Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn trước khi khởi tố: Chất vấn ngành tòa án là làm khó Chánh án

Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn trước khi khởi tố: Chất vấn ngành tòa án là làm khó Chánh án

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 7, 18/11/2017 13:52

Vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn ra nước ngoài trước khi khởi tố, vấn đề này chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình là làm khó Chánh án.

 

Xã hội -  Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn trước khi khởi tố: Chất vấn ngành tòa án là làm khó Chánh án

ĐB Nguyễn Bá Sơn: "Không thể chấp nhận mãi lý do chưa khởi tố vụ án nên đối tượng dễ dàng bỏ trốn".

Sáng 18/11, QH tiến hành chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Các ĐBQH, cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề án oan, số lượng đơn xin Giám đốc thẩm còn tồn đọng nhiều, án tham nhũng kinh tế chuẩn bị khởi tố thì đối tượng đã bỏ trốn...

Liên quan đến vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bên hành lang QH, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn Đà Nẵng, Ủy viên ủy ban Tư pháp của QH.

PV: Ông đánh giá ra sao về câu hỏi và phần trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình?

ĐB Nguyễn Bá Sơn: Chánh án trả lời rất bình tĩnh, thẳng thắn nhưng hơi dài. Có thể, đây là lần đầu tiên Chánh án trả lời chất vấn nên cũng muốn giải thích để cho nhân dân, cử tri hiểu. Chính vì thế, tôi cho rằng cần phải cô đọng, ngắn gọn hơn để trả lời được nhiều câu hỏi hơn.

Về các câu hỏi của ĐBQH, tôi đánh giá là thẳng thắn, trực diện, ngắn gọn, xúc tích, sát yêu cầu cuộc sống mà cử tri, người dân quan tâm, chờ đợi. Điều đó cho thấy chất lượng ĐBQH khá tốt.

PV: Thực tế, nhiều ĐBQH nêu lên vấn đề tồn đọng 10.000 đơn đề nghị Giám đốc thẩm chưa được giải quyết. Đồng nghĩa với đó, là sự chờ đợi của các đương sự. Các lý do Chánh án đưa ra đã đủ thuyết phục chưa, thưa ông?

ĐB Nguyễn Bá Sơn: Thực ra khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy tòa án nói riêng, hệ thống tư pháp nói chung thì xuất hiện việc quá tải ở cấp trên. Qua quá trình cải cách đã có những chuyển biến tích cực nhưng điều đó không có nghĩa là không có phát sinh mới. Thời hạn để gửi đơn đề nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm được nới rộng ra. Theo tôi, đó mới là nguyên nhân chính gây ra việc số lượng đơn Giám đốc thẩm gia tăng.

Một vấn đề là khi chuyển đổi bộ máy như vậy, chúng ta phải tập trung nhân lực cho cấp sơ thẩm, phải giảm ở trên. Nhưng Giám đốc thẩm lại là quyền ở trên. Chính vì thế, nó làm gia tăng số lượng đơn. Mặc dù như trình bày của Chánh án, ngành đã có những nỗ lực, cố gắng nhưng chưa thỏa mãn được yêu cầu thực tiễn.

PV: Ngoài những vấn đề vĩ mô, các ĐBQH cũng đã “truy” cụ thể về các vụ án oan. Cụ thể là vụ án oan với 3 mẹ con ở Tuần Giáo, Điện Biên. Ông đánh giá ra sao về phần trả lời của Chánh án về nội dung này?

ĐB Nguyễn Bá Sơn: Thực ra, nhiều vụ án oan gần đây, cụ thể vụ án oan của 3 mẹ con ở Tuần Giáo đã xảy ra từ lâu, trước khi cải cách tư pháp. Nói như thế, không phải là cải cách rồi sẽ không xảy ra án oan. Vì chân lý của các vụ án nằm trong giới hạn chứ không phải tuyệt đối. Dù chỉ là xác suất 1/1.000.000 nhưng án oan vẫn có thể xảy ra. Nó đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ của các cơ quan tư pháp. Đặc biệt là cánh cửa công lý, ngành tòa án phải giữ được sự công bằng.

Thậm chí, chính Chánh án TANDTC chỉ ra sự bất nhất đến khó ngờ ở hồ sơ khám nghiệm tử thi của vụ án oan ở Điện Biên Lần đầu thì hồ sơ ghi nạn nhân vỡ hộp sọ, lần thứ hai khai quật tử thi khám nghiệm thì hộp sọ nạn nhân vẫn nguyên.

Nó cho thấy có điều “không ổn” ngay từ khi khởi tố điều tra đến truy tố ban đầu. Có sự tắc trách và cả khuất tất, tìm cách né tránh khi mà cấp trên đã hủy án, yêu cầu điều tra lại nhưng bị cất đi trong tủ thời gian dài.

PV: Rõ ràng, vấn đề trách nhiệm của các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử là mấu chốt trong việc hạn chế án oan, thưa ông?

ĐB Nguyễn Bá Sơn: Đúng như vậy. Chúng ta phải làm sao mà tất cả nhân viên của hệ thống tư pháp phải biết sợ khi mắc phải sai phạm phải tìm cách khắc phục nhanh nhất. Thay vì, họ giấu giếm, trốn tránh trách nhiệm. Cho dù mặt ý thức, họ hoàn toàn biết rằng các sai phạm đó không thể giấu mãi được.

Thực ra, không phải chúng ta không có cơ chế để quản lý vấn đề này. Không thể có chuyện, vụ án trong danh mục hồ sơ, xuất hiện trong các báo cáo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý mà tại sao lại lọt. Rõ ràng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm việc này.

PV: Phiên chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nổi lên vấn đề là các vụ án tham nhũng kinh tế lớn chuẩn bị được khởi tố, đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài. Cụ thể như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… không thể chấp nhận, thưa ông?

ĐB Nguyễn Bá Sơn: Tôi cho rằng, vấn đề này chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình là làm khó Chánh án. Vì vấn đề đó không thuộc phạm vi quản lý điều hành, kể cả về mặt hành chính, chuyên môn. Hiện tượng đối tượng bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nó thuộc về phạm vi quản lý hành chính, đảm bảo về an ninh, trật tự xã hội.

Một phần không nhỏ của tình trạng này là do các quy định của chúng ta chưa thật kín kẽ. Làm sao mà các đối tượng đã được đưa vào vòng nghi vấn lại dễ dàng đi ra khỏi cửa khẩu như vậy. Chúng ta không thể chấp nhận mãi câu trả lời vì chưa khởi tố nên không thể làm gì được. Nhân dân, Quốc hội chắc chắn không chấp nhận điều này.

Vì thế, trong lĩnh vực quản lý hành chính cần phải có chấn chỉnh, bổ sung để phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đỗ Thơm (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.