Sáng 26/5, diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” đã được tổ chức. Liên quan đến đổi mới và nâng cao đào tạo lao động chất lượng cao, tại diễn đàn, đại diện cho các cơ sở đào tạo, NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã đóng góp ý kiến liên quan đến nội dung này.
Đánh giá về thị trường chuyêm gia cho biết, Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động tham gia trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp so với khu vực. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên.
Tuy nhiên, thị trường lao động chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỉ lệ lớn, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều bất cập.
Theo ông Phạm Xuân Khánh điều này dẫn đến, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.
“Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của hệ thống giáo dục nghề nghiệp”, Phạm Xuân Khánh cho biết.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thường xuyên đổi mới chương trình, giáo trình, đưa các chương trình quốc tế vào giảng dạy;
Đổi mới mô hình quản lý; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức đào tạo cho đến giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, có ông Phạm Xuân Khánh cũng đưa ra một vài nội dung mới cần được xem xét quan tâm trong thời gian tới khi cần phải thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành, nghề, và trình độ đào tạo. Điều này sẽ làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, là ban hành các danh mục nghề nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo để hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề vừa góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn lao động cho người lao động.
Đặc biệt là cho phép các trường thành lập trường trong trường, thêm chức năng dạy văn hóa cho các học sinh tốt nghiệp theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghiề nghiệp. Đồng thời ban hành đồng bộ hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, đặc biệt là các nghề có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng ít người học.
Chưa dừng lại ở đó, người lao động sau khi tham gia thị trường cũng thường xuyên phải đào tạo nâng cao tay nghề thông qua các hội thi thợ giỏi.
Tại diễn đàn ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các KCN Hà Nội cho biết: “Phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" trong công nhân lao động, đã khẳng định thi đua là động lực hết sức quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi, hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh”.
Đây cũng là cơ hội để công đoàn khẳng định sự sáng tạo đổi mới về nội dung, phương thức trong hoạt động, nhận được sự ủng hộ của người sử dụng lao động và sự hưởng ứng của người lao động.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để các phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan toả rộng lớn hơn nữa, theo ông Thắng cần duy trì và mở rộng hội thi thợ giỏi ở các tỉnh, thành phố nơi có đông người lao động với sự tham gia của chính quyền và người sử dụng lao động.
Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.