Trò chuyện với 'trái tim' đầy nhiệt huyết yêu đương

Trò chuyện với 'trái tim' đầy nhiệt huyết yêu đương

Thứ 5, 14/02/2013 17:09

Cuộc hẹn hò của chúng tôi diễn ra trong một buổi sáng chớm đông giữa lòng Hà Nội. Lần nào cũng thế, Phú Quang luôn xuất hiện trước đám đông bằng một vẻ lịch lãm, trẻ trung, sành điệu hơn nhiều so với tuổi.

Anh tự nhận mình không thuộc bất kì một bộ tứ hay bộ tam nào cũng đúng. Vì một lẽ, âm nhạc của Phú Quang đã trở thành một địa hạt riêng, một chuẩn mực riêng về tình ca, về Hà Nội, về những nỗi nhớ khuất lấp dưới đáy tâm hồn. Âm nhạc của Phú Quang lãng mạn  và sâu sắc, nhẹ nhàng và tinh tế, man mác và ngọt ngào.

Dễ thấy một cái tôi cô đơn đến khắc khoải trong những sáng tác của anh. Nhưng Phú Quang cô đơn trong hạnh phúc, trong những trầm mặc đan xen của ký ức đẹp đẽ. Những cung bậc ấy chỉ có thể là cảm xúc của những tâm hồn và trái tim đầy nhiệt huyết yêu đương.

Người không thương thì trời mới thương

Từ cổ chí kim, dễ hiểu vì sao đàn ông vẫn luôn thích được lấy vợ trẻ. Tôi nghĩ rằng, sự trẻ trung hiếm có của anh đến từ sự may mắn vì lúc nào cũng có một người đàn bà trẻ bên cạnh?

Không hẳn thế đâu. Tôi vốn dĩ là người bị thần chết dọa nhiều lần rồi. Nếu ai đó từng phải nếm trải cái cảm giác đứng ở ngưỡng cửa giữa sự sống và cái chết mới hiểu cảm giác thế nào. Tôi đã từng như thế đấy, nên bây giờ cũng chẳng sợ nữa.

Nhưng lí do chủ yếu là tôi tập Yoga nhiều. Mỗi ngày tôi chỉ 15-20 phút thôi nhưng rất đều đặn. Xét đến cùng thì có lẽ là nhờ được trời thương. Người không thương thì trời mới thương. Đến Nhà nước cũng không thương vì bây giờ, tôi cũng chẳng có chế độ gì cả.

Nhưng sống và yêu một người đàn bà trẻ, hẳn là người đàn ông sẽ bị áp lực?

Tôi luôn quan niệm tình yêu là sự tự nguyện chứ chẳng ai bắt ép được con tim. Người ta có thể nghĩ ra rất nhiều hiềm khích nhưng chẳng ai tạo ra được sự hiềm khích trong trái tim. Trong cuộc đời mình, tôi cũng chỉ yêu những người yêu mình mà thôi. Sự mù quáng hay si tình, với tôi là những điều phù phiếm.

Điều đó chẳng giống với tâm hồn, cảm xúc của một nghệ sĩ chút nào, như xã hội xưa nay vẫn quan niệm?

Nếu người ta lấy tiêu chí đó để nói về nghệ sĩ thì có lẽ tôi là người ít tính nghệ sĩ nhất.

Một người yêu và viết hay như thế về mùa đông, không thể nói ông ta là một người ít lãng mạn được?

Mùa đông thường buồn mà, như chính cuộc đời tôi vậy. Tôi thấy mình hợp với cái vẻ ấy. Mùa đông làm người ta khép lại hơn, nó thuộc về những cái bên trong, những thứ thuộc về nội tâm, cô đơn.

Sự cô đơn của một người nghệ sĩ hẳn cũng rất thú vị?

Tôi có một bài hát như thế này: "Có những khi về qua phố, phố quá đông nhưng không thấy mặt người. Có những khi về qua phố, phố chói chang nhưng không thấy mặt trời. Chợt gặp mình cười như đá ngu ngơ... Con người ta là thế, trong cuộc đời, tôi từng thấy mình ở tận cùng cái đáy của sự cô đơn, của những lạc lõng. Thường những lúc đó, tôi lại tìm đến với tiếng đàn.

Nhân vật - Trò chuyện với 'trái tim' đầy nhiệt huyết yêu đương

Anh chỉ yêu người phụ nữ nào sẽ thuộc về mình.

Mùa đông có thực sự buồn như những biểu hiện bên ngoài của nó?

Cái buồn ấy đã tạo nên vẻ đẹp đầy thi vị cho mùa đông. Con người ta, đâu có phải cứ hò hét, ồn ào thì mới nhận ra những giá trị của cuộc sống. Mà phải là những lúc lắng lại chính là lúc ta thấy mình rõ nhất. 

Ngày Tết anh  thường làm gì?

Cũng giống như mọi người cả thôi, tôi thường dành thời gian đi chơi, thăm thú họ hàng, lên chùa xin lộc. Nhưng nói như thế thì có lẽ ngày nào với mình cũng là Tết. Thành ra, Tết với tôi không phải là một cái gì đó quá ghê gớm.

Nhưng với tuổi thơ, mỗi người đều luôn háo hức với mỗi cái Tết?

Dĩ nhiên là thế. Nhưng bên cạnh sự háo hức nhiều lúc mình nhận thấy có những điều đã trở thành thói quen nhưng lại không thật, thậm chí khó coi trong ngày Tết. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã nhận ra những điều giả dối như thế rồi. Bởi rõ ràng có nhiều người ngày bình thường chẳng bao giờ thấy đến nhà chơi, cũng chẳng bao giờ hỏi thăm gì đến bố mẹ mình. Nhưng ngày Tết lại đến chúc tụng, tay bắt mặt mừng một cách ồn ã, giả tạo. 13 tuổi, tôi cảm thấy những điều đó là vô nghĩa. Năm đó, tôi đã viết một đôi câu đối: "Ngõ lầy lội, đường trơ xác pháo. Nhà hương tàn, tơi tả đào rơi”, rồi treo ngay ngắn nơi góc bàn học của mình. Bố tôi quát ầm lên ngay khi nhìn thấy chúng, rồi buông tiếng thở dài: "Khẩu khí thế này thì chỉ có khổ suốt đời thôi con ạ”. Có thể lời nói của ông cụ đã vận vào tôi chăng?

Tôi không có sáng tác “bầy đàn”

Với anh, cái Tết xưa và nay khác nhau nhiều không?

Ngày xưa ai chẳng ao ước ngày Tết. Vì thời đó, chúng ta đói khổ hơn, trẻ con thường thích Tết là để được ăn uống no say, được tiền mừng tuổi, được nổ pháo. Bây giờ thì Tết đã mất đi sự thiêng liêng vốn có. Thay vì mong đợi, người ta đã xem thường và coi nhẹ nó rồi.

 Hoa đào, hoa mai được xem là biểu tượng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nhưng loài Sen lại được xưng tụng là Quốc hoa, anh có quan tâm đến điều này?

Tôi lại chẳng thích thú lắm với mấy cái thứ Quốc hoa hay Quốc tửu. Dĩ nhiên là mình luôn quan tâm đến đất nước, nhưng là quan tâm đến những vấn đề thiết thực, mong muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo tôi, việc tổ chức quá nhiều lễ hội trong lúc này là xa xỉ. Trong khi xã hội ta còn đang đầy rẫy những khó khăn, đầy rẫy các vấn nạn mà các tỉnh, các địa phương lại đua nhau tổ chức các lễ hội là không nên. Nó không phù hợp với sự bần hàn của hiện tại.

Ngoài danh xưng là một nhạc sĩ với nhiều bản tình ca bất hủ, anh còn được biết đến với vai trò của một doanh nhân. Hai công việc này có liên quan với nhau nhiều không?

Cả hai danh xưng này đều không dành cho tôi. Thiên hạ cứ gọi tôi là này nọ rồi tung hê thế thôi. Chẳng có gì ghê gớm quá đâu. Viết nhạc với tôi chỉ là để tả ra những điều mình nghĩ trong lòng mà thôi. Danh xưng còn lại mà bạn nói càng không đúng với tôi. May mình không phải doanh nhân chứ không thì bây giờ đã chết chìm với hàng trăm người khác trong thời buổi siêu lạm phát của nền kinh tế. Thiên hạ người ta đồn thì cứ nghe thế thôi, chẳng đúng gì cả.

Nhìn lại một năm sắp sửa đi qua, anh thấy vừa lòng với bản thân mình chứ? 

Tôi làm hết sức nhưng lại chẳng vừa lòng với điều gì cả. Cũng có liveshow, cũng có những chuyến đi nhưng nếu làm lại, vẫn có cái để mình sửa chữa, thay đổi. Có rất nhiều điều tôi muốn làm nhưng chưa làm được.

Những điều đó đành phải từ biệt hay chỉ là gác lại tạm thời?

Nếu trời còn thương, còn cho sức khỏe thì tôi sẽ làm đến cùng.

Trong quan niệm của anh, chữ thành công có vẻ cầu toàn quá?

Không cầu toàn lắm đâu. Con người là thế, nếu chỉ mơ ước và thỏa mãn thì chán lắm. Mọi thứ không chỉ nối đầu này với đầu kia mà có khi cứ phải đối chọi, thù ghét nhau thì mới tạo nên sự hợp lý.

Trong bộ tứ Hà Nội không có anh, vậy anh tự xếp mình vào bộ nào?

Tôi không có sáng tác “bầy đàn”, cũng chẳng thuộc bộ tứ hay bộ tam nào cả. Ai đó xưng tụng lên những danh xưng đó hoàn toàn không hiểu gì. Và người ta cứ tự phong anh hùng cho nhau, điều đó vô tình khiến người khác hiểu sai vấn đề. Trong bộ tứ (như bạn nói) có nhiều người không biết nhạc. Nếu “mù” về âm nhạc thì không thể gọi là nhạc sĩ được.

Anh là một trong số hiếm nhạc sĩ Việt Nam duy trì được việc tổ chức live Show hàng năm. Điều đó là do khán giả yêu quý hay anh có nhiều mối quan hệ hỗ trợ?

Tôi để ý có người cả đời mới làm được một cái chương trình cho riêng mình. Tôi thì khác, năm nào cũng tổ chức và các liveshow của tôi luôn tồn tại bằng việc bán vé cho khán giả mà không phải phụ thuộc vào bất kì một nhà tài trợ nào.

Sẽ có nhiều người ngưỡng mộ và ghen tỵ với anh về điều đó đấy?

Âm nhạc của tôi, tôi biết. Ở tuổi này chẳng lẽ phải đợi người ta khen hay chê thì mới biết mình hay hay dở. Một nụ cười hay một cái bĩu môi của thiên hạ cũng không thể làm mình vui hay buồn hơn được.

Trong số những nhạc sĩ ở Việt Nam, anh yêu quý ai nhất?

Ngày xưa tôi rất quý anh Trịnh Công Sơn và ngược lại. Tôi yêu sự chân thành, dễ thương và trân trọng, tài năng của con người đó. Mặc dù, âm nhạc của anh ấy không phải là cái gì quá ghê gớm  nhưng có mấy ai có đủ cả tâm lẫn tài như thế.

Thường người ta vẫn nói sự tài hoa nào cũng đi liền với những bất hạnh?

Nỗi bất hạnh lớn nhất của anh Trịnh Công Sơn đó là một cuộc đời không đàn bà. Cái lỗi của thượng đế là quá lớn. Ông yêu nhiều nhưng lại không phải là tuýp người được phụ nữ yêu. Nhưng nếu gọi trong tình yêu, cho đi có nghĩa là nhận về thì có khi đó lại là hạnh phúc. Với tôi, anh Sơn là nhạc sĩ hàng đầu viết về ca khúc ở Việt Nam.

Đào Linh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.