Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định thành lập Tổ thanh tra để điều tra vụ đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Việc thành lập đoàn kiểm tra đã thể hiện quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc bảo vệ liêm chính học thuật. Công luận trong hơn 2 tháng qua đã ngóng trông ngày kết luận về vụ đạo văn này được công bố và xử lý nghiêm.
Sau các kỳ báo của Phụ nữ Thủ đô, cùng với gần 150 bài báo khác trên gần 30 tờ báo liên tục vạch ra những công trình đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, chỉ rõ ông Tồn đạo văn một cách có hệ thống, tinh vi, nhiều cách thức, kéo dài, mà vì sao vẫn được phong Giáo sư, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu xem xét xử lý. Được biết, Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã tìm gặp rất nhiều nhân chứng từng tham gia giải quyết vụ việc vào những năm 2002, 2006 (tức là các năm mà hồ sơ xin phong GS của ông Nguyễn Đức Tồn bị bác vì hành vi đạo văn).
Trong quá trình thẩm tra tài liệu, gặp gỡ nhân chứng và những người trong cuộc, Tổ thanh tra đã đề nghị TS Nguyễn Thúy Khanh - người mà luận án đã bị ông Nguyễn Đức Tồn bê nguyên nhiều chương đưa vào chuyên khảo và đề tài khoa học (cấp Viện) để đủ điều kiện xin phong GS - trình bày lại tường tận vụ việc.
I/ Khẳng định “ông Tồn đạo văn” của TS Nguyễn Thúy Khanh
Để rộng đường dư luận, sau đây là cốt lõi những gì TS Nguyễn Thúy Khanh gửi cho Tổ thanh tra của Bộ GD-ĐT và cũng gửi cho chúng tôi:
“Tôi là Nguyễn Thuý Khanh, sinh năm 1951, là cán bộ, nguyên Trưởng phòng Phòng Từ điển học - viện Ngôn ngữ học, nghỉ hưu năm 2008.
Để hợp tác với Thanh tra của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong việc làm sáng tỏ một số vấn đề còn nghi vấn hoặc chưa rõ ràng, liên quan đến luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật (trên tư liệu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Nga)”(bảo vệ 1996) của tôi, trong nghi vấn đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn với cuốn sách “Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt” của ông, tôi xin có một số ý kiến khẳng định quan điểm cá nhân về việc này như sau:
1. Tôi khẳng định luận án của tôi là do tôi viết:
- Cuốn luận án “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” là do tôi viết, trên cơ sở tư liệu khác hoàn toàn với luận án của ông Tồn (từ ngữ chỉ tên gọi bộ phận cơ thể người) nên không thể có sự trùng lặp.
- Tư liệu tiếng Việt và tiếng Nga, tư liệu thực nghiệm do tự tay tôi thống kê, phân tích, tổng hợp và viết bài (ông Tồn không có tư liệu này, chỉ được xem một số phiếu xử lí ban đầu của tôi và rất hài lòng, không có ý kiến gì).
- Đề cương chi tiết của luận án do tôi viết (sau khi tôi đã phân tích, xử lí xong toàn bộ phần tư liệu), sau đó có sự bổ sung, góp ý của ông Tồn với tư cách người hướng dẫn tôi (không có chuyện “viết hộ” như ông Tồn có lần nói).
2 Về ý kiến của ông Tồn: “Các tài liệu tham khảo chính của luận án trong đó có các tài liệu bằng tiếng Nga được dựa trên các tư liệu và kết quả nghiên cứu từ trước đó của ông Tồn”, tôi cho rằng đây là một cách nói rất tinh vi, nhằm mục đích mập mờ, không rõ ràng.
Ở đây cần phải nói rõ:
Với tư cách là người hướng dẫn, ông Tồn có gợi ý và cho tôi danh sách các tài liệu tham khảo, cho tôi mượn sách. Đó là chuyện bình thường giữa NHD và NCS. Vấn đề, đây là những tài liệu tiếng Nga mà tôi phải tự đọc, tự dịch, tự tổng hợp. Không liên quan gì tới việc ông Tồn cũng đọc hay cũng thu thập những quyển sách đó. Đây chỉ là một cách lèo lái để biện hộ cho việc ông Tồn chép luận án của tôi mà thôi. (Ngoài phần cơ sở lí luận chung mà ông Tồn luôn muốn bấu víu vào đó để biện luận này nọ, luận án của tôi và ông Tồn viết trên cơ sở tư liệu hoàn toàn khác nhau).
- Khi viết luận án tôi đã có hơn hai mươi năm làm từ điển và nghiên cứu từ vựng ngữ nghĩa. Sau khi cuốn từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Giải thưởng Nhà nước), chúng tôi được đi thực tập ở Nga 2 năm và được coi là những người có khả năng nghiên cứu độc lập. Vì vậy mới có chế độ bảo vệ luận án Tiến sĩ đặc cách. Tức là, trên cơ sở những nghiên cứu đã có của mình có thể phát triển lên thành luận án Tiến sĩ (thời hạn là 1 năm). Đó cũng là lí do luận án không ghi “người hướng dẫn” mà ghi “cố vấn khoa học”. Luận án của tôi có quyết định chính thức vào ngày 29 tháng 10 năm 1994 nhưng thực tế tôi đã triển khai đề tài từ năm 1993. Cụ thể là đầu năm 1994 tôi đã có 3 bài báo thuộc chương II của luận án và một bài báo đăng 1995: 1) “Đặc điểm định danh của trường tên gọi động vật tiếng Việt” đăng ở TC VHDG, số 1,1994; 2) “Đặc điểm định danh của trường tên gọi động vật tiếng Nga trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt” đăng ở TC VHDG s.2,1994; 3) “Đối chiếu ngữ nghĩa của trường tên gọi động vật tiếng Việt với tiếng Nga” Đăng ở TCNNH, s.2,1994; 4) “Một vài nhận xét về thành ngữ so sánh có tên gọi động vật tiếng Việt” đăng ở TCNNH số 3,1995. Nếu tôi nhớ không nhầm thì luận án của tôi đã được hoàn thành vào cuối năm 1995 đúng kì hạn. Tôi bảo vệ năm 1996 là do chờ các thủ tục.
3 Về bằng chứng của ông Tồn cho rằng viết hộ đề cương cho tôi, ý kiến của tôi như sau:
- Khi bàn với ông Tồn về đề cương luận án, tôi chưa bao giờ nhìn thấy tờ giấy “viết hộ” đó.
- Hơn nữa, nếu viết hộ tôi thì tờ giấy đó phải ở trong tay tôi chứ sao ông Tồn lại cầm?
Vậy, Ông Tồn đã có tính toán gì khi viết lại tờ giấy này? Có chăng, lần đầu tiên hướng dẫn nên ông cẩn thận chuẩn bị đề cương để làm việc với NCS hay vì lẽ gì? Điều này gợi lại cho tôi một điều đã từng băn khoăn, lo lắng trước đây. Khi luận án của tôi đánh máy và in lần đầu tiên, vừa ráo mực tôi đã cầm cả tập khoe ông Tồn. Rất bất ngờ, sau đó, ông Tồn cuộn lại cắp nách và mang đi luôn. Tôi kêu đã đóng tập đâu, nhưng ông Tồn chỉ cười và đi thẳng. Lúc đó tôi thoáng một cảm giác hơi lo lắng. Nhưng đành về in lại bản khác để đóng quyển. Phải chăng lúc đó ông Tồn đã có toan tính chiếm đoạt luận án của tôi? Rất may, tôi vẫn kịp bảo vệ năm 1996. Nhưng ngay sau đó ông Tồn đã đăng kí đề tài cấp Viện chuyên đề về “Đặc Trưng văn hoá dân tộc” mà không hề nói với tôi.
4 Về cuốn sách chuyên khảo “Đặc trưng văn hoá dân tộc và tư duy ngôn ngữ của người Việt” của ông Nguyễn Đức Tồn có nội dung sao chép luận văn của tôi, ý kiến của tôi như sau:
- Trước tiên tôi khẳng định: việc ông Tồn đạo văn, sao chép gần như toàn bộ luận án của tôi như kết luận của HĐCD GS ngành Ngôn ngữ học năm 2002 và như những phản ánh của báo chí gần đây, là hoàn toàn đúng.
- Việc sẽ ra chung một chuyên đề về “đặc trưng văn hoá…”, tôi và ông Tồn đã thống nhất từ khi tôi viết luận án. Vì như đã nói, mục đích các đề tài của tôi và ông Tồn, chị Thu là để dẫn đến vấn đề “đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ và tư duy của người Việt”. Trong quá trình viết, mỗi lần tôi nộp bài chuẩn bị đăng báo và cho ông Tồn xem, bao giờ ông Tồn cũng rất phấn khởi và giục tôi: “Chị viết nhanh lên rồi bảo vệ đi, Tồn với chị sẽ ra chung chuyên khảo về đặc trưng văn hoá…”.
- Như đã nói, sau khi tôi bảo vệ luận án (1996), trái với kế hoạch ban đầu, ông Tồn đã lẳng lặng một mình đăng kí đề tài cấp Viện chuyên đề về “đặc trưng văn hoá…” (không rõ chính xác năm nào, nhưng phải là sau 1996, sau khi tôi bảo vệ và nhận bằng. Với nội dung đề tài này, tất nhiên phải có luận án của tôi và luận văn của Cao Thị Thu, vì một mình luận án của ông Tồn không thể khái quát lên thành đặc trưng văn hoá của một dân tộc được. Tuy nhiên vì tế nhị, lúc đó tôi cũng im lặng cho qua. Một vài người ý tứ hỏi tôi sao không in luận án thành sách, tôi chỉ nói tránh, “tôi thấy không cần thiết”. Thực tình, tôi rất ngại đấu tranh, làm ầm ĩ. Ai làm sai thì người ấy tự thấy xấu hổ.
- Năm 2002, khi ông Tồn ra cuốn sách nói trên thì câu chuyện mới vỡ lở. Khi đưa tặng tôi hai cuốn sách ông Tồn có nói: “Tồn đang cần sách để làm Giáo sư, trong này Tồn có sử dụng luận án của chị nhưng có ghi chú đàng hoàng”. Việc ra sách mà không có tên tôi, không có ý kiến của tôi cũng có thể thông cảm. Còn việc “trích dẫn” theo kiểu bê nguyên văn gần như cả các chương của luận án của người khác vào thì ông Tồn phải chịu trách nhiệm.
- Cuốn sách này của ông Tồn đã hai lần bị Hội đồng chức danh Giáo sư không chấp nhận, đã nhiều lần bị đưa ra giải quyết trong chi bộ Viện NNH và Đảng bộ Viện KHXHVN (nay là Viện Hàn lâm KHXHVN). Những lần đó tôi không được tham dự. Và vì vậy, để biện hộ cho việc sao chép trắng trợn, lúc đó, ông Tồn đã đưa ra nhiều lí lẽ không thể chấp nhận và xúc phạm đến tôi. Quá trình đó diễn ra như sau:
- Lần đầu, Ông Tồn đã làm một phép cộng đơn giản là bê nguyên xi những luận án, luận văn mà ông hướng dẫn vào và biến thành những chương của cuốn sách (theo thống kê của những người có trách nhiệm là 6/11 chương bê nguyên xi, trong đó luận văn của tôi chiếm 3 chương, còn lại là của Cao Thị Thu và công trình viết chung với Huỳnh Thanh Trà) với cái lí của ông Tồn: “Tôi hướng dẫn thì tôi có quyền”.
- Khi cái lí này bị phản đối kịch liệt, trước hết là từ phía các thành viên Hội đồng học hàm, vì đã vi phạm Luật Bản quyền (luận án của tôi và luận văn Cao Thị Thu bảo vệ năm 1995 và 1996, sách ông Tồn ra năm 2002) thì ông Tồn đưa ra cái lí thứ hai “Tôi viết hộ NCS”.
- Khi cái lí “viết hộ” không được chấp nhận, thậm chí còn vi phạm thêm luật hướng dẫn, thì để có bằng được cái học hàm Giáo sư, ông Tồn đã viện cái lí thứ ba là “tôi đọc cho NCS chép”, là “tôi chữa từng dấu chấm dấu phẩy”...
Riêng điều này đủ thấy tính ngụy biện của ông Tồn như thế nào. Cũng chính những lí lẽ kiểu này đã xúc phạm chúng tôi và dồn chúng tôi vào thế bắt buộc phải làm sáng tỏ tính đúng, sai của sự việc.
5 Kết luận: Nói tóm lại, những lí lẽ của ông Tồn, lúc thế này, lúc thế khác, tất cả chỉ là để chống chế, cố gắng biện minh cho việc làm sai trái và không thể chối cãi của ông là bê gần như nguyên xi luận án của tôi vào cuốn sách của ông.
Một cách khiêm tốn và công tâm nhất, tôi đánh giá, luận án của tôi lúc đó được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc. Người hướng dẫn hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ “cố vấn khoa học” của mình. Nghiên cứu sinh cũng chủ động thực hiện và hoàn thành tốt luận án của mình.
Chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau, nếu như không có chuyện này xảy ra.
Cuối cùng, chúng tôi muốn đặt niềm tin và hi vọng vào lần xem xét cuối cùng này của Ban thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong rằng sẽ có một kết luận công tâm, xác đáng để có thể nhanh chóng khép lại sự việc bất đắc dĩ đã kéo dài gần hai thập kỉ (2002-2018)”.
II/ Bộ GD-ĐT cần đưa ra xử lý nghiêm vụ đạo văn thế kỷ này
Từ những điều TS Nguyễn Thúy Khanh trình bày, chúng tôi có mấy nhận xét sau đây:
- Ông Nguyễn Đức Tồn đã trắng trợn cướp đoạt thành quả lao động khoa học của TS Nguyễn Thúy Khanh (cũng như của cử nhân Cao Thị Thu, như Báo Phụ nữ Thủ đô đã phản ánh) đưa vào chuyên khảo và đề tài khoa học cấp Viện để có đủ điều kiện phong Giáo sư (điều kiện phong Giáo sư là phải có chuyên khảo độc lập và phải làm chủ trì đề tài khoa học đã được nghiệm thu).
- Chúng tôi cũng tìm hiểu và biết thêm rằng trong quá trình đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXHVN, gặp các nhân chứng, đoàn đã được cung cấp thông tin là đề tài khoa học cấp Viện (nghiệm thu phần 1 năm 1997 và phần 2 năm 2003), trùng tên và trùng nội dung với chuyên khảo “Đặc trưng văn hoá dân tộc và tư duy ngôn ngữ của người Việt”, cũng là đề tài có dấu hiệu đạo văn rõ ràng. Bởi vì như những gì TS Nguyễn Thúy Khanh trình bày trong văn bản gửi đoàn thanh tra, bà không biết gì về việc ông Tồn bê nguyên các chương luận án của bà vào đề tài cấp Viện của riêng ông, rồi sau đó in thành chuyên khảo đứng tên ông Nguyễn Đức Tồn để đưa vào hồ sơ xin phong Giáo sư năm 2002 và 2006.
Cũng nói rõ rằng năm 2009, khi làm hồ sơ xét phong Giáo sư lần thứ 3, ông Tồn đã đưa cuốn sách chuyên khảo bị tố đạo văn 2 lần trước đó ra ngoài, nhưng hồ sơ này vẫn còn nguyên đề tài khoa học cấp Viện của ông Tồn, như là điều kiện bắt buộc để được phong Giáo sư. Như vậy, hồ sơ xét phong Giáo sư năm 2009 của ông Tồn, tuy đã được “tẩy xóa”, nhưng vẫn là hồ sơ không sạch. Bên cạnh đó, có thể khẳng định rằng ông Tồn đã đạo văn của TS Khanh ngay từ năm 1996-1997 (năm nghiệm thu đề tài cấp Viện), chứ không phải từ năm 2002 (năm in chuyên khảo bị tố đạo văn).
- Khi vụ việc đạo văn bị phản ánh trên rộng rãi các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Đức Tồn đã tìm mọi cách chối tội, cãi lý quanh co, không trừ một chiêu thức nào. Những phát biểu của ông Tồn đã xúc phạm đến danh dự khoa học của TS Nguyễn Thúy Khanh.
Xin được lưu ý rằng TS Nguyễn Thúy Khanh là nhà khoa học tham gia biên soạn Từ điển Tiếng Việt từ năm 1974. Luận án TS của chị được viết trên cơ sở tư liệu và kinh nghiệm biên soạn từ điển và kinh nghiệm nghiên cứu từ vựng ngữ nghĩa mà chị đã tích lũy hơn 20 năm lao động, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt Từ điển Tiếng Việt, do GS Hoàng Phê chủ biên, mà TS Nguyễn Thúy Khanh là thành viên tích cực, là công trình được Giải thưởng KH Nhà nước năm 2005 và nhóm cán bộ nữ Phòng Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học vào năm 2001 được Tổng liên đoàn LĐVN vinh danh Phụ nữ Tài năng. TS Nguyễn Thúy Khanh làm Phó phòng Từ điển Tiếng Việt từ năm 1998, Trưởng phòng từ năm 2006. Chị Khanh cũng tham gia ban chủ nhiệm và biên soạn “Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt”, tham gia Ban chủ nhiệm và là người trực tiếp tham gia công trình “sửa chữa và bổ sung Đại từ điển Việt Nga” (đã xuất bản 2002).
Thiết nghĩ, để giữ gìn liêm chính học thuật, đạo đức khoa học, đạo đức nhà giáo, cần phải nhanh chóng có kết luận về “vụ đạo văn thế kỷ” này và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với kẻ đạo văn. Hành vi đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn bị công luận lên án mạnh mẽ vì vấn đề liêm chính học thuật, về đạo đức của người thầy giáo (“Tại sao đạo văn mà vẫn được phong Giáo sư?”) chứ không phải là vấn đề tranh chấp bản quyền, chia nhuận bút. Bởi vì TS Nguyễn Thúy Khanh (và những người bị ông Tồn chiếm đoạt kết quả nghiên cứu khoa học) không kiện đòi bản quyền và chia nhuận bút! Đạo văn mà vẫn được phong Giáo sư sẽ hủy hoại liêm chính học thuật, hủy hoại sự sáng tạo khoa học. Hy vọng rằng Bộ GD-ĐT sẽ có một kết luận nghiêm túc, báo cáo Phó Thủ tướng, đề xuất xử lý nghiêm để giữ vững niềm tin cho các nhà khoa học chân chính.
Theo Phụ nữ Thủ đô