Trình Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 Hiệp định với Liên minh châu Âu

Trình Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 Hiệp định với Liên minh châu Âu

Nguyễn Minh Anh

Nguyễn Minh Anh

Thứ 3, 28/04/2020 20:00

Chiều 28/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Chính sách - Trình Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 Hiệp định với Liên minh châu Âu

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp chiều 28/4. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Hiệp định EVFTA và EVIPA: Khẳng định vị trí, vai trò, giao thương của Việt Nam

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Ở góc độ song phương, EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

EVFTA sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng sẽ có thách thức đối với các ngành: thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics.

Tiếp cận thị trường tiềm năng với 500 triệu người và GDP 15.000 tỷ USD

Thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại cho rằng, so với WTO và các FTA khác mà Việt Nam ký kết, Hiệp định EVFTA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (tương tự CPTPP) do ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hoá.

Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu). EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, nông lâm thủy sản, dược phẩm.

EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ. Theo đó, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm.

Uỷ ban Đối ngoại đánh giá việc tổ chức đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU là phù hợp với chủ trương và đường lối hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định này.

Đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Tờ trình nêu rõ : Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm các quy định về bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư và những vấn đề cụ thể có liên quan.

Theo đó, Hiệp định EVIPA quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các Bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA).

Hiệp định khẳng định quyền của các Bên trong việc ban hành chính sách trên lãnh thổ của mình để đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh, môi trường, đạo đức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích và bảo vệ tính đa dạng văn hóa.

Hiệp định EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết theo Hiệp định và pháp luật của mình một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Chính sách - Trình Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 Hiệp định với Liên minh châu Âu (Hình 2).

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Tán thành sớm phê chuẩn 2 Hiệp định tại Kỳ họp Quốc hội tới đây

Các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, sớm phê chuẩn 2 hiệp định trên để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện sau thời gian dài đàm phán bởi các quy định này phù hợp với Hiến pháp.

Đồng thời, rà soát lại việc sửa đổi một số đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật khác cho phù hợp với Hiệp định khi phê chuẩn như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Công đoàn, cần làm rõ thêm các thách thức và cạnh tranh thế nào đến hàng hoá sản xuất trong nước, các hàng rào kỹ thuật, vấn đề tổ chức lao động ở các doanh nghiệp, cạnh tranh của các nước lớn đối với ASEAN…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy hồ sơ, trình tự, thủ tục để phê chuẩn hai hiệp định này được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Đồng thời, hoan nghênh và biểu dương đoàn đàm phán 2 hiệp định quan trọng này đã kiên trì, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, ký kết được các hiệp định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và Thuyết minh của Chính phủ đối với 2 hiệp định này và thống nhất trí trình 2 hiệp định này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tới đây xem xét, thông qua.

Theo Baochinhphu.vn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.