Theo thông tin từ Tổ công tác của Bộ Công Thương sau buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), ông Vũ Đình Duy, thành viên trong Hội đồng Thành viên của Vinachem đã vắng mặt 8/17 cuộc họp. Và, khi dư luận đang ồn ào về sự thua lỗ của PVtex (đơn vị ông Vũ Đình Duy từng làm Tổng Giám đốc trước khi chuyển công tác - PV), ông Duy được cho là không thể liên lạc được vì “xin ra nước ngoài chữa bệnh” (!?). Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa luật để ngăn chặn các trường hợp tái diễn.
Bên hành lang QH, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá sao về việc ông Vũ Đình Duy “mất tích” và có thể đã ở nước ngoài khi các lùm xùm về thua lỗ của PVtex đang được thanh, kiểm tra?
Có hai vấn đề ở đây. Một là quyền đi lại, di chuyển của người ta. Đó là quyền chính đáng. Khi một cán bộ xin phép đi chữa bệnh hay xin nghỉ là thẩm quyền của cơ quan quản lý trực tiếp, và trong trường hợp này là Tập đoàn Hóa chất. Cơ quan xuất nhập cảnh không có quyền giữ người, cấm xuất cảnh với các trường hợp chưa vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong sự việc này, cơ quan quản lý trực tiếp cũng cần phải xem xét trách nhiệm khi để “lọt” người đang cần thiết phải có sự hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh.
Kết quả làm việc của Bộ Công Thương cho thấy, từ khi ông Vũ Đình Duy nhận nhiệm vụ tại Vinachem, ông này vắng mặt 8/17 cuộc họp của Tập đoàn. Việc này cho thấy ông Duy không chấp hành tốt kỷ luật cơ quan. Nhưng dường như mọi việc không được xem xét từ đầu?
Tôi cho rằng, chúng ta phải có thái độ kiên quyết trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt với trường hợp ông Vũ Đình Duy là cán bộ lãnh đạo. Không thể để một cán bộ, đặc biệt là cán bộ giữ vị trí cao, trọng trách lớn như thế mà kỷ luật kém, không nêu gương.
Công tác cán bộ như thế là lỏng lẻo. Và cơ quan chủ quản thiếu trách nhiệm trong quản lý cán bộ. Việc người ta ra nước ngoài là khía cạnh của công tác cán bộ và cần phải xác định trách nhiệm rõ ràng.
Ông nghĩ sao về trường hợp ông Vũ Đình Duy hay Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ đi chữa bệnh, dù cơ quan quản lý không chấp thuận nhưng vẫn đi?
Đương nhiên, chưa được chấp thuận mà vẫn đi là vi phạm. Nhưng, phần nào có trách nhiệm về việc theo dõi cán bộ. Họ nghỉ ở nhà, đi đâu không biết, họ là cán bộ mà bỏ nhiệm sở, vậy ai là người điều hành công việc của họ?
Trước thực tế việc ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy “mất tích” và có thể đã ở nước ngoài, có ý kiến đề nghị sửa luật để không tái diễn tình trạng trên. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Đúng là có cái khó, trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy, theo luật hiện hành, khi chưa có quyết định khởi tố thì các cá nhân đều có quyền tự do đi lại và không bị cấm xuất cảnh.
Chính vì thế, muốn không tái diễn những trường hợp như trên thì cần sửa luật và bổ sung quy định, với những cá nhân có “dấu hiệu nghi vấn” vi phạm pháp luật thì phải đưa ngay vào diện hạn chế xuất cảnh, hạn chế đi lại.
Với các trường hợp cụ thể như ông Vũ Đình Duy, chúng ta đã đưa vào diện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, lẽ ra trong trường hợp đó, cơ quan quản lý trực tiếp phải có kế hoạch rõ.
Nếu có ý kiến ĐBQH nào đề nghị sửa luật để quản lý chặt chẽ cán bộ hơn không tái diễn các trường hợp tương tự, tôi rất ủng hộ. Vì, không thể để tình trạng quản lý lỏng lẻo, sơ hở, để những người làm thất thoát dễ dàng chuyển tài khoản, di chuyển ra nước ngoài dễ dàng như vậy. Bởi sau đó, chúng ta phải tốn kém rất nhiều tiền của, công sức để truy tìm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm – Dương Thu