Ngày 3/8, anh Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Thanh Hóa) trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn của các hộ dân trên địa bàn xã Nhi Sơn, nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở do mưa, lũ để hỗ trợ di dời, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn đã hy sinh do bị đất, đá sạt lở vùi lấp.
Liên quan đến sự việc trên, dư luận đang quan tâm, vậy trong những trường hợp như thế nào thì sẽ được xác nhận liệt sĩ? Và trường hợp của anh Thao Văn Súa có đủ các điều kiện đó hay không?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng cục Người có công (bộ LĐ-TB&XH) để tìm hiểu rõ hơn.
Ông Kiên cho biết: Theo trình tự thủ tục để xác nhận liệt sĩ thì trách nhiệm của UBND huyện sẽ phối hợp với sở LĐ-TB&XH của tỉnh lập hồ sơ, kiểm tra xem trường hợp cụ thể có đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ hay không. Trong trường hợp của anh Thao Văn Súa, nếu đủ điều kiện thì cấp xã sẽ đề nghị, cấp huyện xem xét cấp giấy báo tử, rồi chuyển lên sở LĐ-TB&XH để trình UBND tỉnh Thanh Hóa…
Cũng theo ông Kiên: “Khi hồ sơ lên đến bộ LĐ-TB&XH là “nấc” cuối cùng để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Còn trước đó, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương sẽ căn cứ vào quy định hiện hành để triển khai. Đối với trường hợp anh Thao Văn Súa thì sự việc mới xảy ra, các cấp cơ sở đang làm theo quy trình, hiện nay Cục chưa nhận được hồ sơ về sự việc”.
Liên quan đến thông tin “lãnh đạo bộ LĐ-TB&XH đã thống nhất với lãnh đạo bộ Công an về việc đề nghị với các cơ quan, chức năng của tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục để trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Thao Văn Súa theo đúng quy định hiện hành”, ông Kiên cho hay, đó là thống nhất về mặt nguyên tắc chủ trương.
Còn khi triển khai cụ thể thì các cơ quan chức năng sẽ phải xác minh rất chi tiết, lập biên bản, hồ sơ thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan, diễn diễn… theo quy định hiện hành.
Sau khi các cơ quan chức năng ở địa phương có kết luận cuối cùng thì sẽ gửi hồ sơ về bộ LĐ-TB&XH thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
“Nếu trường hợp nào có đủ căn cứ nằm trong điều khoản, hạng mục theo quy định hiện hành thì sẽ được công nhận liệt sĩ. Ví dụ như trường hợp này thuộc hạng mục ứng cứu thảm họa thiên tai theo Nghị định 31 của Chính phủ”, ông Kiên nói.
Vị Phó Cục trưởng cục Người có công chia sẻ thêm: “Theo quy định hiện nay thì không có quy định nào nói rằng phải là người của cơ quan Nhà nước thì mới được công nhận liệt sĩ. Việc công nhận liệt sĩ không phân biệt lực lượng, miễn là người đó có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ví dụ, kể cả một người dân bình thường, giả sử khi gặp cơn bão lũ, người ta sẵn sàng xả thân lao xuống cứu người, quá trình cứu người mà bị lũ cuốn đi chẳng hạn thì vẫn được giải quyết là liệt sĩ.
Hoặc người dân khi thấy một trận hỏa hoạn, dù biết có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình nhưng họ vẫn sẵn sàng lao vào cứu người và tài sản, quá trình đó họ không may tử vong thì vẫn được công nhận là liệt sĩ”.
Ở một diễn biến mới cập nhật, ngày 6/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã truy tặng Bằng khen và Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã ra Quyết định truy tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho anh Thao Văn Súa.
Điều kiện xác nhận liệt sĩ
Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng: Điều kiện xác nhận liệt sĩ.
- Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ: a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị. Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ; d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; g) Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; h) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; CÔNG BÁO/Số 203 + 204/Ngày 20-04-2013 11 i) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế. Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên; k) Mất tin, mất tích quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ; l) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.
- Không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với: a) Những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị; b) Những trường hợp chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.