Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận: “Đây là bản án thứ hai có mức án tù chung thân đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ở vụ án này, các bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản. Tôi cho rằng, khi xét xử, tòa đã cân nhắc tất cả các yếu tố, tình tiết buộc tội và gỡ tội.
HĐXX rất công tâm, xét đến các tình tiết giảm nhẹ. Việc trả lại số tiền tham ô, khắc phục hậu quả của các bị cáo cũng là một tình tiết mà tòa xem xét để giảm hình phạt. Điều đó cho thấy sự khách quan, công tâm của HĐXX”.
“Tại phiên tòa, Viện kiểm sát và luật sư tranh tụng rất sôi nổi, bình đẳng. HĐXX đã rất quan tâm, lắng nghe những ý kiến, những luận cứ mà luật sư đưa ra để gỡ tội cho Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Nhưng tòa cũng cân nhắc, căn cứ vào Bộ Luật Hình sự mà quyết định mức án đối với Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Chứ không phải những luận cứ mà luật sư đưa ra thì HĐXX bác hết đâu.
Những luận cứ được đưa ra một cách khách quan, hợp lý đã được HĐXX rất ghi nhận. Còn những luận cứ đưa ra nhằm làm nhẹ tội cho các bị cáo mà không khách quan, bao che, bênh vực thì HĐXX không chấp nhận. Tòa đã ra một bản án nghiêm khắc nhưng lại có tính nhân văn. Phiên tòa diễn ra đúng với tinh thần cải cách tư pháp”, Đại biểu Hòa phân tích thêm.
Cũng theo Đại biểu Phạm Văn Hòa: “Có thể thấy, vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm Tham ô tài sản là vụ án rất nghiêm trọng, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Lúc Trịnh Xuân Thanh còn đương chức, có quyền hành trong tay, coi tiền của Nhà nước như tiền cá nhân, coi thường pháp luật, khiến dư luận bức xúc. Tôi cho rằng, 2 bản án chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh là công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội đối với một cán bộ thái hóa biến chất”.
Vị Đại biểu Quốc hội chia sẻ thêm: “Vụ án được đưa ra xét xử kịp thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người có ý định xâm phạm tài sản của Nhà nước và thực hiện hành vi tham nhũng. Kết quả xét xử vụ án tạo được dư luận tốt, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đem lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Và cũng cần nói thêm, các cơ quan chức năng phải tiếp tục quyết tâm thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước do lỗi cố ý làm trái mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm gây ra, thì người dân mới vừa lòng”.
Trước đó, ngày 5/2, TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản, xảy ra tại công ty cổ phần Bất động sản dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Theo bản án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) phải chịu hình phạt tù chung thân. Tổng hợp với bản án tù chung thân bị cáo Thanh đã nhận trong vụ án trước đó, hình phạt chung mà bị cáo Thanh phải chấp hành là tù chung thân.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà: 9 năm tù.
Bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVPLand: 16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng Giám đốc PVPLand: 13 năm tù.
Bị cáo Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT công ty Minh Ngân: 8 năm tù. Tổng hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, hình phạt chung bị cáo Bình phải chấp hành là tù chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Kế toán trưởng công ty Minh Ngân và công ty xây dựng 1-5: 6 năm tù. Tổng hợp hình phạt với bản án lừa đảo trước đó là chung thân, hình phạt chung bị cáo Thoa phải chấp hành là tù chung thân.
Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy: 10 năm tù.
Bị cáo Thái Kiều Hương, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Vietsan: 10 năm tù.