Đặc biệt, thời gian gần đây, với nhiều chiêu thức tinh vi và gian xảo hơn, giới này còn nhập vai dân nghiện, nhân vật biến thái để chôm tiền rất xảo quyệt.
Nhập vai dân nghiện để lừa
Mới đây, công an Hà Nội đã bắt được rất nhiều đối tượng trộm cắp tài sản vỉa hè. Một chiến sỹ công an khu vực Đống Đa cho biết: "Thời gian gần đây, tình trạng công dân báo mất trộm cắp vỉa hè rất nhiều. Thường là những vụ mất điện thoại, dây chuyền vàng, laptop. Những nơi công cộng đông người, dễ trà trộn như bến xe buýt, cổng trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, chợ sinh viên... là địa bàn hoạt động của những đối tượng này. Vào bất cứ thời gian nào trong ngày, các đối tượng ngó nghiêng mọi hướng tìm những đối tượng lơ ngơ để tiếp cận. Những sinh viên đang đợi bạn, đợi xe buýt hay đi chợ đêm một mình… là những mục tiêu cho những đối tượng nhắm tới.
Theo sự trình báo của công dân thì đối tượng thường có các "bài" như " đang rất cần tiền... vì đang trong cơn thèm thuốc", rồi "hàng xịn vừa trộm được", hay "hàng công ty có người quen lấy",... để lừa tiền của người đi đường. Do tâm lí sợ hãi, sợ con nghiện sẽ bất chấp thủ đoạn, một số thì ham của rẻ đã bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu những đồ rởm!
Lương Thị Huyền (sinh viên năm 2 khoa Quản lí trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) trong một lần đến bến xe Mỹ Đình đón chị gái đã trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo. Đang trong lúc đợi xe vào bến, Huyền thấy một thanh niên khoảng 30 tuổi, ăn mặc trông giống như xe ôm đến gần gạ mua máy ảnh. Huyền chỉ nhìn và lắc đầu nhưng người thanh niên này không từ bỏ, mắt đảo xung quanh tiến lại gần hơn thủ thỉ: Anh là dân bốc vác, đang rất thiếu tiền mua thuốc. Hắn bảo, "cái máy này giá thực phải mấy triệu, hội anh có 6 thằng bốc vác chung nhau mãi mới lấy trộm được đang thèm thuốc nên chỉ lấy rẻ em giá 1,2 triệu đồng thôi". Huyền nói trong ví chỉ có 500 nghìn đồng, không đủ tiền mua. Không tha, gã tiếp tục nài nỉ trả thêm, cuối cùng hắn "đành chấp nhận" lấy 500 nghìn một cách nhanh chóng. Mừng vì mua được đồ rẻ, về nhà trọ Huyền vội đưa máy ra khoe với chị thì mới hay đó là một thứ đồ chơi của trẻ con, giá chỉ 20 ngàn đồng. Lúc đó Huyền mới vỡ lẽ mình bị lừa.
Tương tự vậy, chị Hạnh (làm nhân viên kinh doanh ở Đống Đa, Hà Nội) đã đến trình báo công an về hoàn cảnh rất trớ trêu. Chị cho biết, nhiều lần gặp trường hợp mồi chài kiểu này nên chị đã phòng tránh rất cẩn thận nhưng cuối cùng vẫn không thoát. Nhiều lần, khi ở viện 103 đi thăm người ốm, lúc ở bến xe buýt, lúc ở gần công ty, các đối tượng này thường lẵng nhẵng bám theo chị bằng được mời mua máy ảnh, ví da, điện thoại... Bằng nhiều bài khác nhau, thường là nhận dân nghiện thiếu tiền mua thuốc để dễ tin hàng mồi chài là thật. Một buổi chiều tối đi làm về, qua ngã tư đường Lê Văn Lương, chị Hạnh giật mình vì bị một đối tượng lạ mặt tiếp cận xin tiền.
Đường vắng, bị người lạ chặn đường chị nhanh chóng bị người này dồn vào lề đường. Gã cười rồi nhìn chằm chằm vào chị Hạnh: "Đưa anh ít tiền, bây giờ anh không muốn làm nữa mà thấy đói rồi". Không hiểu vấn đề gì xảy ra Hạnh đứng yên, nhưng khi gã này đưa tay kéo khóa quần và cười liên tục. Hạnh sợ hãi liền móc hết tiền vứt lại về phía người này và chạy. Trong khi chạy, chị Hạnh vẫn nghe người này cười lớn và bảo cô: "Chạy từ từ thôi không tuột dép". Về nhà, chị kiểm tra lại tiền mới biết mình đã móc toàn bộ 1, 6 triệu đồng cho gã biến thái kia. Nhưng ngạc nhiên hơn, được một tuần sau khi cô đi xe qua đường Nguyễn Trãi thì bắt gặp đúng đối tượng này đang quẩn quanh ở bến xe cầm chiếc điện thoại gạ người đợi xe buýt bán. Khi đó, Hạnh nhận ra mình bị đã mắc lừa phải dân lừa đảo.
Giả danh dân nghiện để xin đểu
Trường hợp mới đây nhất là hiện tượng kẻ gian nhờ người đi đường cầm đồ hộ. Đối tượng thường tiếp cận nạn nhân là sinh viên. Dung (sinh viên năm hai của trường đại học Quốc gia Hà Nội) bị một gã tầm ngoài 40 tuổi gạ gẫm. Trong khi chờ xe buýt, Dung đã bị người này kéo tay và bảo chuyển hộ một túi màu đen vào trong ngõ sâu thì sẽ cho 500.000 đồng. Người này nói thêm đang có việc rất gấp không đưa được nên mới nhờ giúp, số tiền công được nâng lên 800.000 đồng. Dung thấy số tiền lớn nên sợ hãi chạy vội vào trong trường nhưng khi vào lớp thì Dung mới tá hỏa là mình đã mất toàn bộ số tiền ăn của các bạn cùng phòng là 1,7 triệu đồng và một chiếc điện thoại. Vội chạy ra cổng trường nhưng tên trộm đã không còn tăm hơi.
Trước sự gian xảo và thủ đoạn của đạo chích đã khiến người đi đường lo ngại và đề cao cảnh giác. Nắm bắt được sự đề phòng đó những đối tượng này cũng thích ứng nhanh và ngày càng có những trò lừa bịp ma ranh hơn. Thay vì dùng những đồ vật rởm để đánh vào lòng tham của nhiều người, thời gian gần đây dân đạo chích đã chuyển hướng hành nghề.
Trong chuyến công tác về Thái Bình, phóng viên tình cờ chứng kiến hiện tượng này. Đó là tình cảnh bi hài bị trấn tiền của anh Nguyễn Anh Tuấn. Chưa hết thẫn thờ, chàng trai 30 tuổi quê ở Thái Bình kể lại câu chuyện trớ trêu vừa xảy ra với mình. Sau nhiều năm vất vả với cái cày, con trâu, anh quyết định lên Hà Nội kiếm nghề xách vữa theo lời khuyên của người anh họ. Nhưng vừa xuống bến xe Gia Lâm (Hà Nội) anh này đã bị trấn lột một cách trắng trợn.
Đang loay hoay lấy điện thoại gọi điện hỏi địa chỉ chỗ làm của người anh họ thì trước mặt anh Tuấn là một tên nhếch nhác từ quần áo đầu tóc lừ lừ tiến đến. Tên này gãi đầu, gãi cổ ngáp lên, ngáp xuống giọng lè nhè: "Này mày từ đâu đến, tao xin ít thuốc". Lần đầu tiên lên Hà Nội, anh Tuấn biết mình đã gặp nạn, lúng túng đáp: "Tôi không có" và đi nhanh. Không tha, đối tượng liền nhanh chân chặn đầu dồn anh vào góc tường:" Mày định đi đâu, tao chẳng còn sống bao lâu, chỉ cần cho tao ít thuốc cho tao chút thỏa mãn những ngày cuối đời là ok". Nói đến đó hắn rút trong túi quần ra ống kim tiêm, đầu gật gù vẻ thách thức. Trong thế bí với nguy cơ cao bị kim tiêm chọc vào người, anh đành rút ví đưa cho hắn. Tên này giật nhanh lấy toàn bộ hơn 5 triệu đồng trong ví anh Tuấn và doạ nạt: "Lần sau biết mặt anh rồi chứ" rồi lẩn nhanh vào đám đông, mất hút trước khi anh Tuấn kịp bình tĩnh lại.
"Tai nạn" phổ biến Theo nhận định của một chiến sỹ công an quận Đống Đa: "Đạo chích diễn ra tại các bến xe buýt luôn là nỗi bức xúc và ám ảnh của nhiều người. Những chiêu như lợi dụng những lúc mọi người cùng xô đẩy nhau lên xe, các đối tượng đạo chích tận dụng sơ hở của người đi xe để tấn công các túi xách, ba lô móc túi. Hiện tượng này đã trở thành những "tai nạn" phổ biến của các thượng khách xe buýt. Bằng những thủ thuật tinh vi, người bị móc túi mà không hay biết khi túi xách của mình vẫn còn y nguyên nhưng ví tiền đã không cánh mà bay”. |
B.M