Theo tin tức cập nhật từ bản tập hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công bố tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra tại Hà Nội, bộ Công an đã có phản hồi về bức xúc của cư tri trước vụ Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, cử tri tỉnh Hải Dương, Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị bộ Công an xem xét trách nhiệm trong việc để các đối tượng tham nhũng bỏ trốn, gây bất bình trong nhân dân (như vụ ông Trịnh Xuân Thanh).
Theo nội dung Công văn số 852/BCA-V11 của bộ Công an trả lời nội dung này, căn cứ Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo.
Trong quá trình các cơ quan chức năng đang thu thập tài liệu, xác minh làm rõ các sai phạm, chưa khởi tố bị can, thì Trịnh Xuân Thanh đã tìm cách bỏ trốn. Cho nên việc cơ quan công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Trịnh Xuân Thanh là theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an đã khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh truy nã quốc tế.
Bộ Công an đã và đang chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cần thiết để truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh phục vụ cho công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp ông Vũ Đình Duy, ngày 22/10/2016, ông này đã xuất cảnh sang Thái Lan khi đang giữ chức vụ thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), thuộc diện quản lý của Vinachem.
Đến ngày 08/11/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an mới tiếp nhận Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về một số sai phạm trong quá trình xây dựng Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyeste Đình Vũ (ông Vũ Đình Duy là Phó Tổng giám đốc, phụ trách dự án từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2014).
"Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ làm rõ các sai phạm tại PVTex và cá nhân ông Vũ Đình Duy để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật", bộ Công an cho biết.
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Bởi trong 10 năm từ 2007-2016, ông Trịnh Xuân Thanh đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng với nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Năm 2017, Trịnh Xuân Thanh được điều về làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC. Năm 2013, PVC rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng có nguy cơ mất vốn, Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng bộ Công Thương. Năm 2014, Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm làm Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp bộ Công Thương và được luân chuyển về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng năm này, được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011-2016) vào năm 2015.
Đến tháng 6/2016, Trịnh Xuân Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bị dư luận phản ứng vì dùng xe sang Lexus gắn biển số xanh. Từ đây, những sai phạm của Trịnh Xuân Thanh dần hé lộ. Trịnh Xuân Thanh bị Quốc hội xem xét không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội, bị Ban Bí thư ra Quyết định khai trừ đảng, bị khởi tố vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố, Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài sau khi xin phép nghỉ 1 tháng đi chữa bệnh. Do đó, ngày 16/9/2016, bộ Công an đã phát đi thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.
Dương Thu