Người dân thôn Mỹ Tường nói về thực trạng nhiễm mặn.
Nhiễm mặn do hạn hay do con người?
Theo Văn bản số 5010/UBND-KTTH, việc nhiễm mặn tại khu vực thôn Mỹ Tường (xã Nhơn Hải) đã diễn ra từ lâu. Các hộ trồng hành tỏi, rau màu ở địa phương không hoàn toàn sử dụng nước giếng mà chủ yếu dẫn nước ngọt từ thôn Mỹ Tường (phía Tây tỉnh lộ 702) sang pha trộn với nước giếng để phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, trong năm 2018, do hạn hán kéo dài, mùa mưa đến rất chậm, lượng mưa thấp hơn 30%, nguồn nước ngọt không đủ phục vụ sản xuất, người dân phải sử dụng nguồn nước giếng. Do đó, cây hành sinh trưởng kém.
Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu, hành bị bệnh, rễ bị thối, kết hợp với giá bán giảm mạnh nên các hộ trồng hành gặp nhiều khó khăn, một số hộ chuyển đổi cây trồng để tránh rủi ro.
Để rõ hơn về vấn đề này, ngày 5/12 PV báo Người Đưa Tin đã đến thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 tiếp tục xác minh, ghi nhận thực tế về tình trạng nhiễm mặn. Trao đổi với PV, nhiều người dân cho biết, đất sản xuất nông nghiệp ở đây đã có từ lâu, bà con sản xuất rất ổn định.
Trước đây, nhiều năm liền, đã từng có thời điểm hạn hán gây thiếu nước nhưng cũng không có xảy ra tình trạng đất bị nhiễm mặn. Người dân khẳng định việc nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng kể từ khi xuất hiện các cơ sở sản xuất thủy sản hình thành.
Anh Nguyễn Văn Vương (ngụ thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cho hay: “Người dân chúng tôi đồng tình cho việc mở rộng khu quy hoạch nuôi tôm giống. Tuy nhiên, rất mong các cấp, các ngành xem xét lại vùng nuôi, vì nơi các cơ sở nuôi tôm đang hoạt động nằm ngay trong khu vực đất sản xuất của bà con, nên bây giờ phần lớn diện tích đất và nguồn nước nơi đây đã bị nhiễm mặn”.
Cùng quan điểm với anh Vương, anh Huỳnh Bá Phụng (ngụ cùng thôn) cho biết: “Nguồn nước ngầm của bà con ở đây không đến nỗi thiếu hụt, sở dĩ chúng tôi phải cam chịu cảnh kéo nước từ nơi khác về để sản xuất là do tất cả các giếng ngầm ở đây đã bị nhiễm mặn nặng không thể tưới cho cây trồng".
Anh Vương chia sẻ thêm: “Từ ngày các cơ sở sản xuất giống thủy sản mọc lên như nấm sau mưa, các chủ trại thản nhiên bơm nước biển lên sản xuất rồi vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh, nước biển xả thải thẩm thấu vào đất mỗi ngày càng nhiều khiến cho nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn là điều không thể chối cãi. Nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác. Nếu trước đây, bà con trồng 4 vụ/năm, thì nay chỉ còn trồng được 2 vụ/năm, năng suất cũng giảm rất nhiều".
Vì sao cơ sở thủy sản đi thương lượng?
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua số lượng cơ sở nuôi sản xuất thủy sản tại hai xã Nhơn Hải và Thanh Hải đã tăng lên con số hàng trăm.
Qua kiểm tra thực tế, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhìn nhận: “Khu vực quy hoạch sản xuất tôm giống thủy sản tập trung Nhơn Hải với diện tích 100ha là khu quy hoạch lớn thứ 2 của tỉnh, thu hút 189 cơ sở sản xuất giống thủy sản, chiếm 38,6% tổng số cơ sở sản xuất giống thủy sản toàn tỉnh.
Ngoài ra, có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tự thương lượng, đàm phán mua lại đất của người dân địa phương để xây dựng trại sản xuất và tiếp tục mở rộng quy mô khi có điều kiện. Do đó, trong khu sản xuất giống thủy sản tập trung ở Nhơn Hải có sự đan xen giữa diện tích trồng hành, tỏi, rau màu, nhà ở của người dân địa phương”.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thừa nhận, do gặp khó khăn, hạn chế về nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nên khu vực này hoàn toàn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Các cơ sở sản xuất giống thủy sản tự thiết kế đường ống chôn ngầm dưới đất và bơm nước biển vào trang trại để sản xuất. Đối với nước thải, các cơ sở đều có bể chứa nước thải nhưng thực chất chỉ là dạng “hầm rút”.
Nhơn Hải được biết đến là vựa hành tím có diện tích trồng lớn nhất tỉnh Ninh Thuận, với khoảng 150 ha.
Thế nhưng, trong 6 năm trở lại đây, “thủ phủ” trồng hành tím ở hai thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2, phải hứng chịu thiệt hại nặng nề vì nguồn nước và đất sản xuất ngày càng bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Hơn 2 năm nay, hàng trăm hộ dân rất bức xúc về các cơ sở sản xuất giống thủy sản như: Tôm giống, ốc hương… xả nước thải tràn lan, gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Mới đây, đoàn công tác bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vụ Hợp tác quốc tế) tiến hành khảo sát, điều tra đánh giá tình hình nhiễm mặn tại Ninh Thuận để hoàn tất việc đề xuất “Thực hiện nghiên cứu dự án Khử mặn nước bằng năng lượng gió”.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đoàn công tác bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất giải pháp, tham mưu bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nhân lực, nguồn lực để sớm khắc phục nhiễm mặn ở khu vực Mỹ Tường nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Người dân đang khắc khoải mong chờ ngành chức năng sớm có biện pháp căn cơ hơn để xử lý tình trạng nhiễm mặn để họ an tâm sản xuất vụ mùa tiếp theo.