Trở lại vùng đất chết với nỗi đau chất độc màu da cam

Trở lại vùng đất chết với nỗi đau chất độc màu da cam

Thứ 4, 14/08/2013 11:18

Lẩn khuất trong cuộc sống thường nhật xô bồ của TP. Biên Hòa, ít ai biết sân bay Biên Hòa khắc sâu vào lòng người dân như một mảnh đất chết, mảnh đất nguy hiểm và đáng sợ nhất tại Việt Nam.

Vùng đất... chết

Tìm về phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa, sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi cũng được mục kích địa danh mới nghe qua thôi cũng đủ sợ này. Cho đến hôm nay, những hậu quả từ cuộc chiến khốc liệt trên vẫn dai dẳng, ám ảnh người dân nơi đây về một vùng đất chết. Hiện, sân bay đã được rào kín bằng tường bê tông kiên cố. Theo lời của người dân trong phường, trước đây, sân bay không hề có tường rào và người dân vẫn thường vào sân đào sắt vụn như một cái "nghề" làm cần câu cơm. Từ đó  có "xóm bay" và nhiều người dân khẳng định chính từ việc vào sân bay đào, thu nhặt phế liệu, cái "xóm bay" này có nhiều người bị dị tật, con sinh ra bị down, ngớ ngẩn.

Xã hội - Trở lại vùng đất chết với nỗi đau chất độc màu da cam

 Một gia đình với nỗi đau chất độc da cam ở tỉnh Đồng Nai

Tại đây, không người dân nào không biết và cảm nhận được việc mình đang sống chung với chất độc đáng sợ dioxin. Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc dân trong khu vực có biết việc sân bay và một số khu vực lân cận bị nhiễm độc hay không, anh Nguyễn Thanh Tâm (48 tuổi ngụ tại P. Trung Dũng, TP. Biên Hòa) cho biết: "Chuyện sân bay bị nhiễm chất độc màu da cam ai cũng biết cả. Nhưng cũng chỉ biết là nó bị rò rỉ từ những thùng hóa chất độc hại có trong sân bay, từ việc rửa, sửa chữa máy bay chiến đấu cũ trong đó thôi còn việc phòng tránh thì mỗi nhà mỗi kiểu".

Được biết, mặc dù Nhà nước cũng đã có những giải pháp ngăn chặn, tiêu hủy, khắc phục tình trạng nhiễm độc tại đây nhưng vẫn chưa thể có một kết quả như mong đợi trong thời gian ngắn. Trong khi đó, chất độc hại có xu hướng lan đến những khu vực lân cận. Ngoài hồ nước bị bỏ hoang bên cạnh sân bay,  nơi trực tiếp nhận nước thải từ sân bay, một trong những địa điểm bị nhiễm nặng nữa là hồ Biên Hùng trong công viên Biên Hùng, nơi được người dân gọi vui là hồ dioxin

Ghi nhận tại những địa điểm trên, chúng tôi nhận thấy, người dân đều biết việc những khu vực trên bị nhiễm chất độc vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, tại những con kênh thoát ra từ hồ bỏ hoang, trực tiếp nhận nước thải từ sân bay chúng tôi vẫn nhận thấy người dân câu cá về ăn. Đặc biệt tại hồ Biên Hùng vốn được người dân truyền tai nhau là hồ dioxin vẫn xảy ra hiện tượng câu trộm và tiêu thụ cá do chưa hiểu hết về nguy cơ nhiễm độc.

Nỗi lo sống nơi... cửa tử

Chia sẻ cảm nhận cùng chúng tôi khi sinh sống và làm việc tại nơi được xem là vùng đất chết, anh Trần Văn Trà, lái xe ôm trước cổng chính của sân bay Biên Hòa cho biết: "Nhiều lúc cũng sợ, nhưng mình đã biết chuyện thì cũng chủ động đề phòng như không ăn uống thức ăn được trồng từ những khu vực bị nhiễm. Không tắm, không uống nước từ những hồ, kênh rạch bị nghi là nhiễm. Cũng chỉ biết đến vậy thôi. Ở đây, bây giờ dân trí cao ít có người trồng rau, nuôi cá ở những nơi bị nhiễm. Tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng nhiều  người từ nơi khác đến đây sinh sống vì không biết sự việc trên vẫn trồng rau muống, khoai lang,... tưới tiêu cây trồng bằng nước chảy ra từ sân bay rồi bán ra thị trường".

Theo lời anh, nơi minh chứng rõ ràng hơn cả là quê anh, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm TP. Biên Hòa khoảng 6km nơi nằm ngay sát đường băng của sân bay. Tại đây, người dân khẳng định: Xóm có nhiều hộ gia đình có con em bị nhiễm chất độc màu da cam. Ông Lương Minh Trung, chủ một quán giải khát tuềnh toàng trên con đường đất cát dẫn vào cái xóm nhỏ sát sân bay cho biết: "Xóm có nhiều nhà có con bị chất độc da cam lắm, kể cả nhà không có người đi lính. Toàn là bị nhiễm do chất độc ngấm ra từ sân bay thôi. Lên một khúc nữa có nhà của bà Ngẫu, cô Thư,... có cháu, con bị chất độc màu da cam".

Xã hội - Trở lại vùng đất chết với nỗi đau chất độc màu da cam (Hình 2).

Sâu dưới mặt nước xanh biếc của hồ Biên Hùng là một lượng lớn dioxin lắng tụ

Nơi được mệnh danh có tỉ lệ nhiễm dioxin cao nhất thế giới

Theo tài liệu, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã lưu giữ tại đây hơn 98.000 thùng phuy loại 205 lít chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh. Ngoài ra có hơn 11.000 thùng chất diệt cỏ các loại đã được vận chuyển từ sân bay Biên Hòa trong chiến dịch Pacer Ivy vào năm 1970. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970 đã có ít nhất 4 sự cố chảy tràn chất diệt cỏ với khoảng 25.000 lít chất diệt cỏ được lưu giữ tại sân bay.

Cũng theo lời ông, xóm này còn có biệt danh là "xóm bay". Lý giải biệt danh trên ông cho biết: Trước đây, đời sống khó khăn, phần lớn người dân nơi đây đều tìm cách vào sân bay tìm nhặt, đào bới sắt vụn, phế liệu mưu sinh. Thậm chí có thời điểm, gần như cả xã thi nhau vào đấy đào phế liệu làm nghề kiếm sống. Rất có thể, trong thời gian đó, họ đã bị nhiễm chất độc mà không biết.

Ghi nhận tại nhà Đỗ Thị Nguyệt ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cữu, chúng tôi được chị giới thiệu em Trần Minh Thư đã 17 tuổi nhưng vì nhiễm chất độc màu da cam, em chỉ mới học hết lớp 8. Chia sẻ với chúng tôi về nguyên nhân căn bệnh quái ác của con, chị khẳng định: "Trước đây tôi sống cạnh sân bay và trồng rau muống từ năm 10 tuổi. Hồi đó tôi lấy nước ở sân bay tưới rau mà thấy ngọn rau nào cũng bị quăn lại nhưng không biết tại sao, chân thì bị lở lói và trong không khí cứ bay mùi thuốc ổi. Thực ra lúc đó tôi chẳng biết gì về chất độc da cam hết. Về sau này, chuyện sân bay bị nhiễm chất độc màu da cam nặng tôi mới được biết nhưng cũng đã muộn".

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Văn Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn, Văn phòng Ban chỉ đạo 33 thuộc bộ Tài nguyên và Môi Trường cho biết: Tình trạng ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa hết sức phức tạp. Mặc dù từ năm 2009, hơn 94.000m3 đất được xác định nhiễm chất độc này đã được chôn lấp nhưng khu vực Nam Z1, thuộc phía Tây của sân bay Biên Hòa hiện vẫn còn đến hơn 10ha bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng hơn, theo nghiên cứu mới nhất, chất dioxin còn thâm nhập động vật thủy sinh, các chuỗi thực phẩm. Các loài cá nuôi và thực phẩm có nguồn sinh sản từ khu vực này cũng bị ô nhiễm nặng.

Nguyễn Sơn - Suối Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.