Không chỉ dừng là ở những châm ngôn bất hủ kiểu "Thăng vì quá lăng nhăng", nhiều chuyên gia về ngôn ngữ và tâm lý còn bày tỏ sự lo lắng vì sự lệch chuẩn, méo mó của tiếng Việt kèm theo đó là nỗi lo lắng sẽ có một diễn đàn nghĩ đủ thứ trò dại về sự chết chóc trên mạng xã hội.
Quá rỗi việc, giới trẻ thường nghĩ ra những trò dại để “đốt” thời gian qua mạng xã hội. Ảnh minh họa
Lấy cái chết để... cười
Lan truyền với tốc độ chóng mặt qua mạng xã hội facebook, Sát thủ - chết bất hủ với 190.000 người dùng hàng tháng đủ để thấy độ hot của ứng dụng này ra sao. Chỉ cần gõ từ khóa Sát thủ - chết bất hủ vào ô tìm kiếm trên facebook và xác nhận ứng dụng là bạn đã có thể tham gia “trào lưu” đang cực nóng này.
Sát thủ - chết bất hủ là một ứng dụng dự đoán vui về kết thúc cuối đời của người tham gia. Chỉ cần ghi lại tên và năm sinh của mình, nếu thích chủ nhân có thể cho thêm bức ảnh của "khổ chủ". Ứng dụng này sẽ cho ra kết quả hình ảnh một tấm bia mộ với dòng chữ R.I.P (tưởng nhớ) tên bạn, và bên cạnh là thông tin ngày sinh, ngày mất và lý do "khổ chủ" rời xa cõi trần.
Những lý do chết mà ứng dụng tiên đoán đều khiến người xem bật cười ngay lần đọc đầu tiên. Những "châm ngôn" từng xuất hiện trong cuốn sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ lại xuất hiện và lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội facebook. Kiểu như Chết cháy vì táy máy vào ổ điện, Ngủm vì ngửi phải mùi thum thủm, Chết vì nghĩa tình đã hết, Ra đi vì vợ nghi cặp bồ, Thăng vì rụng hết răng không ăn được, Nghẻo vì trèo cây cao, Thăng vì quá lăng nhăng. Bên cạnh những nguyên nhân chết hết sức đời thường thì có những lý do lại mang đậm tính thời sự như: Thăng vì xăng pha Aceton, Chết vì nghĩ quá nhiều về Tết, Tắt thở vì con nợ siết nhà, Chết vì không có tiền tiêu Tết...
Anh Nguyễn Văn Tấn, sinh viên Trường ĐH GTVT Hà Nội cho biết: "Cuộc sống quá nhiều áp lực và mạng xã hội với những ứng dụng vui cũng làm cho người dùng "thoát" và "xả" được phần nào những bức xúc hàng ngày. Từ lúc tham gia ứng dụng Sát thủ - chết bất hủ này được cộng đồng mạng chia sẻ, tôi cũng hay có thói quen vào trang của bạn bè để xem họ "thăng" vì lý do gì. Những lý do về sự ra đi bằng những câu văn vần, hài hước làm cho tôi cảm thấy bớt mệt mỏi".
Chị Lê Thanh T. (1989) lại không được lạc quan như nhiều người thường coi ứng dụng Sát thủ - chết bất hủ chỉ là một trò giải trí. Chị T. chia sẻ: "Người anh họ bằng tuổi tôi mất vì tai nạn giao thông mới chỉ được vài tháng. Tôi phải chứng kiến cảnh đó nên những hình ảnh về cái chết luôn ám ảnh tôi. Cộng với việc bạn bè trên mạng xã hội than thở về cái chết, cách chết làm tôi luôn suy nghĩ về ngày ra đi của mình sẽ thế nào. Đó thực sự là một việc khủng khiếp".
Giải trí hay nhảm nhí?
Không chỉ đưa ra những câu châm ngôn bất hủ về lý do ra đi, tôi thực sự bàng hoàng khi vào trang cá nhân của một người bạn có tên hoahaiduong. Ngay sau khi "khổ chủ" hiện lên bia mộ và lý do ra đi là Chết vì nghĩa tình đã hết. Lần lượt bạn bè "nhảy vào" để cùng bình luận về cái chết. Những dòng tâm trạng bức xúc về "thế thái nhân tình" kiểu như sống làm gì khi biết mình sẽ mãi nghèo hay những câu hỏi như "cái chết nào nhẹ nhàng và êm ái nhỉ? "làm cho tôi không khỏi nghĩ rằng lẽ nào mình bị lạc vào diễn đàn của những người muốn chết?
Tấm "bia mộ" của một người tham gia ứng dụng Sát thủ - chết bất hủ
Không có được niềm vui như nhiều bạn bè quảng cáo khi chia sẻ về Sát thủ - chết bất hủ, chị Trần Ngọc Phương, sinh viên khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH và NV Hà Nội cho biết: "Tôi thấy hình như các thành viên sử dụng mạng xã hội không còn việc gì để làm nữa. Trong khi nhiều người trẻ dùng mạng xã hội để kết nối những đam mê sáng tạo, chia sẻ về tình yêu cuộc sống thì lại không ít người dùng facebook chỉ để bàn về cái chết". Tự dưng lại đi lập bia mộ và dự đoán cái chết của mình chỉ để... mua vui. Đó là một ứng dụng vô bổ nhất mà tôi từng được nghe và biết".
TS Mai Xuân Huy chia sẻ: "Cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ là một cuốn sách tranh phản ánh một trào lưu phá cách trong ngôn ngữ. Đó cũng là cách tự làm mới mình của ngôn ngữ và người dùng ngôn ngữ. Về khía cạnh tâm lý của giới trẻ nó cũng là điều bình thường vì họ đang trong quá trình lớn lên và hoàn thiện về nhân cách. Họ có quyền bày tỏ ý chính kiến và sự sáng tạo. Nhưng đứng về khía cạnh văn hóa và đạo đức xã hội thì có nhiều điều còn khiến cho chúng ta phải trăn trở. Ngôn ngữ của Sát thủ đầu mưng mủ là ngôn ngữ tếu táo, không có sự cân nhắc và lựa chọn, cốt chỉ có sự vui cười làm trọng. Hơn nữa, ở đây lại là ngôn ngữ nói về cái chết được báo trước. Nó sẽ rất bi thương và u buồn. Như vậy sẽ gieo vào đời sống và ngôn ngữ những mầm độc mà không bao giờ nên có".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Chính, Công ty Tham vấn, nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống cho biết: Sát thủ - chết bất hủ cũng như Sát thủ đầu mưng mủ nó thể hiện một phần suy nghĩ, cách phản ứng của người trẻ với cuộc sống. Lớp trẻ là những người thích cái mới, cái lạ và độc, đó là chuyện rất bình thường. Nhưng khó ai có thể lường hết được tác động của nó ra sao với tâm lý của người trẻ. Những đối tượng có sự "hưng phấn", thích chạy theo trào lưu, thích khác người rất cao.
Do vậy, khi gặp một cú sốc về tình cảm hoặc những chuyện không vừa ý, họ sẽ nảy sinh ý định tìm cái chết để giải thoát bản thân. Một số khác tuy không thích chết nhưng cũng hùa theo với suy nghĩ càng đông càng vui, “không thành công cũng... thành nhân”, nếu không chết được thì ít ra cũng tạo nên được... một trào lưu mới. Xét cho cùng, những hiện tượng này chỉ là một cách gây sốc của các bạn trẻ nhưng nếu không được định hướng nó cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ".
TS Mai Xuân Huy, Viện Ngôn ngữ học cho rằng, đây là một trào lưu không bình thường vì những người dùng mạng xã hội thường là những người trẻ. Họ có sức khỏe, có hoài bão thì sao lại vội nghĩ tới chết. Những người khởi xướng nếu không phải có tư tưởng bệnh hoạn thì cũng là những người thích làm “thủ lĩnh”, dù nói thẳng ra đây là thủ lĩnh của một trào lưu vô bối.
Đỗ Thơm