ?