Trò chuyện cùng nữ quái chuyên “bay” đêm

Trò chuyện cùng nữ quái chuyên “bay” đêm

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Chúng tôi tìm gặp Phạm Thị Thu D (SN 1983), một cô gái trước kia nổi tiếng ăn chơi và nghiện ma túy nặng ở TP.HCM. Trước đây, D xem những chuyến “bay đêm” và những tờ bạc xanh đỏ là mục tiêu sống.

Những tưởng rằng, thân xác cô sẽ tàn úa sau những chuyến “bay” thâu đêm suốt sáng. Nhưng mới gặp, chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên bởi cô trẻ hơn so với tuổi thật của mình. Nói chuyện với D, chúng tôi cảm nhận được nét hồn nhiên, vui tươi vẫn còn thấp thoáng đâu đó, nơi chất chứa bản chất thực sự của cô. Chúng tôi nghĩ nếu không phải vì dòng đời xô đẩy thì giờ đây D hoàn toàn có thể hạnh phúc như bất kỳ người con gái nào. Dẫu vậy, tiếng thở dài của D như một lời than vãn trước thực tại phũ phàng. Tương lai ngày mai có mở rộng chào đón cô gái từng sa lầy vào vũng bùn ma túy, với chiến tích một thời ăn chơi lẫy lừng, một thời khiến giới giang hồ nể nang.

Pháp luật - Trò chuyện cùng nữ quái chuyên “bay” đêm

Hiểu hơn ai hết giá trị những giây phút được sống

Từ cô gái nghèo trở thành con nghiện

Thuở mới lớn, nhìn D khá xinh đẹp và duyên dáng. Nét xuân thì chớm nở, cô khiến bao chàng trai phải thương thầm nhớ trộm. Nhưng ở đời là thế, người ta nói hồng nhan thì bạc mệnh. Chính cuộc sống khốn khó của gia đình đẩy D đến bờ vực tối tăm và bất hạnh. Cha chạy xe ôm, mẹ bán trái cây ngoài chợ, hàng ngày D phải chăm sóc ba đứa em thơ dại.

Càng lớn, cô gái trẻ càng cảm thấu được cái đói, cái nghèo. Nhà chưa đủ cái ăn nói gì đến đóng tiền học phí. Có những lúc nhà cô thiếu ăn đến nỗi phải đi vay gạo của hàng xóm để nấu cháo cho đứa em nhỏ khóc ròng vì đói. Đưa ánh mắt nhìn về xa xôi, D chua chát: “Chứng kiến hoàn cảnh của gia đình như vậy, em dằn vặt lắm. Em quyết tâm phải làm một cái gì đó để đỡ đần cho gia đình”.

Khi bạn bè hân hoan bước vào ngôi trường cấp 3 thì cũng là lúc D quyết định nghỉ học để đỡ đần cha mẹ. Dù đau lòng nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ cô đành ngậm ngùi nhìn đứa con sớm phải thất học. Ước mơ làm bác sĩ của cô coi như chấm hết. Nuốt nước mắt vào lòng, D dấn thân vào đời từ đó. Càng bươn chải D càng thấu hiểu sự khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh. Có tuổi trẻ và nhan sắc, cô đi làm tiếp thị ở một nhà hàng bán bia, karaoke.

Sự cạnh tranh khốc liệt, giành giật từng đồng tiền “bo” làm D choáng váng. Từ cô gái ngoan hiền D trở nên gan lì, bất chấp để tồn tại. D tập cho mình phải uống được bia rượu để tiếp khách. Hầu như ngày nào cô cũng nôn thốc nôn tháo mà vẫn phải cố tỉnh để trở lại bàn nhậu. Nói chuyện với chúng tôi, D kể lại với vẻ ngao ngán: “Khách luôn bắt mình phải uống. Càng uống nhiều thì tiền bo càng lớn. Lúc đầu còn ngại ngần, sau thành quen, chuyên nghiệp. So với các gái tiếp bia khác trong quán, em nổi bật hơn nên luôn được chú ý”. Đó là lý do tiền “bo” của D rủng rỉnh, cao hơn những ả tiếp viên khác. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà cô bị người khác ghen ghét. Họ luôn tỏ ra đố kị và sẵn sàng hạ bệ D bất cứ lúc nào.

Để trả thù họ kéo D vào vũng bùn tối tăm, ngập lặn trong mớ rong rêu dày đặc của ma túy, các nữ tiếp viên dẫn dụ cô vào con đường ma túy. D kể, có một chị nói với em rằng: “Em thử chơi một lần đi, cảm giác lên tiên lạ lắm. Em hít vào người sẽ cảm thấy khoan khoái, cứ như ở cõi bồng lai tiên cảnh”. Lúc đầu D từ chối vì sợ nhưng vẫn tò mò muốn biết vật phẩm màu trắng mà một số người vẫn gọi là “món quà đặc biệt” từ “thượng đế” là gì. Trong một lần say sưa, D không làm chủ được bản thân và nếm trải sự kỳ diệu của làn khói phiêu diêu mà nàng tiên nâu đem lại. Ngất ngây và tê tái đến hồn xiêu phách lạc, cô gái nghèo không hề hay biết mình đang hiến mình cho tử thần.

Pháp luật - Trò chuyện cùng nữ quái chuyên “bay” đêm (Hình 2).

Phép màu kỳ diệu

Cái chết trắng biến D từ một cô gái trẻ xinh xắn và trong sáng trở thành một con nghiện cuồng dại. Nếu lúc trước D kiếm được bao nhiêu tiền đều đưa về cho gia đình thì nay cô dâng hết cho ma túy. Thay vì trở về nhà ngủ để lấy sức thì giờ đây, sau khi tan ca cô leo lên xe cùng đám bạn đi “bay”. Trong nước mắt, D nhớ lại quãng thời gian đen tối trước kia: “Em trở nên hư hỏng, tuột dốc không phanh. Tệ hại đến mức khi nhìn vào gương, em quên mất ngày xưa mình đã từng như thế nào”.

D lẳng lặng lấy tay ôm mặt, thay lời muốn nói về nỗi nuối tiếc muộn màng. Thời gian lúc mới đến làm ở nhà hàng, D sượng sùng trước những cử chỉ đụng chạm, vuốt ve của khách nam thì giờ D vồn vã, mơn trớn để khách “bo” nhiều hơn. Khách cố tình nhét tiền vào chỗ nhạy cảm, mặt cô vẫn trơ như đá.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, trong một lần đi “bay”, D bị bắt và được đưa về Trung tâm giáo dục lao động xã hội Đức Hạnh. Biến cố đột nhiên xảy ra công với bị cùm chân khiến D thất thần và cay đắng. Nhưng chính tại nơi đây, D dần bình tĩnh, phấn đấu trở về với vòng tay của gia đình. Lần đầu tiên trong cuộc đời D đã biết đến cảm giác được yêu. Một chàng trai cũng có hoàn cảnh không khác mấy với D. Anh cũng lún vào vũng bùn ma túy.

Sau những lần tiếp xúc, cái tình cứ len lén trao nhau nhẹ nhàng qua từng ánh mắt, nụ cười, e ấp như đôi lứa chớm yêu tuổi trăng tròn. D e ấp thú nhận: “Anh ấy tên Long chị ạ. Mặc dù anh ấy không đẹp trai quyến rũ, hào hoa như trông đợi nhưng em vẫn yêu anh ấy thật lòng. Có lẽ giữa chúng em có một sự đồng cảm đặc biệt nào đó”.

Sau khi ra trại, D và Long tổ chức lễ cưới trong sự vui mừng của làng xóm. Tuy nhiên, chỉ một năm sau ngày cưới, D trở thành góa phụ. Căn bệnh HIV/AIDS đã cướp mất người chồng yêu thương của cô. Đau khổ cùng cực, D lao vào ma túy như con thiêu thân hiến mình cho cái chết. Bởi, người mà cô yêu thương nhất đã bị HIV cướp đi mất. Ngày này qua ngày khác, D nghĩ rằng sợi dây gắn kết sự sống của mình không còn bao lâu nữa. Cô nhắm mắt chờ tử thần lê lưỡi hái đến đón mình. Một lần nữa, D lại bị bắt khi đang ngập ngụa trong ma túy và được đưa lên trung tâm giáo dục lao động, bảo trợ xã hội Phú Văn, Bình Phước.

Sự yên tĩnh của nơi núi rừng khiến D bình tâm trở lại. Người ta giới thiệu cô đi xét nghiệm máu để xem bệnh trạng của D đến giai đoạn nào. Điều ngạc nhiên là D không bị nhiễm HIV. Xét nghiệm tới lần thứ ba vẫn cho kết quả là âm tính. Cô lảng vảng suy tư về phép màu kì diệu. Một năm chung sống, sinh hoạt vợ chồng với người bị nhiễm HIV, chuyện D không bị lây bệnh là điều không thể. Thế nhưng cái sự kỳ diệu đó lại xảy ra. Nói đến đây, nước mắt D tuôn rơi: “Em nhớ anh ấy lắm chị ạ. Nhưng em vẫn còn gia đình, người thân đang đợi ở nhà. Em sẽ sử dụng điều mà ông trời đã thương và trao tặng bằng cách sống thật tốt để làm lại cuộc đời”. Có lẽ lúc này, D hiểu hơn ai hết giá trị của cuộc sống. Ai biết được mai kia, tôi sẽ gặp D trên đường với một con người hoàn toàn khác bây giờ.

Bi kịch chồng bi kịch

Trước những tình cảm chân thành mà D dành cho, Long hứa hẹn khi hai đứa rời trung tâm sẽ tổ chức đám cưới. Cô gái trẻ mấp máy môi gật đầu, ngả vào vòm ngực của người yêu. Cô cảm thấy ấm áp lạ thường. Tới ngày lễ vu quy, gia đình nhà trai mang trầu cau qua hỏi cưới, ai cũng mong muốn đôi trẻ cùng cảnh ngộ sẽ tựa vào nhau để làm lại cuộc đời. Rạng rỡ khoác áo cô dâu, D bước lên xe đi về nhà chồng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Thế nhưng, D đâu có ngờ đó cũng là lúc cô bước vào một bi kịch khác của cuộc đời mình.

Chưa kịp có với nhau đứa con thì bất ngờ một ngày, tình cờ D phát hiện người chồng mà mình hết mực yêu thương, tin tưởng đang mang trong mình vi rút HIV. D sụp đổ hoàn toàn trước cú sốc này. Chồng cô hốt hoảng quỳ xuống cầu mong vợ tha thứ. Anh ta nói vì cứ ngỡ rằng D cũng bị bệnh như mình nên mới xin cưới. Khi mọi chuyện vỡ lở thì cũng đã quá muộn, D đành cắn răng chấp nhận số phận như một sự an bài của định mệnh. Cô dồn sức chăm sóc chồng đến ngày anh nhắm nhắm xuôi tay.

Hiền My


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.