Nhọc nhằn đời "gạo chợ nước sông"
Dọc theo các tuyến kênh khu vực TP.HCM, nhiều ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây neo đậu buôn bán tấp nập. Trên ghe, những gương mặt thương hồ đậm màu nắng, gió như không quen với nhịp sống thị thành. Sau những lần cất hàng hóa lên bờ cho khách xong, họ vội trở xuống ghe, tiếp tục rao bán cho hết số hàng còn lại để kịp con nước dời ghe. "Mỗi chuyến, tui ở đây bán từ 3 đến 5 ngày, hết hàng thì về quê gom, đầy ghe thì quay trở lên. Cũng có khi phải neo ghe lại bến cả tuần hoặc chục ngày vì buôn bán ế ẩm hay mưa bão. Nói chung cũng không biết chừng", ông Trần Văn Rê (ngụ bến Phú Định, Q.8, TP.HCM) cho biết.
Thương hồ chở trái cây từ miền Tây lên TP.HCM buôn bán.
Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước (Trà Vinh) và theo ghe gia đình đi khắp "Nam Kỳ lục tỉnh" từ nhỏ nên ông Rê thấu hiểu nỗi cơ cực của những thương hồ sống đời "gạo chợ nước sông". Với ông, đây là một nghề "ít may nhiều rủi". Những tháng ngày sống trên sông nước lênh đênh, lấy ghe làm nhà có biết bao nguy hiểm chực chờ. Ông tâm sự: "Đi trên sông, sóng gió biết đâu mà lường trước. Sợ nhất là cảnh đêm hôm khuya khoắt gặp mưa bão. Trời tối khó dò đường, không tìm được chỗ neo là chìm ghe như chơi. Chưa kể mấy khúc sông người ta giăng lưới, đóng đáy nhiều không khéo vướng lưới hay va vào cọc đáy cũng chết".
Trót theo nghiệp ghe thuyền, bắt buộc các thương hồ phải am hiểu về đường đi nước bước trên sông và có khả năng phán đoán thời tiết như một lẽ tất yếu để sinh tồn. Đó là kinh nghiệm mà họ tiếp thu từ truyền thống đi ghe của gia đình hoặc cũng có người từng gặp sự cố nhiều lần rồi trở nên già dặn. Nhớ lại tai nạn lúc mới chập chững bước chân vào nghề, anh Huỳnh Công Hậu (quê Cần Thơ) không giấu được nỗi xót xa: "Khoảng chục năm về trước, tui ngon lành lắm, chứ đâu phải như bây giờ. Hồi đó, tui đi chở lúa mướn cho mấy vựa ở Cần Thơ, kiếm ăn cũng được. Nhưng xui rủi bị chìm ghe ở khúc sông Mỹ Thuận. Hồi đó tui cũng liều. trời giông gió dữ dằn lắm mà không chịu neo, thấy ghe mình lớn tưởng không sao. Cũng may mà tui cho ghe chạy gần bờ người ta cứu kịp chứ không là bây giờ đâu còn ngồi đây".
Đặt chân xuống ghe của bà Nguyễn Thị Thu Ba (quê Vĩnh Long) trong lúc bà đang loay hoay đếm chuối giao cho khách hàng. Tuy bận bịu nhưng trên môi bà lúc nào cũng cười tươi. Cả gia đình bà (bốn người) đều sống trên ghe. Hơn 20 năm sống đời trôi nổi là cũng ngần ấy năm bà kề vai sát cánh bên chồng chia sẻ ngọt bùi. Trong những chuyến vượt sông xuyên ngày đêm, ngoài việc lo cơm nước cho gia đình bà còn thay chồng đảm nhiệm vai trò "rường cột" lèo lái ngôi nhà ghe.
"Ban đêm thì ông xã với thằng con trai lớn của tui thay phiên nhau cầm lái. Còn ban ngày lo cơm nước xong, tui cũng lên thay ca cho hai cha con ổng đi ngủ. Ghe chở hàng nhiều phải chạy ngày, chạy đêm chứ đâu có ngừng lại được. Đợi thằng út của tui lớn cũng tập cho nó lái ghe, chắc tới chừng đó tui mới không cầm lái nữa, coi bộ cũng còn lâu à nghen", bà vui cười thổ lộ.
Bà Nguyễn Thị Thu Ba nữ thương hồ quê Vĩnh Long.
Trọn đời vương nợ sông nước
Buổi chiều, bến Bình Đông (Q.8, TP. HCM) trở nên lặng lẽ. Vài chiếc ghe cũ kỹ được che đậy bằng đủ thứ bao bì đang dần rách nát theo thời gian. Đó là mái ấm của một số thương hồ khi dừng bước lênh đênh. Tuy không còn đi khắp đó đây buôn bán như thời còn trai trẻ nhưng ông Sáu Thảnh (quê Cái Bè, Tiền Giang) vẫn "cố thủ" ở bến sông. Công việc chủ yếu của ông là bán trái cây phụ giúp người con trai lớn cũng nối nghiệp thương hồ. "Vợ chồng thằng con lớn của tui cũng xuôi ghe về mấy tỉnh miền Tây mua trái cây lên đây san lại cho mấy mối lớn. Chuyến nào nhiều, người ta lấy không hết, nó để tui "bán manh" (bán lẻ) để có đồng bạc ra vào. Tui giờ già cả biết làm gì ra tiền. Còn về quê thì lấy gì ăn", ông Sáu chia sẻ.
Thấm thía nỗi nhọc nhằn của đời sống thương hồ, ông Huỳnh Văn Lân (bến Phú Định) quyết không cho con cái theo nghề. Ông có hai người con, một người là thợ sửa xe ở gần đó; còn một người đang làm công nhân trong công ty giày da (Q.7, TP.HCM) mỗi tuần mới về thăm gia đình trên ngôi nhà ghe một lần. Theo ông Lân, cuộc sống trên ghe khá vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Nhất là nước sinh hoạt phải mua lại từ những người trên bờ. Gia đình ông phải tiết kiệm từng giọt nước để giảm bớt chi phí. "Ở đây đâu có xài nước sông như ở miền Tây được. Hằng ngày tôi đổi 20 lít nước giếng để nấu ăn. Còn tắm giặt thì nhờ nhà người quen. Tôi là người gốc thành phố chứ đâu. Lập gia đình xong thì theo ghe buôn bán. Đương thời, tôi cũng dành dụm được chút đỉnh. Nhưng không có nghề nghiệp làm sao dám buông ghe lên bờ. Trôi nổi cả đời, làm ăn lúc lên, lúc xuống, rốt cuộc cũng trắng tay. Tài sản duy nhất của tôi là xác chiếc ghe này, giờ làm nhà che mưa, che nắng", giọng trầm buồn, ông Sáu tâm sự.
Gần 10 năm "định cư" ở bến sông, ông Sáu không nhớ nổi đã di chuyển chỗ ở bao nhiêu lần. Sau mỗi đợt tuần tra của lực lượng chức năng tại địa phương, gia đình ông đều chuyển đi nơi khác để làm ăn, nhưng cũng chỉ quanh quẩn trên các bến sông khu vực TP.HCM. "Hồi trước ở đây đông lắm, mấy ông dân phòng làm căng quá nên họ chuyển đi hết. Có lần tôi bị mấy ổng rút đòn dài (cầu để bắt từ ghe lên bờ) đem về phường. Tôi phải lên đóng phạt để chuộc về", ông Sáu nhớ lại.
Niềm vui không trọn vẹn Anh Huỳnh Công Hậu có một đứa con trai duy nhất đang học lớp 8. Quanh năm, anh sống trên ghe buôn bán nên gửi con cho người quen để con anh có điều kiện đến trường. Thấy con cái chăm ngoan học hành, anh vừa vui mừng vừa lo lắng. "Con trai tui học hành cũng ra trò lắm. Năm nào, nó cũng đạt loại giỏi. Với cái đà này, vài năm nữa chắc tui cũng tính tới chuyện lên bờ để lo cho con ăn học. Nghĩ mà lo. Giờ đất đai mua đâu có dễ. Nhiều lúc, tui mong cho nó ở lại lớp để bắt nó theo ghe cho rồi", anh tâm sự. |
Vinh Điền