Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn khi chuẩn bị khởi tố, đâu là giải pháp?

Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn khi chuẩn bị khởi tố, đâu là giải pháp?

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 7, 18/11/2017 12:24

ĐBQH Lê Thị Nga chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình việc, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn ra nước ngoài ngay thời điểm chuẩn bị khởi tố cho thấy hạn chế trong công tác điều tra, truy tố, thi hành án các vụ tham nhũng kinh tế lớn.

Xã hội - Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn khi chuẩn bị khởi tố, đâu là giải pháp?

ĐBQH Lê Thị Nga. (Ảnh: Quochoi.vn).

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sáng 18/11, ĐBQH Lê Thị Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Thái  Nguyên) quan tâm đến công tác xét xử, điều tra, truy tố, thi hành án các vụ án tham nhũng kinh tế lớn mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh những thành tích, ĐBQH Lê Thị Nga nêu ra 4 vấn đề hạn chế lớn trong loại án này như: Việc xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố xét xử. “Có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc”, bà Nga dẫn dụ.

Cũng theo lời bà Nga, đáng lưu ý, có những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chuẩn bị khởi tố. Trường hợp Dương Chí Dũng trước đây, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy mới đây là những ví dụ điển hình. Tỉ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là những vụ án do cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra và viện Kiểm sát Tối cao kiểm sát điều tra (năm 2017, tỉ lệ này là 71,1%).

Có những vụ, kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được đồng tình cao của dư luận, nhất là xác định tội danh, có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội về kinh tế ngay ở giai đoạn điều tra, nhất là chuyển từ tội Tham ô sang tội Cố ý làm trái. Việc thi hành án thu hồi tài sản về tham nhũng rất thấp.

“Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Chánh án TANDTC, Viện trưởng viện KSNDTC, Bộ trưởng bộ Công an và Bộ trưởng bộ Tư pháp cho biết: Tình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân gì? Trách nhiệm và giải pháp thời gian tới?”, ĐBQH Lê Thị Nga đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời nội dung này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, các vụ án có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, khi xét xử căn cứ trên các quy định của pháp luật đã trả nhiều vụ án để điều tra lại.

“Việc điều tra kéo dài, thi hành án không thu hồi được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, đề nghị các Bộ trưởng giải trình thêm”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói.

Xã hội - Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn khi chuẩn bị khởi tố, đâu là giải pháp? (Hình 2).

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông cũng nêu một số nguyên nhân chủ quan, trong đó chỉ rõ năng lực của thẩm phán đối với vụ án. “Thông thường, các thẩm phán né, ngại va chạm với chính quyền, xử cũng né, bản lĩnh chưa cao. Việc này thuộc về trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của thẩm phán. Chúng tôi sẽ có chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn, rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ”, Chánh án TANDTC khẳng định.

Giơ biển tranh luận lại nội dung trả lời này, ĐBQH Lê Thị Thu Nga cho rằng: “Dường như các câu hỏi dồn dập nên Chánh án TANDTC chưa trả lời hết ý. Tôi đề nghị Chánh án trả lời rõ giải pháp nào khắc phục loại án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngay cả ở tòa án, tiến độ cũng chậm. Dấu hiệu của việc không đúng thời gian thì giải pháp thế nào?”.

“Nói về bản lĩnh của thẩm phán, Chánh án cũng đề cập đến việc thẩm phán “né”, “né tránh”, “ngại va chạm”… Đề nghị nếu có tình trạng như vậy, với những tiêu chuẩn được bổ nhiệm thẩm phán hiện nay về trình độ, bản lĩnh, phẩm chất chính trị, Chánh án phải có giải pháp gì để giải quyết?”, bà Nga hỏi thêm.

Giải trình thêm vấn đề liên quan đến ngành mình phụ trách mà ĐBQH Lê Thị Nga đã chất vấn, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm nêu một số nguyên nhân công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua chưa đạt được mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, một số vụ án điều tra còn chậm.

Theo đó, tội phạm tham nhũng có chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng, nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội gây khó khăn cho công tác phát hiện điều tra của cơ quan chức năng; các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện, có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu; hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau; đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín, cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nên công tác điều tra khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài…

“Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, cơ quan chuyên trách. Khó khăn nhất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là phát hiện. Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế, hải quan, viện kiểm sát, tòa án đẩy mạnh nghiệp vụ cơ bản, chủ động phát hiện, tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác điều tra, hạn chế điều tra kéo dài, điều tra đi, điều tra lại nhiều lần”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Cũng giải trình thêm, trả lời ĐBQH Lê Thị Nga về nội dung vụ án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ điều tra lại nhiều lần, chuyển các tội danh từ tham nhũng sang kinh tế, có yếu tố bỏ lọt tội phạm, thu hồi tài sản thấp, ĐBQH Lê Minh Trí, Viện trưởng viện KSNDTC thừa nhận: “Việc trả hồ sơ nhiều lần, trách nhiệm thuộc các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành Kiểm sát”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân trong đó có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, thời điểm phát hiện lâu, các đối tượng có chức vụ, quan hệ, quyền hạn, tác động trong quá trình điều tra vụ án...

Đặc biệt là khó khăn trong kết luận giám định tư pháp. “Riêng vụ án Phạm Công Danh giám định đến 5 lần mới có cơ sở xử lý vụ án”, ông Trí nói.

Ông Trí cũng cho rằng, vụ án kéo dài còn phụ thuộc thời gian thu thập tài liệu của các cơ quan chuyên môn, phụ thuộc thời gian, kết luận của cơ quan giám định

“Chúng tôi nghiêm túc trong trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng phải thấy thực trạng, các vụ án cần đảm bảo tiến độ, đảm bảo giải quyết triệt để từ đối tượng, hành vi phạm tội, yêu cầu thu hồi tài sản… Đó cũng là áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra và viện Kiểm sát. Ví dụ vụ Phạm Công Danh có gần 50 bị can, vụ Hà Văn Thắm có 4 tội danh, 51 bị can, hàng nghìn đối tượng có liên quan cần xác minh tại 50 tỉnh, thành phố”, Viện trưởng VKSNDTC nêu.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án TANDTC sáng nay, do là vấn đề rộng nên có nhiều câu hỏi của ĐBQH cần căn cứ thêm tài liệu sẽ được tiếp tục trả lời bằng văn bản.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.